Tín hiệu tích cực của doanh nghiệp Việt
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết qua các số liệu, có thể khẳng định được tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025 hết sức tích cực.
Cụ thể, trong quý I năm 2025, cả số lượng doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 36.400, tương đương với năm 2024 nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 2017 – 2023. Đặc biệt, vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới cũng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Phương chỉ ra, sự bùng nổ này trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thứ nhất, xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế.

"Điều này cho thấy công tác đổi mới về thể chế đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cởi mở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh", ông Phương nhấn mạnh.
Thứ hai, theo ông Phương đó chính là niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện đang vướng mắc. Điều này rất quan trọng vì các dự án đang chờ các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, tiếp tục hoạt động. Các nhà đầu tư mới, các dự án lớn đang có niềm tin vào chính sách của Nhà nước và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các quyết sách của Đảng và Nhà nước như quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và định hướng trong những năm tới tăng trưởng hai con số.
"Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Kèm theo đó là một loạt giải pháp, chính sách có thể củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông nói.
Thứ tư, yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng là mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này hết sức quan trọng. Chúng ta thấy rõ chủ trương lớn của Đảng trong phát triển kinh tế khu vực tư nhân, coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
Trên đây là những tác nhân, yếu tố làm cho các doanh nghiệp ngày càng có thêm niềm tin vào nền kinh tế của Việt Nam. Điều này dẫn đến sự bùng nổ trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025.
Việt Nam đã đáp ứng 9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết việc nâng hạng thị trường chứng khoán được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Theo ông Phương, quá trình nâng hạng thị trường đang diễn ra trên hai tiến trình song song: Làm việc với các tổ chức xếp hạng như FTSE, MSCI và tăng cường sự ủng hộ từ cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã đáp ứng 9 tiêu chí nâng hạng theo yêu cầu của các tổ chức xếp hạng, tuy nhiên “điều kiện đủ” vẫn phụ thuộc vào đánh giá thực tế và mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính và UBCKNN tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, triển khai Hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam (hệ thống KRX) trong tháng 5/2025, bao gồm tính năng giao dịch, thanh toán và quản trị rủi ro dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, ban hành Thông tư 18/2025 sửa đổi các quy định liên quan nhằm tháo gỡ rào cản về cơ chế thanh toán.
Thứ hai, sửa đổi Nghị định 155/2020, làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các công ty đại chúng để tăng tính minh bạch và hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Thứ ba, triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp.
Thứ tư, nghiên cứu áp dụng tài khoản giao dịch tổng, bước đầu dành cho các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó sẽ mở rộng và sửa đổi các quy định liên quan.
Thứ năm, tăng cung hàng hóa và phát triển sản phẩm mới, như rút ngắn quy trình niêm yết cổ phiếu, xây dựng thêm các bộ chỉ số đầu tư để làm cơ sở cho các quỹ đầu tư vận hành.
Thứ sáu, thành lập nhóm đối thoại chính sách, quy tụ đại diện UBCKNN, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế, ngân hàng… nhằm thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường.

Rủi ro từ huy động tiền gửi “trá hình” của các công ty chứng khoán

MSB sẽ mua công ty chứng khoán vốn 300-500 tỷ đồng, thoái mảng tài chính tiêu dùng
