“Chiếc áo cũ đang chật”?
Sáng 11/10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị trong gian đoạn mới.
“Với hội thảo này, UBND TP Đà Nẵng mong muốn được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý để nghiên cứu, hoàn thiện đề án xây dựng chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp của TP” - ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết hiện TP có 6 quận nội thành (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu), 2 huyện (Hòa Vang và Hoàng Sa) và 45 phường, 11 xã. Trước khi tổ chức Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và đạt được những kết quả nhất định.
Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, từ năm 2016, Đà Nẵng tái lập HĐND quận, huyện, phường; đảm bảo cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND, UBND ở cả 3 cấp (TP, quận, huyện và phường, xã) với 49 đại biểu HĐND TP; Chủ tịch UBND TP, 4 Phó Chủ tịch UBND TP; 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; 250 đại biểu HĐND cấp quận, huyện; 1.550 đại biểu HĐND phường, xã… Tuy nhiên, mô hình tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã hiện nay về cơ bản chưa phân định rõ sự khác biệt địa bàn nông thôn và địa bàn đô thị.
Về ưu điểm của bộ máy tổ chức hiện tại, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng, bộ máy chính quyền các cấp tại địa phương được củng cố, kiện toàn, có tiến bộ đáng ghi nhận về năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp hơn với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị và phục vụ nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, mô hình hiện tại còn những hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục như: HĐND TP vẫn chưa được giao đủ thẩm quyền để ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là thẩm quyền của HĐND ở cấp huyện và nhất là cấp xã, về thực chất, chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn; Chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp có nhiều đổi mới nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn chế, chưa hiệu quả, chồng chéo trong công tác giám sát; Quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực KT-XH, quản lý đô thị của cấp quận, huyện, phường, xã chưa thật sự tốt…
Một cửa liên thông là một trong những bước tiến để Đà Nẵng tiến tới hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu của người dân
|
Trong quá trình vận hành, cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp đã bộc lộ một số bất hợp lý, tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa sát hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình đơn vị hành chính, chưa tinh, gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước. Ở khu vực đô thị, HĐND quận, phường chưa phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, việc tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau….
“Áo mới” nào cho Đà Nẵng?
Với thực trạng đó, Ban chỉ đạo đề án Xây dựng mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng đưa ra 2 phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Phương án 1: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã).
Phương án 2: Xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp TP và cấp quận, huyện) và 1 cấp hành chính (áp dụng đối với phường).
Phương án 1 được đề xuất căn cứ vào tình hình đặc điểm, quy mô, tính chất đô thị Đà Nẵng (6 quận nội thành, 1 huyện Hòa Vang có 11 xã và huyện Hoàng Sa); kinh nghiệm từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009 - 2016.
Ở phương án này, tổ chức chính quyền cấp TP sẽ chỉ có một cấp chính quyền gồm có HĐND, UBND theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Và HĐND TP quyết định số lượng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quản lý trên cơ sở mức trần chi ngân sách cho con người được Chính phủ giao, trong nguồn lực của địa phương đã được Quốc hội, Chính phủ phân cấp theo nguồn thu và nhiệm vụ chi thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 và các thời kỳ tiếp theo
Đối với tổ chức chính quyền tại các quận huyện, xã phường sẽ không tổ chức HĐND chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND ở quận huyện, xã phường với cơ cấu cơ quan chuyên môn giúp việc.
Còn phương án 2, Đà Nẵng sẽ không tổ chức HĐND phường, là mô hình thí điểm đã được Bộ Chính trị cho phép Hà Nội thực hiện.
Với phương án này, tổ chức chính quyền cấp TP và quận, huyện sẽ gồm HĐND, UBND. Tại phường, xã sẽ chỉ có UBND. Mô hình không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, các xã thuộc huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh, gồm HĐND và UBND xã.
Song song với việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Ban xây dựng đề án cho rằng sẽ phải đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Thanh Long cho rằng, việc xem xét nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị trước hết cần làm rõ hơn những hạn chế, kết quả của 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện, phường xã ở Đà Nẵng và các giải pháp để giải quyết những hạn chế.
Hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng sáng 11/10/2019 |
"Đối với chủ trương đổi mới tổ chức chính quyền không chỉ là tìm kiếm mô hình quản lý đô thị, mà còn nhằm xây dựng chơ chế và nâng cao hiệu quả vận hành của bộ máy cơ quan hành chính, từ cấp TP đến phường xã ở Đà Nẵng" - ông Phan Thanh Long chia sẻ.
Nên theo ông Long, cần làm rõ hoạt động giám sát của các cơ quan trong hoạt động thực thi ở các cấp dưới đối với phương án 1 và làm rõ cơ cấu bộ máy tổ chức, cơ chế phương thức hoạt động của cấp chính quyền TP đối với phương án 2. Nhất là nếu thực hiện bãi bỏ mô hình HĐND cấp quận huyện, xã phường cần xem xét vấn đề sắp xếp tinh gọn đối với hơn 250 cán bộ HĐND cấp quận huyện và hơn 1.550 cán bộ HĐND cấp xã phường, khi không còn HĐND ở cấp này.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ cơ chế phối hợp, phân cấp phân quyền, tương tác,… giữa cấp chính quyền TP đến cơ sở, phù hợp với thực tiễn của Đà Nẵng và bối cảnh chung của cả nước.