Đã đến lúc bỏ quy định độ tuổi đối với chính trị gia đủ năng lực và có uy tín với xã hội (Bài cuối)

VietTimes-- Đối với các chính trị gia có đủ năng lực và có uy tín với xã hội, có nhất thiết phải hạn chế độ tuổi không? Đã đến lúc Đảng hóa thân vào Nhà nước để quản lý, điều hành đất nước? Việc lựa chọn người đứng đầu Đảng nên để đại hội đảng bầu hay tiếp tục duy trì như hiện nay? Đó là những vấn đề mà chúng tôi tiếp tục đặt ra với ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
ĐB Lê Thanh Vân
ĐB Lê Thanh Vân

Không nên quy định độ tuổi với chính trị gia đủ năng lực và có uy tín với xã hội

Thưa ông, khi nói đến cán bộ cấp chiến lược (hay còn gọi là chiến lược gia, chính trị gia) ông từng phát biểu, đó là “lương đống của quốc gia, xã tắc” có lòng tự trọng và liêm sỉ, hội đủ các phẩm chất của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình”. Vậy làm thế nào để có được những chính trị gia kiệt xuất như vậy?

- Làm thế nào để tìm ra được chính trị gia kiệt xuất ư? Như tôi đã nói, chỉ có thể thông qua tuyển cử, tranh cử và kiểm định bằng thực chứng cống hiển to lớn của họ cho Nước, cho Dân mới xác định được. Nếu như thi tuyển sẽ xác định được nhân tài về tư duy vượt trội và tầm nhìn chính sách, thì tranh cử và qua thực tiễn kiểm nghiệm sẽ chọn ra được nhân tài không chỉ đạt được tầm tư duy vượt trội, có tầm nhìn xa, trông rộng, mà còn nhận diện ra những cống hiến, uy tín, ảnh hưởng của họ đối với nhân dân, đối với xã hội.

Đó chính là người có tư duy vượt trội, có tầm nhìn chiến lược, hội đủ các phẩm chất của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình, được thể hiện qua việc làm cụ thể, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Nhìn vào những thành tựu nổi bật đạt được mấy năm qua, thì kết quả ban đầu trong đấu tranh diệt trừ tham nhũng, diệt trừ tệ nạn lộng hành quyền lực do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đang làm nức lòng nhân dân cả nước. Kết quả ấy không thể tách rời vai trò của người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư. Chính lúc này, nếu loại bỏ những phần tử tiêu cực chính trị, cam tâm chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng giữa Đảng và Nhân dân vì sự nghiệp chung, có thể thấy muôn người như một, đều hướng về Đảng, chí thành ủng hộ  những tuyên ngôn, thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt của Tổng Bí thư với những câu nói đanh thép: “Lò đã nóng lên rồi, không ai có thể đứng ngoài cuộc”; “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.

Nhiều người đã gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những cái tên trìu mến, rất đỗi bình dị, như “Người đốt lò vĩ đại”, “Bác Cả”, “Cụ Tổng” và ví cuộc chiến chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực hiện nay đang diễn ra với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm” như khí thế sục sôi của đại thắng Mùa Xuân 1975. 
---ĐB Lê Thanh Vân---

Ai ai cũng mong muốn diệt nhanh, diệt gọn tệ nạn ấy! Đất nước đang cần lắm những con người được lòng Dân như thế!

Thông thường ở các nước, đối với các chính trị gia, không đem đuổi tác làm tiêu chuẩn, miễn là người đó có đủ tài năng, được người dân tín nhiệm bầu ra. Ông Ronald Reagan trúng cử Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ năm 70 tuổi và kéo dài 2 nhiệm kỳ, Chu Dung Cơ làm Thủ tướng thứ 5 của Trung Quốc khi cũng đã bước sang tuổi 70; gần đây nhất là Mahathir Mohamad trúng cử Thủ tướng Malaysia ở tuổi 92. Còn Việt Nam chúng ta thì sao?

- Những dẫn chứng vừa nêu trong câu hỏi trên cho thấy, ở các quốc gia phát triển, người ta không xem trọng độ tuổi của chính trị gia. Cái mà người ta cần là chọn ai xứng đáng với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, là nhân vật đủ tầm ảnh hưởng để dẫn dắt đất nước họ ổn định và phát triển.

- Ở nước ta, về giới hạn độ tuổi, trong quy định hiện hành của Đảng vẫn có trường hợp đặc biệt. Nhưng, đã là đặc biệt thì số lượng phải là rất ít và chỉ có một, hoặc hai trường hợp thôi. Việc giới hạn tuổi tác đối với các chính trị gia như hiện nay, tuy có mặt tích cực là ngăn chặn nạn tham quyền, cố vị, nhưng cũng dẫn tới không ít hệ lụy. Nhiều người còn sức khỏe, có tài năng, kinh nghiệm, có uy tín trong nhân dân, nhưng vì quy định độ tuổi nên phải nghỉ hưu.

Mặt trái của quy định ấy dẫn đến tình trạng “chạy tuổi” để được tiếp tục làm việc, tiếp tục hưởng đãi ngộ từ ngân sách. Sở dĩ có quy định ràng buộc ấy, vì chúng ta chưa có cơ chế đánh giá chính xác về năng lực, uy tín, ảnh hưởng và vai trò của cá nhân đối với tập thể, và cao hơn nữa là đối với đất nước, với Nhân dân. Nếu đổi mới chế độ nhân sự, làm rõ được từng tiêu chí trong cơ chế đánh giá cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu, chúng ta sẽ xác định được ai là người đang cần cho Nước, cho Dân lúc này.

Ông Mahathir trúng cử Thủ tướng Malaysia ở tuổi 92 (Ảnh: REUTERS)
Ông Mahathir trúng cử Thủ tướng Malaysia ở tuổi 92 (Ảnh: REUTERS)

Tranh cử và chức danh người đứng đầu?

Có ý kiến cho rằng nên chăng người đứng đầu Đảng nên để Đại hội Đảng bầu ra, không căn cứ vào tuổi tác, miễn sao đủ tài năng, qua thăm dò dư luận được nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nếu như trong khoa học tự nhiên, một cá nhân có thể chứng minh phát kiến của mình là đúng bằng logic biện chứng, bởi đó là tồn tại khách quan và lẽ phải tự nó đã là đa số. Nhưng, trong khoa học xã hội, thì việc đánh giá vai trò cá nhân, phải căn cứ vào thành quả, cống hiến mà người đó đã mang lại cho số đông và chỉ có số đông mới nhận diện ra điều đó. Chính vì vậy, để đánh giá vai trò của một chính trị gia xuất chúng, thì không ai sáng suốt và công minh bằng nhân dân. Một tập thể, dù là tinh hoa, cũng không thể đánh giá chính xác bằng quảng đại quần chúng. Vì thế cần có cơ chế để người dân tham gia lựa chọn cán bộ cấp cao.

Với cách hiểu ấy, tôi cho rằng đã đến lúc nên mạnh dạn để Đại hội toàn quốc của Đảng trực tiếp bầu Tổng Bí thư. Thực ra thì vấn đề này, đã từng được nêu ra rồi, nhưng có thể chưa có sự chuẩn bị, chưa có đồng thuận, hoặc điều kiện chưa chín muồi. Tôi nghĩ, bối cảnh, điều kiện hiện nay đã chín muồi để thực hiện cơ chế ấy. Một người có uy tín, ảnh hưởng lớn trong Đảng, trong xã hội, với lời nói đi đôi với hành động và đã được kiểm chứng bằng thực tiễn, mà toàn Đảng biết, toàn Dân ghi nhận, thì cớ sao những đảng viên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc lại không có quyền bầu ra người đứng đầu? Một người có ảnh hưởng lớn trong lãnh đạo, điều hành đất nước, được Nhân dân ghi nhận, thì cớ sao toàn dân lại không có quyền được được bầu ra nguyên thủ của mình?

Nhưng để có thể làm như ông nói trong thể chế hiện tại thì có thực hiện được không, hay phải song song với cải cách thể chế nữa?

- Như trên tôi đã nói, ngay cả trong chế độ đa đảng (ở hầu hết các nước phương Tây), hay lưỡng đảng luân phiên nhau cầm quyền (điển hình như Mỹ và Anh), nhưng khi đã chiếm đa số trong nghị viện rồi, thì thực chất vẫn chỉ có một đảng cầm quyền, bởi họ nắm giữ quyền chi phối mọi quyết định của nghị viện. Cơ chế ấy có mặt tích cực là tính phản biện, bảo đảm sự đồng thuận của đa số khi ban hành chính sách, pháp luật trong một nhiệm kỳ chấp chính.

Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế ấy chính là tính thiếu nhất quán về đường lối, chủ trương và luật pháp, đôi khi vuột mất thời cơ hiếm có, khiến xã hội dễ rơi vào bất ổn. Bởi vậy, dù một đảng chính trị cầm quyền, nhưng biết tập hợp tinh hóa trí tuệ của dân tộc làm rường cột để ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật đúng quy luật, hợp lòng dân, biết ngăn chặn sự độc đoán, chuyên quyền, thì không chỉ phát huy được mặt tích cực, mà còn hạn chế được những mặt trái của cơ đa đảng, lưỡng đảng.

Trong lịch sử của các triều đại phong kiến từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, khi chỉ có một vị vua cai trị đất nước, vốn dĩ là cơ chế cầm quyền độc đoán cá nhân, nhưng tại sao lại có những thời kỳ phát triển rực rỡ như vậy? Đó có phải là hạn chế của chế độ cầm quyền duy nhất, được định đoạt bởi một cá nhân, chứ chưa nói là một đảng chính trị, nhưng tại sao lại được nhân dân ghi nhận, ca tụng như là một quá khứ huy hoàng?

Câu trả lời ở đây chính là sự anh minh của người cầm quyền mà thôi! Một đảng chính trị cầm quyền cũng vậy! Trong lịch sử phong kiến nước ta, ở thời Hậu Lý và Hậu Lê (thời Lê Sơ), từng xuất hiện hai vị vua được coi là thánh đế, minh vương là Lý Thái Tổ và Lê Thánh Tông đó thôi! Đó là những bậc quân vương lỗi lạc, vừa anh minh sáng suốt, vừa khoa học, nhân văn trong cai quản, trị vì, có công lớn với lịch sử dân tộc.

Một ông vua và một đảng có khác nhau không? Một ông vua có thể cực đoan hơn một đảng chứ! Vậy, thì tại sao một minh quân lại có quyết sách đúng đắn, làm cho đất nước thịnh trị, mà một đảng cầm quyền lại không làm được điều đó? Lịch sử hiện đại đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, trong thống nhất Tổ quốc, có ai chối cãi không?

Vấn đề cốt tử chính là con người, là cán bộ của Đảng như Bác Hồ đã từng căn dặn. Đó là việc lựa chọn lực lượng lãnh đạo, đại diện cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc, đủ năng lực hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật để đưa đất nước phát triển phù hợp với thời đại ngày nay mà thôi! Với ý nghĩa ấy, thì Đảng hoàn toàn làm được chứ!  

Khoảng khắc thư giãn của ĐB Lê Thanh Vân
Khoảng khắc thư giãn của ĐB Lê Thanh Vân

Đảng hóa thân vào nhà nước: Tại sao không?

Một trong những vấn đề quan trọng của công cuộc cải cách thể chế là khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa Đảng với Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức xã hội; giữa trung ương với địa phương. Vì vậy, có ý kiến cho rằng đã đến lúc Đảng cần hóa thân vào Nhà nước. Cải cách này sẽ tạo ra sự đột phá trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của nền quản trị quốc gia. Theo ông đã đến lúc chúng ta bàn đến vấn đề nhất thể hóa chưa?

-Trong điều kiện một đảng cầm quyền, thì việc đảng hóa thân vào nhà nước là hết sức quan trọng. Đường lối, chủ trương của đảng khi đã được ban hành, thì phải được thể chế hóa bằng pháp luật và trở thành các quy tắc xử sự chung đối với toàn xã hội. Với vai trò là lực lượng tiên phong, có sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp, thì đường lối, chủ trương của Đảng chính là “kim chỉ nam cho hành động”, nhưng mặc dù vậy, điều đó chỉ có giá trị là nền tảng của định hướng, phương châm chiến lược. Để quản lý, điều hành xã hội, thì đó là sứ mệnh của Nhà nước và chính Nhà nước mới là chủ thể hợp pháp để quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật.

Chính vì vậy, việc Đảng hóa thân vào Nhà nước sẽ làm cho các quyết sách chiến lược nhanh chóng đi vào thực tiễn hơn, việc xác định trách nhiệm cá nhân sẽ cụ thể hơn. Nếu thực hiện được điều này, sẽ tinh giản được bộ máy, tiết kiệm được nguồn nhân lực và nhất là bảo đảm được tính chính danh của một đảng chính trị cầm quyền.  

Tuy nhiên, vấn đề cốt tử đặt ra khi thực hiện cơ chế này vẫn là việc lựa chọn nhân sự cho ngang tầm với “vị thế và vai trò kép” trong lãnh đạo và quản lý, điều hành mà thôi! Thực tế dễ nhận thấy hiện nay là, Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND ở các địa phương là hai chủ thể khác nhau, một bên giữ vai trò lãnh đạo, một bên giữ vai trò tổ chức thực hiện bằng hoạt động quản lý, điều hành.

Đó là hai thiết chế độc lập, nhưng cũng đã từng xảy ra tình trạng lộng hành, cát cứ quyền lực. Nếu gộp hai chức danh này làm một mà không chuẩn bị tốt về nhân sự, thì nguy cơ lộng hành quyền lực còn có thể cao hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải có cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu, như tôi đã bàn ở trên, một khi tiến hành nhất thể hóa.

Có một thực tế là trên thế giới, các nước theo mô hình xô-viết còn lại không nhiều. Ở những nước này, theo nhu cầu tự nhiên, việc nhất thể hóa giữa đảng và nhà nước đều đã được thực hiện ở những mức độ khác nhau. Ở Trung Quốc, người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước là một. Ở Lào, người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước cũng là một. Ở Cuba, mức độ nhất thể hóa còn cao hơn nữa - người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Nhà nước và đứng đầu Chính phủ chỉ là một. Liệu Việt Nam có tham khảo, học hỏi gì không?

-Thật ra, ở Việt Nam, việc nhất thể hóa giữa người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước cũng đã từng được thực hiện, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969 đến nay, việc này đã không còn được tiếp tục thực hiện.

Như trên tôi đã đề cập, trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, đã xuất hiện những vị lãnh đạo hội đủ điều kiện đức, tài, có trí tuệ mẫn tiệp, có tâm trong sáng, hết lòng vì nước vì dân và thực tiễn đã kiểm nghiệm rồi. Thực tiễn đã chín muồi và rất cần thực hiện cơ chế ấy. Tôi tin, đó là điều mà Nhân dân đang trông mong.

Xin cám ơn ông!

Chiến lược cán bộ: nhìn từ bài học lịch sử (bài 1)
Làm sao xây dựng được cơ chế “không cần, không muốn, không thể và không dám” chạy chức, chạy quyền? (bài 2)