Phim chụp CT phổi của bệnh nhân trước và sau khi phẩu thuật |
Theo đó, bệnh nhân là anh T.V.C (32 tuổi, trú Bình Liêu, Quảng Ninh), vào giữa cuối tháng 3/2020, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả trong tình trạng đau ngực đột ngột, khó thở khi đang lái xe. Các bác sĩ chẩn đoán anh bệnh bị tràn khí màng phổi phải.
Ngay sau khi cấp cứu, bệnh nhân được dẫn lưu màng phổi. Sau 1 tuần, người bệnh được rút dẫn lưu và tiếp tục điều trị, nhưng lại xuất hiện đau ngực khó thở nên phái chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để điều trị.
Tại đây, do diễn biến phức tạp nên các bác sĩ phải tổ chức hội chẩn và quyết định phẫu thuật. Kết quả nội soi lồng ngực không phát hiện tổn thương nhu mô phổi, thùy trên phổi phải dính vào vị trí chân dẫn lưu, đáy phổi có dịch và ít cặn màng phổi. Người bệnh đã được gỡ dính, bơm rửa khoang màng phổi, đặt 2 dẫn lưu.
Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được dẫn lưu hút áp lực liên tục không ra khí, chụp lại cắt lớp vi tính lồng thấy ngực phổi nở tốt, không thấy dịch khí khoang màng phổi 2 bên. Người bệnh đã được ra viện sau đó 2 ngày.
Tuy nhiên, sau khi ra viện được 2 ngày thì bệnh nhân tái phát đột ngột khó thở và được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, các bác sĩ phát hiện tràn khí khoang màng phổi phải mức độ nhiều, xẹp phổi phải thụ động, tràn khí dưới da.
Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ đạo phẫu thuật trực tuyến giúp bệnh viện vệ tinh cứu sống người bệnh tràn khí màng phổi qua hệ thống hội chẩn trực tuyến telemedicine
|
Với tính chất phức tạp của một ca bệnh khó cần phẫu thuật càng sớm càng tốt, các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Với sự hướng dẫn trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc TT Tim mạch và Lồng ngực; TS.BS Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa; TS Lê Việt Khánh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa - qua hệ thống Telemedicine, ca mổ đã được tiến hành kịp thời, thành công với phương pháp nội soi lồng ngực xử trí tổn thương.
Đặc biệt, trong ca mổ, các bác sĩ đã phát hiện tổn thương vỡ kén khí thủy trên phổi phải nên đã hướng dẫn tiến hành gỡ dính, cắt thùy trên phổi phải không điển hình, gây dính màng phổi chủ động bằng betadine đậm đặc và đặt 2 dẫn lưu khoang màng phổi.
Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được chuyển sang hậu phẫu.