Cứu nguy “dế yêu” bị dính nước với 10 bước đơn giản

VietTimes – Điện thoại bạn bị rơi vào bể bơi, bồn tắm, máy giặt… Đừng hoảng sợ! Hãy ghi nhớ và làm theo những mẹo sau để “cứu sống” điện thoại của bạn khi nó bị "tắm mát" trong nước mà không phải tốn tiền để sửa chữa hoặc phải tậu máy mới. 
Ảnh minh họa: AndroidPit

Nước là kẻ thù của đồ điện tử. Tuy nhiên, đôi khi do một chút lơ đễnh và bất cẩn mà để chiếc điện thoại bị dính nước. Vậy phải làm gì khi dễ yêu của bạn được "tắm" trong nước? Dưới đây là một vài thủ thuật bạn có thể áp dụng để hồi phục chiếc điện thoại kém may mắn này.

Trước hết, hãy lấy điện thoại ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Càng ở lâu trong nước, chất lỏng sẽ thấm qua các vết nứt và lỗ hổng của điện thoại càng nhiều. Một khi đã đưa nó ra khỏi nước, có một số điều bạn cần làm ngay lập tức, và một số điều bạn nên hoàn toàn tránh làm để ngăn ngừa “chữa lợn lành thành lợn què”.

Những điều không nên làm

1. Không bật nguồn.

2. Không nhấn bất kỳ nút hoặc phím nào.

3. Không rung, lắc, gõ đập vào điện thoại.

4. Không được thổi vào điện thoại, điều này sẽ chỉ khiến nước thấm sâu vào bên trong linh kiện điện thoại và dẫn đến nhiều hỏng hóc không đáng có.

5. Không làm nóng  – bao gồm việc sử dụng máy sấy thổi hoặc để vào lò vi sóng.

10 bước nên làm ngay

1.  Rút ngay nguồn điện. Nước có thể thâm nhập vào di động rất nhanh. Khi bị dính nước, nếu như di động đang sạc pin, phải rút ngay thiết bị sạc khỏi di động.

2.  Gỡ bỏ các thiết bị ngoại vi hay phụ kiện điện thoại, ví dụ như ốp điện thoại.

3.  Tháo thẻ SIM, pin và thẻ nhớ ra, để hở các cổng kết nối hoặc nắp lưng để điện thoại được nhanh khô hơn.

4.  Dùng một chiếc khăn giấy hoặc vải mềm lau điện thoại cẩn thận cả bên trong lẫn bên ngoài. Chú ý, phải thật cẩn thận không để nước nhiễu vào các khe hở của điện thoại.

5.  Nếu nước bị lan ra rộng hơn, bạn hãy dùng máy hút bụi để cẩn thận hút nước từ những vết nứt khó tiếp cận hơn. Đảm bảo đã rút hết thiết bị ngoại vi như thẻ nhớ, SIM, MicroSD trước khi thực hiện việc này.

6.  Một cách khắc phục hiệu quả khác là vùi điện thoại của bạn trong gạo khô. Các vật liệu hút nước như gạo thì có đặc tính hút ẩm giúp hấp thu hơi nước. Tuy cách này mất nhiều thời gian nhưng nó khá an toàn. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng gói chống ẩm silica gel thay gạo.

7.  Để điện thoại của bạn khô trong một hoặc hai ngày. Đừng cố bật lên để xem nó còn sử dụng được nữa hay không. Nếu có nhu cầu liên lạc gọi điện cho ai đó, hãy mượn điện thoại từ bạn bè, người thân và lắp SIM vào dùng.

8. Sau vài ngày, bạn có thể lấy điện thoại ra khỏi gạo và lắp pin vào điện thoại và bật điện thoại lên.

9. Nếu điện thoại trông đã khô mà bật không lên, có lẽ nó đã hết pin. Hãy cắm sạc và thử bật lại lần nữa. Nếu sạc pin rồi mà điện thoại bạn vẫn không lên, hãy mang đến các bộ phận bảo hành hoặc các đơn vị sửa chữa.

10.  Nếu điện thoại của bạn đã bật và hoạt động lại như bình thường, bạn vẫn nên theo dõi nó trong vài ngày tới, để xem có nhận thấy bất cứ điều gì bất thường. Nghe một số bài nhạc để kiểm tra loa và đảm bảo màn hình cảm ứng vẫn phản ứng khi cần.

Trong tương lai, tránh dùng điện thoại khi đi bơi, sử dụng trong phòng tắm hoặc khi chế biến các món ăn để hạn chế tối đa khả năng "tắm nước" lần nữa cho thiết bị.

Tất nhiên những mẹo trên đây chỉ áp dụng đối với các mẫu điện thoại không chống nước. Đa phần các smartphone cao cấp hiện nay đều có khả năng chống nước theo chuẩn IP67 hoặc IP68, cho phép ngâm nước trong vòng 30 phút mà không hề hấn gì.