|
Phá sản không chỉ được thiết kế như là một cơ chế đòi nợ văn minh, bảo đảm sự công bằng giữa các chủ nợ, tránh sự chây ì của con nợ, bảo vệ các chủ nợ trước khi tài sản con nợ “hao gầy” về âm, mà phá sản còn là một cơ chế bảo đảm thanh lọc các mô hình quản trị kinh tế kém hiệu quả, công nghệ sản xuất lạc hậu, thực thể kinh tế mất sức sống ra khỏi thị trường, bảo đảm thị trường luôn mang tính cạnh tranh cao. Nhưng dường như, ở khía cạnh thứ hai này của phá sản chưa được đánh giá và sử dụng đúng mức trong tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và sắp tới đây là các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Cơ hội tái cấu trúc để thoát khỏi tình trạng phá sản
Một doanh nghiệp “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán” sẽ bị coi là rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” theo điều 4, khoản 1, Luật Phá sản 2014, bất kể doanh nghiệp có máy bay trực thăng, xe Rolls Royce hay trong tay còn bao nhiêu tiền. Theo quy định này, thì ngân hàng hay bất kỳ chủ nợ nào đã được pháp luật trao cho quyền đều có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân “mở thủ tục phá sản” theo điều 5, khoản 1, Luật Phá sản 2014.
Khi một doanh nghiệp bị tòa án tuyên bố “mở thủ tục phá sản”, hoàn toàn không đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ đi đến chấm dứt tồn tại, chủ sở hữu mất quyền sở hữu doanh nghiệp, mà sẽ đặt doanh nghiệp “con nợ” vào trạng thái giám sát đặc biệt nhằm tránh việc “con nợ” tìm cách cất giấu, tẩu tán tài sản, hoặc làm “hao gầy” một cách không công bằng. Nhưng quan trọng hơn, các chủ sở hữu của doanh nghiệp “con nợ” sẽ bị hạn chế quyền định đoạt, và phải ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm túc với các chủ nợ, nếu không muốn đi đến phá sản.
Trong tiến trình này, thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ. Tại hội nghị này, “con nợ” không còn cơ hội bưng bít thông tin, bởi “quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thông báo cho hội nghị chủ nợ về tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp” (điều 81.1.e). Thay cho thái độ chây ì, thiếu thiện chí, chủ sở hữu của doanh nghiệp “con nợ” sẽ phải trình bày “đề xuất phương án, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh”. Các chủ nợ, ngân hàng cũng có thể lựa chọn “đồng hành” cùng doanh nghiệp “con nợ” và chủ động đề xuất các phương án, yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp con nợ, từ việc biến nợ thành cổ phần, bán các doanh nghiệp con, bán các mảng kinh doanh, thay người quản lý... của doanh nghiệp “con nợ”, nếu như họ còn niềm tin vào khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của “con nợ”, tin vào “thiện chí” của “con nợ”.
Kết thúc hội nghị chủ nợ, các chủ nợ có thể cùng nhau đưa ra nghị quyết chọn một trong ba con đường: (a) Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; b) Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp; c) Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Trong quá phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp con nợ, các mảng sản xuất kinh doanh kém hiệu quả sẽ bị cắt bỏ, chi phí sản xuất, nhân công dư thừa sẽ được tinh giản, người quản trị kém tài năng sẽ bị cách chức...
Kể cả khi doanh nghiệp con nợ bị tuyên bố phá sản, lao động mất việc sẽ được tái phân phối vào công việc mới hiệu quả hơn thông qua thị trường lao động; máy móc, nhà xưởng sẽ được định giá đúng giá thị trường, thay tên, đổi chủ, để phục vụ ông chủ mới, mô hình sản xuất kinh doanh mới... Và thứ không thể dùng được vào đâu nữa thì sẽ được sớm yên vị ở “bãi rác” thay vì làm “ô nhiễm” môi trường sản xuất kinh doanh.
Phá sản nâng cao trách nhiệm
Trong khi khía cạnh pháp lý của yêu cầu “mở thủ tục phá sản” thay cho việc khởi kiện đòi một khoản nợ đến hạn đã được các doanh nhân dân doanh tích cực sử dụng nhằm đối phó với các doanh nghiệp “con nợ” chây ì hoặc tìm cách “tẩu tán”, làm “hao gầy” tài sản, thì ở khía cạnh kinh tế, Nhà nước Việt Nam đang còn dè dặt sử dụng nó như là một công cụ tạo nên áp lực cạnh tranh, thanh lọc thị trường, đẩy nhanh tiến trình phân phối nguồn lực kinh tế của toàn bộ xã hội vào công nghệ mới, bàn tay quản lý mới.
Khắp thế giới , những công ty “khủng long” nhưng có “vấn đề” như Kodak, General Motors, Ngân hàng Lehman Brothers, Nokia, thậm chí hàng loạt chính quyền thành phố ở Hoa Kỳ giai đoạn 2008-2012, hàng chục ngân hàng ở Thái Lan giai đoạn 1997-1999 bị tuyên phá sản, hoặc tồn tại với hình hài, cấu trúc mới, ông chủ mới... Xã hội trải qua xáo trộn, nhưng sau “tái cấu trúc”, nền tài chính tổng thể của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan đều trở nên lành mạnh hơn, hiệu quả hơn, và có thể tiến vào Việt Nam để tiến hành các thương vụ M&A.
Trong khi đó, ở Việt Nam, hàng loạt ngân hàng rơi vào tình trạng không đủ điều kiện hoạt động, âm vốn sở hữu giai đoạn 2011-2012; hàng loạt DNNN triền miên thua lỗ “không được siêu thoát”, mà được tái cơ cấu theo hướng ngân hàng khỏe cõng ngân hàng yếu, DNNN khỏe cõng DNNN yếu... Không ai chịu cõng thì Nhà nước lại bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng (vì phải gánh nợ thay) mua lại ngân hàng giá 0 đồng mà không cho phá sản theo đúng quy luật thị trường.
Ngoài những tác động “tích cực” như việc làm giảm cú sốc, lo lắng cho tài sản gửi tiết kiệm của người giàu, tránh áp dụng kỷ luật cho những quan chức điều hành DNNN thua lỗ, thì việc lưỡng lự sử dụng công cụ phá sản để thanh lọc thị trường, sẽ làm cho tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam yếu đi, những doanh nghiệp chết dở sống dở tiếp tục lang thang trên thị trường sẽ làm chậm quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bớt “không gian sinh tồn” của các doanh nghiệp lành mạnh; nguồn lực xã hội bị nhốt giữ, níu kéo trong các mô hình đang chờ bị đào thải theo quy luật Darwin.
Nếu con nợ càng lớn, khoản vay càng lớn, càng ít bị phá sản bởi Nhà nước sẽ tham gia giải cứu, sẽ tạo nên tâm lý liều lĩnh, thiếu trách nhiệm trong sử dụng vốn, thiếu trách nhiệm trong thẩm định cho vay vốn, thiếu trách nhiệm khi người giàu cứ nhắm mắt chọn ngân hàng nào có chính sách “xé rào” để có lãi suất tiền gửi cao nhất, mà không cần quan tâm nhiều tới tình hình tài chính của đối tác có lành mạnh hay không. Điều này vô hình trung lại khuyến khích ‘xé rào”, khuyến khích kinh doanh không lành mạnh, bởi sẽ chẳng ai chết, chẳng ai phá sản cả.
Duy trì một hệ sinh thái, trong đó không chấp nhận hay né tránh quy luật Darwin, có nghĩa hệ sinh thái đó sẽ chậm tiến hóa, không có khả năng thích nghi chống đỡ khi môi trường thay đổi hay có một “loài xâm thực” mới xuất hiện. Điều này đặc biệt nguy hại trong bối cảnh toàn cầu hóa, các “loài xâm thực này” có thể xuất hiện rất nhanh sau mỗi cú click chuột M&A trên thị trường chứng khoán.
(*) Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Luật kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM
Theo TBKTSG