Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao vừa công bố dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phá sản. Theo đó, Hội đồng thẩm phán đã giải thích rõ quy định thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản phải “tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự” (Điều 9.14 Luật Phá sản) như sau:
Quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự quy định tại Điều 9.14 Luật phá sản là quyết định giải quyết vụ việc phá sản được công bố là án lệ. Cụ thể, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.
Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
Theo Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao, án lệ chỉ không được áp dụng khi có sự chuyển biến tình hình, thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ làm cho án lệ không còn phù hợp. Trong trường hợp này, theo quy định, thẩm phán, hội thẩm phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao để xem xét hủy bỏ án lệ.
Được biết, Luật phá sản (2014) đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 nhưng đến nay Tòa án tối cao mới hoàn thiện được dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định về “thẩm quyền giải quyết phá sản của tòa án”, “tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự”, “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, “quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản” quy định tại một số điều của Luật phá sản theo thẩm quyền.
Theo TBKTSG