Nhiều bộ ngành, địa phương không cổ phần hóa được doanh nghiệp nhà nước nào

Những đơn vị "đội sổ" trong công tác này là Bộ Công Thương, TPHCM. Thậm chí, có những đơn vị không cổ phần hóa được DNNN nào như Bộ TNMT, Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương, Đăk Lăk, Gia Lai.
Nhiều bộ ngành, địa phương không cổ phần hóa được doanh nghiệp nhà nước nào

Báo cáo của Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) mới đây cho thấy: Trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước cổ phần hóa được 478 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đạt 93% kế hoạch và sắp xếp theo hình thức khác 80 doanh nghiệp.

Riêng trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước cổ phần hóa được trên 353 doanh nghiệp, trong đó năm 2015 thực hiện được 210 doanh nghiệp.

Như vậy, với con số nói trên, kết quả cổ phần hóa không đạt mục tiêu đặt ra là có 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa trong năm 2014 - 2015 và 22 doanh nghiệp được bán, giao, giải thể, phá sản.

Các đơn vị đạt kết quả cao trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) gồm: Hà Nội (cổ phần hóa được 32 DN), Tổng Công ty đường sắt (24 DN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (9 DN), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (8 DN), Hải Phòng (7 DN), Bộ Giao thông vận tải (6 DN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (4 DN), Nghệ An (4 DN)…

Trong khi đó, những đơn vị "đội sổ" trong công tác này là Bộ Công Thương (2/12 DN), TPHCM (6/21 DN). Thậm chí, có những đơn vị không cổ phần hóa được DNNN nào như Bộ Tài nguyên - Môi trường (0/5), Bộ Thông tin và Truyền thông (0/4 DN), Nam Định, Tiền Giang (0/5 DN); Bình Dương, Đăk Lăk, Gia Lai đều 0/3 DN.

Theo một phân tích của Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa khó khăn trước hết là do thị trường chứng khoán không thuận lợi; Nhu cầu của các nhà đầu tư không tăng. Trong khi đó, cổ phần hóa với số lượng lớn, cung nhiều hơn cầu, nên không hấp thụ được.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm nay tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn, quy mô lớn, tồn tại lớn, khối lượng vốn lớn. Tuy nhiên, việc xử lý tồn tại phải có thời gian, không dễ. Một số cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý e ngại chần chừ, sợ có những vấn đề sau khi cổ phần hóa, vị trí của mình như thế nào, điều này vẫn ảnh hưởng kết quả cổ phần hóa.

Mới đây, làm việc với Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đi đôi với đảm bảo quyền, lợi ích và tài sản Nhà nước.

Thủ tướng lưu ý, tránh tình trạng số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa cao nhưng lượng vốn bán ra thị trường lại ở mức thấp. Trong cổ phần hóa, không để xảy ra tình trạng thất thoát và lợi ích nhóm.

Theo Dân trí