Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào ngày thứ 5 của "Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, hai bên cuối cùng đã đi đến bàn đàm phán, nhưng như mọi người đã đoán trước, vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc mà không có kết quả gì.
Đoàn xe Nga dài 64km đang tiến về Kiev (Ảnh: MAXAR)
Đoàn xe Nga dài 64km đang tiến về Kiev (Ảnh: MAXAR)

Trưởng phái đoàn Nga, Trợ lý Tổng thống Medinsky cho biết, sau 5 giờ đàm phán, hai bên đã tìm ra một số quan điểm lập trường chung có thể dự đoán. Nhưng phía Ukraine cho biết cuộc đàm phán không đạt được kết quả như mong đợi.

Dù sao chăng nữa, cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục và vòng đàm phán tiếp theo có thể được tổ chức ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan vào ngày 2/3. Và những ảnh hưởng của chiến tranh đang hiển hiện.

Yêu cầu của Ukraine rõ ràng, Nga không nêu lập trường

Nga và Ukraine cuối cùng đã đi một bước cực kỳ khó khăn. Dù muộn hơn dự kiến ​​ban đầu gần hai giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng phái đoàn của hai bên đã bắt đầu đàm phán tại Gomel, Belarus.

Phái đoàn Nga do Trợ lý Tổng thống Medinsky dẫn đầu, gồm có Thứ trưởng Ngoại giao Rudenko, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Slutsky, Thứ trưởng Quốc phòng Fomin và Đại sứ Nga tại Belarus Gretzlow. Phía Ukraine đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov, Thứ trưởng Ngoại giao Tochitsky, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Podolyak, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ của Đảng Công bộc Nhân dân Alahamia, Nghị sĩ Umerov, và Koskin, Phó trưởng ban thứ nhất nhóm liên lạc về vấn đề Donbass. Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Makei cũng tham dự cuộc hội đàm.

Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga-Ukraine đã kết thúc mà không có kết quả gì (Ảnh: AP).
Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga-Ukraine đã kết thúc mà không có kết quả gì (Ảnh: AP).

Dù cuối cùng hai bên cũng đã ngồi vào bàn đàm phán, nhưng đúng như dự đoán của các bên, triển vọng đàm phán là không thể đoán trước. Về kỳ vọng cho cuộc đàm phán, Ukraine nói rất rõ ràng là họ muốn Nga ngừng bắn và rút khỏi Crimea và khu vực Donbass. Nga cho biết họ không đặt ra lập trường trước.

Cũng có thể thấy, bất đồng giữa hai bên sau khi kết thúc vòng đàm phán là khá lớn. Ukraine cho biết họ sẽ đánh giá quan điểm thể hiện trong cuộc đàm phán và các điều kiện kết thúc chiến tranh của Nga trước khi quyết định tiến hành vòng đàm phán thứ hai như thế nào.

Cuộc khủng hoảng kéo dài, chiến sự tiếp diễn

Trong suốt 5 giờ hai bên đàm phán, giao tranh trên thực địa vẫn tiếp diễn. Lực lượng hạt nhân Nga đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, còi báo động phòng không ở Kiev, thủ đô Ukraine vẫn vang lên, các tiếng nổ và pháo kích vẫn tiếp diễn. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo của Nga đã được tập kết xung quanh Kiev. Ông Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, Nga đã hoàn toàn làm chủ trên bầu trời Ukraine và thúc giục dân thường ở Kiev sơ tán qua một hành lang an toàn do quân đội Nga đảm bảo.

Dân chúng Kiev lập chướng ngại vật trên đường phố để ngăn cản bước tiến của quân Nga (Ảnh: QQ).
Dân chúng Kiev lập chướng ngại vật trên đường phố để ngăn cản bước tiến của quân Nga (Ảnh: QQ).

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký vào văn bản chính thức, xin được gia nhập EU ngay lập tức dù trước đó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không tỏ rõ thái độ về việc Ukraine sẽ trở thành thành viên EU ngay lập tức, ông Borrell, đại diện đối ngoại hàng đầu của EU, cũng cho biết việc chấp nhận Ukraine trở thành thành viên EU không nằm trong chương trình nghị sự hiện nay.

Đồng thời, một lượng lớn vũ khí phương Tây đang được chuyển tới Ukraine, trong đó có vũ khí chống tăng và tên lửa đất đối không Stinger. Phương Tây cũng đang tổ chức những người tình nguyện tới Ukraine tham chiến.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã trong một thời gian dài, hàng loạt phản ứng dây chuyền đã xuất hiện.

Để phản tỉnh về Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức trong nhiều thập kỷ qua không muốn chi quá nhiều tiền cho việc mở rộng vũ khí trang bị, nhưng ngày 27/2 đã tuyên bố sẽ bổ sung 100 tỷ euro vào ngân sách quốc phòng trong năm nay, và tới đây mỗi năm sẽ chi số tiền tương đương 2% GDP cho quốc phòng, khiến bên ngoài lo ngại về việc Đức sẽ "chia tay chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến".

Quân đội Đức đang được mở rộng quân số và trang bị (Ảnh: QQ).
Quân đội Đức đang được mở rộng quân số và trang bị (Ảnh: QQ).

Quốc hội Latvia đã gấp rút thông qua sửa đổi luật an ninh quốc gia, cho phép công dân nước này đến Ukraine tham gia chiến đấu với tư cách là những người tình nguyện. Nhật Bản theo sát châu Âu và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cựu Thủ tướng Abe thậm chí còn công khai chủ trương "chia sẻ hạt nhân" với Mỹ. Belarus, quốc gia đóng vai trò tế nhị trong cuộc khủng hoảng này, đã loại bỏ các điều khoản "phi hạt nhân hóa" và "trung lập" thông qua một cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp ... Một số quốc gia đang lựa chọn bên, và thậm chí đang tiến hành những thay đổi trong chính sách quốc phòng.

Ông Zelensky đang quá ảo tưởng?

Ngày 28/2, tại vòng đàm phán đầu tiên tại Gomel, Belarus, phía Ukraine đã tỏ thái độ rất cứng rắn, trực tiếp đưa ra các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mà Nga không thể chấp nhận: toàn bộ quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea và vùng Donbas. Điều này có nghĩa là Nga phải từ bỏ Bán đảo Crimea, vốn đã được sáp nhập lãnh thổ Nga từ 2014, đồng thời cũng phải từ bỏ "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" đã được họ công nhận nền độc lập. Điều này tương đương với việc yêu cầu Nga "cắt đất bồi thường", hoàn toàn vượt quá lằn ranh của phía Nga, vòng đàm phán dĩ nhiên là kết thúc mà không có bất cứ kết quả gì.

Liệu ông Zelensky đang ảo tưởng về sức mạnh của Ukraine? (Ảnh: QQ)
Liệu ông Zelensky đang ảo tưởng về sức mạnh của Ukraine? (Ảnh: QQ)

Sau cuộc đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: Cuộc đàm phán không đạt kết quả như mong đợi, phía Nga đã bày tỏ lập trường và các điều kiện kết thúc chiến tranh, Ukraine sẽ đánh giá các điều kiện này và quyết định thời điểm tiến hành vòng đàm phán thứ hai.

Sau khi có được sự ủng hộ của phương Tây, ông Zelensky tin rằng thời gian là ở phía Ukraine. Chỉ cần quân đội Ukraine tiếp tục cầm cự, buộc Nga sa vào một cuộc chiến tranh tiêu hao, thì Nga cuối cùng sẽ cạn kiệt chi tiêu quân sự và làn sóng chống chiến tranh trong nước sẽ gia tăng, buộc phải chấp nhận các điều kiện đình chiến do Ukraine đặt ra. Ông Zelensky đã bộc lộ rõ ​​tham vọng của mình: không chỉ dẫn dắt quân đội Ukraine kiên trì cầm cự với Nga, mà thậm chí còn muốn "phản đòn" và đàm phán với Nga với tư cách là "người chiến thắng".

Ông Zelensky dám nghĩ như vậy vì đang nắm giữ ba điều kiện có lợi.

Thứ nhất, được viện trợ quân sự từ phương Tây. Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, mặc dù NATO tuyên bố không đưa quân đến giúp Ukraine chiến đấu nhưng đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí. Mỹ, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Litva và Australia đã cung cấp cho quân đội Ukraine hàng ngàn tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai đủ để quân đội Ukraine gây cho quân đội Nga những thiệt hại nặng nề. Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, Ukraine đã công bố thông tin nói rằng họ đã giết chết 5.300 binh sĩ Nga, 29 máy bay cánh cố định và 29 trực thăng Nga bị bắn rơi, 191 xe tăng và 816 xe bọc thép của Nga bị phá hủy. Mặc dù “chiến tích” mà Ukraine công bố chắc chắn có sự thổi phồng, nhưng phía Nga cũng thừa nhận quân đội họ bị thương vong, điều này cho thấy sự trợ giúp quân sự của phương Tây thực sự đã có hiệu quả nhất định. EU thậm chí còn tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu để giúp Ukraine chống lại cuộc tấn công đường không của Nga, điều này cho thấy phương Tây có ý định cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân đội Ukraine. Nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài, quân đội Ukraine có thể sẽ càng ngày càng mạnh hơn và quân đội Nga sẽ ngày càng yếu đi; đến lúc đó, ông Zelensky sẽ có nhiều “quân bài mặc cả” hơn và sẽ có thêm niềm tin khi đàm phán.

Mỹ và NATO đang đổ vũ khí viện trợ cho Ukraine (Ảnh: QQ).
Mỹ và NATO đang đổ vũ khí viện trợ cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Điều kiện có lợi thứ hai: Ukraine hy vọng được gia nhập Liên minh châu Âu. Ngày 27/2, Chủ tịch EU Ursula von der Leyen chính thức tuyên bố: Ukraine là một thành viên của chúng ta và hy vọng Ukraine sẽ gia nhập EU. Ngày 28/2, ông Zelensky cũng chính thức ký vào văn bản về việc Ukraine xin gia nhập EU. Nếu sự trợ giúp vũ khí của phương Tây đã làm tăng niềm tin quân sự của Ukraine, thì việc gia nhập EU lại làm tăng niềm tin kinh tế của họ. Có EU làm chỗ dựa, Ukraine sẽ nhận được một lượng lớn hỗ trợ tài chính, công cuộc tái thiết sau chiến tranh cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nước châu Âu. Đối với Ukraine, cuộc chiến tranh này có thể là “nhờ họa được phúc”, khiến Ukraine thoát khỏi bóng ma tình trạng kinh tế sa sút lâu nay.

Điều kiện có lợi thứ ba: Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga. Trên thực tế, Nga hiện đang lâm vào thế “chiến đấu trên hai mặt trận”, ngoài giao chiến với quân đội Ukraine trên chiến trường, Nga còn phải đọ sức với phương Tây trong lĩnh vực kinh tế. Khi Mỹ và châu Âu ném "quả bom hạt nhân tài chính" vào Nga: sau khi loại bỏ một số tổ chức tài chính của Nga khỏi SWIFT, thị trường chứng khoán Nga trở nên hỗn loạn và đồng rúp mất giá gần 30%. Thậm chí một quốc gia trung lập như Thụy Sĩ cũng đã bắt đầu phong tỏa tài sản của Nga. Nếu Nga nói vẫn chiếm ưu thế trong cuộc chiến Nga-Ukraine, thì trên chiến trường kinh tế, tình cảnh của Nga đã khá gay go.

Ông Putin kiên trì ba điều kiện cứng rắn khó được Ukraine và phương Tây chấp nhận (Ảnh: QQ).
Ông Putin kiên trì ba điều kiện cứng rắn khó được Ukraine và phương Tây chấp nhận (Ảnh: QQ).

Cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ đi về đâu?

Tuy nhiên, đối với ông Putin và cả nước Nga, cuộc chiến Nga-Ukraine không được thua, không những phải thắng mà còn phải thắng đẹp, nếu không uy tín quốc tế của Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Các nước phương Tây vốn dĩ e ngại Nga, cũng sẽ coi thường sức mạnh quân sự của Nga, và Nga sẽ phải đối mặt với áp lực quân sự lớn hơn trong tương lai.

Công bằng mà nói, sau khi khởi chiến quân Nga luôn ở trong tình trạng “đánh dè chừng”. Để tránh thương vong quy mô lớn cho dân thường, quân đội Nga thậm chí còn hạn chế quy mô và phạm vi hỏa lực hạng nặng, trong khi quân đội Ukraine bố trí nhiều trận địa pháo và vị trí tên lửa phòng không trong các khu vực dân sự, khiến quân Nga không thể tấn công các cứ điểm này, điều này khiến các đạo quân Nga lớn thường phải "giáp chiến" với quân đội Ukraine không có ưu thế về hỏa lực, điều này cũng dẫn đến sự “tự tin” mù quáng của Ukraine, cho rằng họ có khả năng đọ sức trực tiếp với quân đội Nga.

Tốc độ tiến công không đạt yêu cầu trên chiến trường, cộng với sự cứng rắn của Ukraine trong đàm phán, có thể buộc quân đội Nga phải buông tay. Vì đàm phán không được nên phải nói chuyện bằng nắm đấm. Các bức ảnh vệ tinh của phương Tây ngày 28/2 cho thấy một số lượng lớn quân Nga đang tập trung gần Kiev. Đoàn xe của quân Nga dài tới hơn 64 km với một số lượng lớn xe tăng và pháo. Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, quân đội Nga sẽ phát động cuộc tấn công lớn, sẽ chỉ có binh lính và dân thường Ukraine gánh chịu.

Ông Putin hiện đang phải đối mặt với sức ép kép từ chiến trường Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế, chưa có ý định rút lui. Sau vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Putin một lần nữa nhắc lại các điều kiện then chốt của Nga: xem xét vô điều kiện lợi ích an ninh hợp pháp của Nga, bao gồm việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, giải quyết vấn đề phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo địa vị trung lập của Ukraine, khi đó Nga mới xem xét kết thúc chiến tranh.

Cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ gây thiệt hại lớn cho cả hai bên (Ảnh: Getty).
Cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ gây thiệt hại lớn cho cả hai bên (Ảnh: Getty).

Nga và Ukraine không nhượng bộ nhau, e rằng cuộc chiến sẽ không chấm dứt trong một thời gian ngắn; kết quả việc tiếp tục đánh nhau sẽ là hai bên đều thiệt hại. Ông Zelensky cũng nên hiểu một sự thật: “thỏ chết thì chó săn bị thịt”, dù Ukraine có kéo được Nga xuống thì khi mất giá trị tiếp tục lợi dụng, thì liệu Kiev có còn nhận được sự ưu đãi từ phương Tây hay không? Việc trở thành quốc gia thành viên EU đối với Ukraine không có nghĩa là EU sẵn sàng chăm sóc một “người bệnh kinh niên” như vậy. Sau khi chiến tranh kết thúc, Ukraine có thể bị đuổi ra bất cứ lúc nào, thứ còn lại với Ukraine có lẽ chỉ là đất nước bị tàn phá.