Theo Guardian, khu phức hợp Ciputra International City, trị giá nhiều tỷ USD ở phía tây bắc Hà Nội, trải rộng trên 300 ha, phủ đầy những biệt thự sang trọng, trường học tư nhân, câu lạc bộ và cửa hàng siêu thị.
Được bao quanh bởi những bức tường bêtông dày và cổng bảo vệ, nó là một ốc đảo xa hoa dùng để phô trương đẳng cấp - một thiên đường cho người nước ngoài và những công dân ưu tú đất thủ đô.
Bên trong cánh cổng được canh gác 24/24 giờ, những con đường rộng rãi đậu kín những chiếc xe siêu sang, rợp bóng những cây cọ và những bức tượng khổng lồ của các vị thần Hy Lạp.
Phía bên kia thành phố, khu đô thị tư nhân Ecopark, trị giá 8 tỷ USD đang từng bước được hoàn thiện ở ngoại vi phía đông Hà Nội. Theo kế hoạch, sau khi được được hoàn thành vào năm 2020, Ecopark hứa hẹn trở thành một thành phố đa chức năng sang trọng nổi bật với những khu phố cổ được phục dựng xa hoa, các trường học tư cao cấp bao gồm cả một trường đại học tư nhân, sân golf 18 lỗ đẳng cấp quốc tế.
Hệ thống khu biệt thự cao cấp được đặt tên là Palm Springs - theo tên của thành phố nghỉ dưỡng ở California nổi danh với những suối nước nóng, sân golf và các khách sạn 5 sao sang trọng - vừa mới được hoàn thành trong Ecopark.
Những khu cơ sở hạ tầng "đô thị mới" xa hoa và rộng lớn, do tư nhân xây dựng và quản lý như thế này đã nhanh chóng phát triển rộng khắp Đông Nam Á trong hơn 20 năm qua, tái cấu trúc lại quy hoạch của các thành phố trong khu vực.
Việt Nam, trong xu thế phát triển của khu vực, nhanh chóng xoá đói giảm nghèo, vươn lên tăng trưởng kinh tế - nhưng đi kèm với đó là sự bất bình đẳng trong xã hội cũng không ngừng gia tăng, và ngày càng trở nên sâu sắc, ghi dấu ấn trên khắp mọi miền đất nước với việc mở rộng các khu vực đô thị.
"Trước đây, hầu hết mọi người đều nghèo. Bây giờ thì khác hẳn", ông Lâm, 40 tuổi, một người dân sinh ra và lớn lên ở khu ngoại vi phía tây của Hà Nội, giữa những thửa ruộng trồng lúa, trồng hoa đào và quất lâu đời, buồn rầu thừa nhận.
Ông đang mở một cửa hàng bán khung tranh ảnh ngay tại nhà. Ruộng đất giờ đã không còn, những thửa ruộng trước đây giờ sừng sững mọc lên khu đô thị phức hợp Ciputra bao quanh bởi tường bêtông dày, cổng chào lớn có người canh gác 24 giờ, đối lập với khu dân cư nơi ông Lâm sinh sống, xe máy cũ dựng lộn xộn, quán nước vỉa hè đầy ghế nhựa và những búi dây điện lủng lẳng.
Bà Miên, 59 tuổi cho biết, "bên này toàn là người bình thường, còn bên khu đô thị kia, họ rất giàu". Cũng giống như ông Lâm, bà dọn hàng bán trà đá, thuốc lá và nước đóng chai tại nhà, những chiếc ghế nhựa cũ bày trên vỉa hè phía trước gian nhà bé tẹo, thậm chí những khi đông đúc, khách hàng ngồi cả lên chiếc giường cũ không đệm của bà. "Ở đây chúng tôi chỉ đủ sống thôi", bà nói.
Tại Việt Nam, tỷ lệ những người sống trong cảnh nghèo đói đã giảm từ gần 60% xuống còn khoảng 20% trong 20 năm qua. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới phân loại Việt Nam là một đất nước có "thu nhập trung bình". Nhưng khi Việt Nam đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế thì số lượng công dân cực kỳ giàu có đã tăng vọt. Ước tính, số người siêu giàu - những người có tài sản hơn 30 triệu USD - tăng hơn ba lần trong 10 năm qua.
Khoảng cách giàu nghèo lớn nhất có thể thấy rõ giữa dân cư các vùng nông thôn nghèo và tầng lớp thượng lưu thành thị, đáng chú ý nhất trong các thành phố nơi người giàu và người nghèo sống bên cạnh nhau, xe đạp đi bên cạnh Bentley, Mercedes và Range Rover, những bức tường được dựng lên, phân chia những khu bất động sản cao cấp với những làng nghề, trang trại và nhà trọ một phòng, đồng thời làm tăng gấp đôi các quán trà và xưởng thợ nhỏ.
"Mối lo ngại về sự bất bình đẳng tăng cao khi người Việt ngày càng có xu hướng di cư ra các thành phố lớn, làm bộc lộ rõ khoảng cách giàu nghèo", năm 2014, Gabriel Demombynes, nhà phân tích kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cảnh báo.
Trong khi đó, 8 trên 10 cư dân đô thị nói rằng họ lo lắng về sự bất bình đẳng trong mức sống ở Việt Nam, theo một cuộc khảo sát về nhận thức sự bất bình đẳng được thực hiện bởi ngành ngân hàng kết hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam.
Khoảng cách
Hà Nội là một thành phố cổ, năm 2010 là năm kỷ niệm thành phố 1.000 năm tuổi. Kế hoạch giãn dân nhiều tham vọng, nếu được thực hiện sẽ phải di dời hàng ngàn người vào trước năm 2020 ra khỏi những khu phố cổ đầy di tích lịch sử, những con phố vẫn mang những cái tên được đặt theo nhóm phường chợ cùng buôn bán một loại hàng hoá: Hàng Bạc bán đồ thủ công chạm bạc, Hàng Gai bán tơ lụa, Hàng Tre bán những sản phẩm tre nứa.
Ở vùng ngoại ô, nhà cao tầng sang trọng mọc lên san sát, những dự án phát triển tổng thể khổng lồ chiếm hết các thửa ruộng hoa màu và cánh đồng lúa. Khắp thành phố, những dãy nhà tập thể cũ đang bị phá dỡ và được thay thế bằng tổ hợp chung cư tư nhân. Ở trung tâm sầm uất, con cái của tầng lớp giàu có khoe mẽ trong lớp đồ phụ kiện sáng bóng, đi những chiếc Vespa cổ điển và ngồi nhấm nháp ly cà phê Việt đặc sánh tại những quán cà phê đúng mốt, hợp thời trang.
Lisa Drummond, giáo sư đô thị học tại Đại học York ở Toronto, đã dày công nghiên cứu về Hà Nội trong nhiều thập kỷ, đề cập đến "vực thẳm đã bắt đầu mở ra" giữa người giàu và người nghèo nơi đô thị, và những khu cơ sở hạ tầng đô thị cao cấp như Ciputra hay Ecopark chỉ phản ánh và góp phần nối dài thêm khoảng cách giàu nghèo.
"Tách mình khỏi những bộn bề của thành phố cũ, họ lập thành nhóm riêng, rút ra khỏi thành phố, ẩn sau những bức tường, tạo lập cơ sở riêng của mình trong một không gian đồng nhất về kinh tế, bởi vì thật rõ ràng là nếu đủ tiền bước vào không gian đó, thì chỉ những người có tiền mới có thể hiện diện có mặt ở đó", Lisa Drummond nhận xét.
Bên kia bức tường bao quanh khu Ciputra, những biệt thự trang nhã sơn màu be được xây dựng giữa những khu vườn tươi tốt, có giá thuê lên tới gần 4.000 USD mỗi tháng. Thế giới bên trong khu phức hợp đô thị là mảng đất của kiến trúc phục hưng Hy Lạp và các tiện nghi như sân tennis, thẩm mỹ viện, bưu điện. Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc chuyển đến đây vào năm 2004, tiếp theo là hai trường tư khác, và một nhà trẻ tư nhân. Một trung tâm mua sắm khổng lồ và một bệnh viện tư nhân hiện vẫn đang được xây dựng mới.
Được xây dựng vào đầu những năm 2000 làm nơi cư trú cho khoảng 50.000 người, Ciputra là "khu đô thị đa chức năng mới" đầu tiên của Hà Nội, và là dự án nước ngoài đầu tiên của Ciputra Group, một tập đoàn Indonesia đặt theo tên người sáng lập tỷ phú chuyên đầu tư bất động sản quy mô lớn.
Được thiết kế nhiều tiện nghi đến nỗi cư dân không cần tìm kiếm thêm dịch vụ bên ngoài, chủ đầu tư cam kết rằng "khu đô thị là chốn lý tưởng cho cuộc sống, kinh doanh, mua sắm, vui chơi giải trí ở vị thế hàng đầu." Khu Ciputra đang ngày càng lớn mạnh, mở rộng, cư dân tập trung đông đúc, được khẳng định là khu đô thị tư nhân lớn nhất nhì thủ đô.
Danielle Labbé, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Montreal, đã theo sát sự bùng nổ quy hoạch tổng thể của những "khu đô thị mới" tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Giáo sư ước tính có khoảng 35 dự án ở trong giai đoạn hoàn thiện tại Hà Nội, và hơn 200 dự án khác đang được bắt đầu triển khai. Không phải tất cả mọi hạng mục của dự án - như nhà ở, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích khác đều được xây dựng cùng một lúc - và nhất là không quá lớn như Ciputra hay Ecopark, Labbé nói, nhưng tất cả các dự án này cùng chia sẻ phân khúc thị trường mục tiêu chính: các cư dân giàu có của thủ đô.
"Mặt trái hiện thực của những dự án này, nhà cửa hay môi trường sống được gây dựng tốn kém, về cơ bản là ngoài tầm với của đa số người dân", Labbé nói, mặc dù "nhu cầu rất lớn về nhà ở đô thị tại Việt Nam lại không được thoả mãn".
Theo VnE