Cuộc hôn nhân Đông-Tây của báo chí

Tuần qua, thương vụ tập đoàn Nikkei mua lại tờ báo Financial Times (FT) của Pearson với giá 844 triệu bảng Anh (1,32 tỉ đô la Mỹ) được công bố gây ngạc nhiên giới truyền thông cũng như tài chính.
Lượng người đọc FT phiên bản trực tuyến có trả phí tăng cao trong khi phát hành báo in giảm khiến tờ báo phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ. Nguồn: The Wall Street Journal
Lượng người đọc FT phiên bản trực tuyến có trả phí tăng cao trong khi phát hành báo in giảm khiến tờ báo phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ. Nguồn: The Wall Street Journal

“Giai đoạn chuyển tiếp mạnh mẽ”

Đây là thương vụ mới nhất trong các vụ mua bán các tập đoàn báo chí lớn trong 20 năm qua, với vụ có giá trị mua bán lớn nhất là News Corp. mua Dow Jones -Wall Street Journalnăm 2007 với giá 5 tỉ đô la, và nổi tiếng nhất là Jeff Bezos (sáng lập Amazon) mua tờ báo danh tiếngWashington Postvới giá rẻ 250 triệu đô la năm 2013.

FT được thành lập vào năm 1888, từ tiền thân là một tờ Hướng dẫn tài chính London bốn trang sau đó đổi tên thànhFinancial Times, được Pearson mua lại năm 1957, và tung ra phiên bản điện tử FT.com từ 1995. Vào năm 2014, FT tăng 10% số lượng báo phát hành so với năm trước, đạt 720.000 người đọc trả phí cả báo in lẫn báo mạng. Thuê bao mạng tăng 21% lên gần 504.000, chiếm 70% tổng số người đọc có trả tiền.

Trong nhiều năm, Pearson, công ty có trụ sở tại London nhưng 60% doanh thu đến từ Bắc Mỹ, và ba phần tư là từ giáo dục, từ chối mọi đề nghị mua lại tờ báo kinh tế-tài chính có màu hồng cá hồi đặc trưng này.

Tuy nhiên, tuần trước CEO Pearson John Fallon nói rằng công ty muốn tập trung hơn vào lĩnh vực giáo dục, và sau gần 50 năm sở hữu FT, “chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển tiếp mạnh mẽ của truyền thông, vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự bùng nổ của mạng xã hội và di động. Trong môi trường mới này, chúng tôi muốn bảo đảm sự thành công thương mại và báo chí của FT bằng cách gắn bó với một tập đoàn tin tức digital toàn cầu”.

Để đáp ứng áp lực tin tức nhanh, nóng hổi của báo mạng, từ vài năm nay tờ báo bắt đầu đẩy mạnh cạnh tranh hơn với các báo mạng khác, tăng thêm nhân sự và các chương trình thu hút người đọc và quảng cáo. Quá trình tái cấu trúc này khá tốn kém cho Pearson.

Dù phản ứng của người dân và giới báo chí Anh là lo lắng cho văn hóa báo chí của Anh, hay của FT sắp bị “thôn tính”, giới kinh doanh tỏ ra ủng hộ quyết định này của Pearson. Cổ phiếu của Pearson lập tức tăng lên 2% tại sàn London.

Các nhà phân tích của hãng tư vấn OC&C Strategy Consultants, ngay cả trước khi thương vụ được công bố, cũng cho rằng FT là một tài sản “quyến rũ và danh tiếng” và có những ông chủ hợp lý hơn là Pearson. “Người mua nên là một thương hiệu toàn cầu có thể chinh phục cả người đọc và nhà quảng cáo - một sự kết hợp “chết người” trong bối cảnh truyền thông hiện nay”, Mostyn Goodwin, một nhà phân tích của hãng tư vấn này nói.

Nikkei có xứng đáng là người mua lẫy lừng đó không? Đây là tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, cũng là lớn nhất của Nhật ở nước ngoài, và cũng lâu đời không kém FT.

Tờ báo ngày của Nikkei là tờ “phải đọc” đối với giới kinh doanh Nhật, đạt 3 triệu độc giả. Tờ tuần báo Nikkei Asian Review ra mắt năm 2013 kém thành công hơn, nhưng đã thu hút người đọc ở nước ngoài, và đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới nhân sự tại châu Á.

Cuộc hôn nhân vì tình, tiền hay chính trị?

Tsuneo Kita, ông chủ quyền lực của Nikkei, thì nói rằng việc sở hữu FT là cách tốt nhất để tập đoàn truyền thông báo chí Nhật Bản này vươn ra thế giới. Được biết, Tsuneo Kita đã “để mắt” đến FT từ lâu, nhiều năm trước đã nghiêm túc nói với Pearson rằng ông muốn mua lại FT. Dù không thạo tiếng Anh, ông đã đặt mua báo này trong suốt 25 năm qua, và luôn quan sát kỹ các mục báo.

Nhưng dĩ nhiên, mua tờ báo với giá tỉ đô, không thể chỉ vì yêu quý nó.

Ông Kita là một trong những nhà kinh doanh quyền lực ở Nhật, cũng là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng kinh doanh kỹ thuật số, theo mô hình củaThe Wall Street Journalvà FT, tính phí người đọc báo mạng từ nhiều năm trước. Năm 2010, báo mạng của Nikkei đã thu hút 430.000 người đọc trực tuyến trả phí.

Nikkei không được xem như là nhà xuất bản nội dung hàng đầu, Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường lão luyện của IG nói trên trang AP. Còn theo tờThe Economist, dù Nikkei là tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, nhưng với người nước ngoài, họ chỉ được biết với chỉ số cổ phiếu Nikkei 225. Tập đoàn truyền thông này đã cố gắng vươn ra hiện diện ở quốc tế, nhưng không mấy thành công.

Trong thương vụ mua FT, Nikkei thắng sát nút với Axel Springer, hãng của Đức có lĩnh vực đa dạng hơn cũng đã tranh mua tờ báo này. Một trong những lý do Nikkei lợi thế là họ đã gây ấn tượng rằng mình sẽ đầu tư nhiều hơn cho FT. Tuy nhiên, khi mua FT với cái giá gấp 2,5 lần doanh thu của mình năm ngoái, có vẻ Nikkei không còn nhiều dư địa cho việc đầu tư. Đến cuối năm 2014, Nikkei có trong tay 103 tỉ yen tiền mặt (khoảng 830 triệu đô la) và một lượng tương đương tài sản lưu động, với rất ít nợ. Tuy nhiên, họ cho biết phải vay thêm để mua FT.

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích chia sẻ nhận định: điều làm cho truyền thông Nhật cách biệt với các tập đoàn truyền thông-tin tức thế giới là rào cản ngôn ngữ và văn hóa báo chí truyền thống của Nhật. Cho nên, rất bất thường, nếu không nói là chưa từng có tiền lệ, việc một công ty truyền thông Nhật mua lại một tờ báo nước ngoài.

Truyền thông Nhật có khynh hướng tuân phục các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền sở tại. Trong khi báo chí phương Tây, bao gồm FT, dường như gay gắt thẳng thừng hơn với những vụ bê bối nội địa nước Nhật, như vụ tai tiếng tài chính tập đoàn Olympus Corp. năm 2011.

Ngoài ra, thương vụ này còn là một phần của chiến lược đối ngoại chính trị lớn hơn, như mục tiêu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, là nâng cao vị trí của Nhật Bản. Nikkei muốn sẽ là “một cỗ máy “quan hệ công chúng” giúp tạo hình ảnh đẹp cho Japan Inc (tên gọi liên minh giữa nhóm các doanh nghiệp và chính trị gia)”, như Jesper Koll, một nhà kinh tế ở Tokyo, nói.

Năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe nói trước nghị viện rằng “những ý tưởng của đất nước chúng ta” đang bị người nước ngoài hiểu sai. Ông kêu gọi các biện pháp tích cực để những thông tin và thông điệp của chính phủ được truyền đi và được hiểu một cách đúng đắn hơn. Vụ FT còn chưa ráo mực, Akira Amari, Bộ trưởng Kinh tế Nhật, đã nói thương vụ này sẽ giúp việc thông tin, truyền thông về hoạt động kinh tế của chính quyền ông Abe đến thế giới “chính xác hơn”- một nhận xét có vẻ không phải là “tin tốt” đối với ban phóng viên và biên tập viên của FT.

Nikkei đã cam kết sẽ tôn trọng văn hóa báo chí của FT, dù tập đoàn này gắn với truyền thống hoạt động báo chí rất khác, chẳng hạn hệ thống câu lạc bộ kisha của Nhật (các câu lạc bộ phóng viên được các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin tại các cuộc họp báo, nhưng hạn chế đối với các phóng viên từ tạp chí, báo chí nước ngoài và phóng viên tự do).

Các nhà báo của Nikkei cũng nổi tiếng quảng giao và hiểu biết, nhưng né tránh những câu chuyện gây tranh cãi, do sợ đụng chạm chính trị và mất doanh thu quảng cáo từ các công ty lớn. Năm ngoái Sàn chứng khoán Tokyo hạn chế cung cấp thông tin về các chuyển động thị trường cho báo chí. Đương nhiên các lãnh đạo của Nikkei sẽ ghi nhớ việc tờ báo đã làm đậm vấn đề của sàn chứng khoán năm ngoái không ai khác hơn là FT.

Theo TBKTSG