Chuyện tuyển dụng, huấn luyện, sử dụng phi công ở Vietnam Airlines:

Cục Hàng không nói gì về chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương?

VietTimes -- Trước những chất vấn của Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương về việc đào tạo, huấn luyện, tuyển dụng và sử dụng phi công tại Vietnam Airlines, Cục Hàng không đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải giải trình những vấn đề nêu trên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VNA)

Những chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cũng như thực trạng được ông nêu ra về công tác đạo tạo, huấn luyện, tuyển dụng và sử dụng phi công ở Vietnam Airlines đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là đối với những nhân sự đang công tác trong lĩnh vực hàng không, đội ngũ phi công của Vietnam Airlines và cả những hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng không.

Bên cạnh việc ra công văn hỏa tốc yêu cầu Vietnam Airlines rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà ĐBQH nêu như đã đề cập, thì theo nguồn tin của VietTimes, trước đó Bộ GTVT cũng đã có văn bản tương tự (số 6223/BGTVT-TCCB ngày 14/6/2018) gửi Cục Hàng không Việt Nam - cơ quan trực thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; là Nhà chức trách hàng không theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản số 2450/CHK-TCATB về việc báo cáo trả lời ý kiến của BĐQH Nguyễn Sỹ Cương. Văn bản được ký ngày 20/06/2018, bởi ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và đề gửi Bộ GTVT. Trao đổi với VietTimes qua điện thoại sáng 31/7, Phó Cục trưởng Cường đã xác nhận thông tin này.

Văn bản báo cáo được đóng dấu "hỏa tốc" của Cục Hàng không Việt Nam bám sát vào 3 vấn đề, tương ứng với ba nội dung chất vấn của đại biểu Cương.

Vấn đề thứ nhất, về chất lượng đầu vào của phi công, theo Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN), Cục xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện của họ trong quá trình học ở nước ngoài và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.

Đại biểu có ý kiến các trường học phi công đa số là các trường nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo thấp nhưng “thực tế Cục HKVN tổ chức đánh giá, công nhận các trường đào tạo người lái tàu bay đã được các Cục Hàng không của các Quốc gia phê chuẩn (hiện nay chủ yếu các trường tại Hoa Kỳ, Newzeland, Úc và Châu Âu)”.

"Cục HKVN tập trung vào phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của các nhà chức trách quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Newzealand, Châu Âu để công nhận (regconize) bằng chứng chỉ đào tạo", Nhà chức trách hàng không Việt Nam khẳng định.

Cục Hàng không VN cho rằng “bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào” thì đầu ra huấn luyện của phi công dựa trên 2 điều kiện chính: (1) Tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên ICAO và được Cục HKVN đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam về tổ chức huấn luyện phi công; (2) Cá nhân các người lái tàu bay phải được Cục hàng không của các quốc gia tổ chức huấn luyện (như Cục HK Liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cục HK Úc, Cục KH Newealand, Quốc gia EASA,…) tổ chức kiểm tra đánh giá để cấp bằng người lái tàu bay (PPL, CPL/IR).

“Việc huấn luyện, đào tạo và công nhận bằng phi công do các quốc gia thành viên ICAO là thực tiễn đang áp dụng hiện nay và đã đảm bảo nguồn đầu vào của các phi công về Việt Nam sau khi học ở nước ngoài” - văn bản viết.

Sau khi đào tạo và có bằng lái tàu bay (CPL, IR), các phi công cơ bản được huấn luyện chuyển loại các loại tàu bay (ví dụ A320), để đảm bảo huấn luyện loại tàu bay đều được Cục HKVN phê chuẩn theo tiêu chuẩn của ICAO, các nhà sản xuất tàu bay và bộ QCATHK.

“Việc hoàn thành các nội dung huấn luyện là bắt buộc và tùy thuộc vào nỗ lực của các học viên có thể thời gian huấn luyện sẽ khác nhau. Tuy nhiên, Cục HKVN có các tiêu chuẩn đánh giá để đảm bảo đầu ra của các phi công đáp ứng theo yêu cầu của ICAO, bộ QCATHK” –  Cục này báo cáo.

Thứ hai, về các tồn tại trong quá trình huấn luyện và tuyển dụng phi công mà ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nêu ra, Cục HKVN cho rằng "cần có thời gian để xác minh", bởi đây là hoạt động của các Hãng hàng không.

Tuy nhiên, khi các Hãng hàng không tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện người lái tàu bay, Cục HKVN có quy trình đánh giá “hoàn toàn độc lập và khách quan”, đảm bảo các phi công được cấp bằng phải chịu đánh giá của Cục HKVN( bao gồm lý thuyết, phỏng vấn và kiểm ta trên buồng lái mô phỏng) trước khi được cấp phép khai thác.

“Các tồn tại do đại biểu nêu ra không ảnh hưởng đến quá trình đánh giá độc lập, khách quan và chất lượng của Cục HKVN đối với các phi công trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác” - Cục HKVN báo cáo.

Thứ ba, đối với nội dung chất vấn về thời hạn nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo đối với phi công, Cục HKVN cho biết đã có văn bản số 2448/CHK-TCATA ngày 20/6/2018 trả lời nội dung này.

Chiều 30/7, trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Sỹ Cương cho biết đã gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng Bộ GTVT từ cách đây hai tháng nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo giải trình.

PV VietTimes chia sẻ thông tin này với Phó Cục trưởng Cục HKVN Võ Huy Cường và đặt vấn đề rằng văn bản giải trình của Cục HKVN đã được gửi cho ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương chưa, ông Cường nói rằng ông "không rõ".  "Và việc này nên hỏi Bộ" - vị Phó Cục trưởng chia sẻ.

PV đã liên lạc tới số điện thoại của Chánh Văn phòng Bộ GTVT nhưng không có người bắt máy. Trong một nỗ lực khác, PV đã liên hệ tới số của chuyên viên Văn phòng Bộ GTVT - người được giao làm đầu mối tiếp nhận ý kiến giải trình từ Vietnam Airlines - nhưng cũng không có kết quả.

Được biết, hôm nay (31/7/2018) là hạn chót để Vietnam Airlines gửi báo cáo giải trình cho Bộ GTVT.

Như VietTimes đã đưa tin trước đó, cách thời điểm hiện tại 2 tháng, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã gửi ý kiến chất vấn bằng văn bản cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Nội dung chất vấn xoay quanh việc đào tạo, tuyển dụng và sử dụng phi công ở Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; viết tắt: VNA). Cụ thể, tập trung vào 3 vấn đề: Chất lượng đầu vào của ứng viên phi công; Tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công; Thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo đối với phi công.

Trong văn bản chất vấn, Đại biểu Cương cho biết, qua nghe phản ánh và tiếp xúc với một số phi công VNA (trong đó có cả người nhà ông), ông nhận thấy một số vấn đề "không nhỏ, uy hiếp an toàn bay nếu không được xem xét một cách nghiêm túc".

Đu tiên, đối với vấn đề chất lượng đầu vào của ứng viên phi công, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, những năm bao cấp trước đây, phi công học ở Pháp, Úc thì việc tuyển chọn đầu vào rất khắt khe, từ sức khỏe cho tới kiến thức, kỹ năng bay. Nhưng kể từ khi VNA thực hiện chính sách “xã hội hóa” – năm 2013 để tuyển chọn số lượng phi công cho định hướng phát triển của Hãng thì “việc tuyển dụng chỉ mang tính hình thức”.

“Gần như bất cứ đối tượng nào đủ tiền đóng học (của 1 danh sách các trường VNA chọn, Cục Hàng không phê chuẩn) là có thể đi học. Đa số các trường dạy bay này là các trường nhỏ lẻ, ít có tên tuổi ở Mỹ”- ông Cương viết.

Vị ĐBQH đến từ đoàn Ninh Thuận lo ngại “chi phí thấp nên chất lượng giảng dạy cũng thấp theo”. Ông lấy ví dụ về trường hợp lùm xùm tại trường AHART vào năm 2015, khi đó trường này phá sản khiến học viên phải về nước nửa chừng, vừa mất tiền vừa mất thời gian.

Th hai, ông Cương nêu ra những tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công

"Hiện tượng ra giá 20.000-25.000 USD cho 1 lần phỏng vấn chuyển loại từ Lái phụ A321 sang lái phụ máy bay khác như A350 hoặc B787, phỏng vấn nâng cấp lái phụ thành Cơ trưởng… diễn ra ngày càng trắng trợn. Đa số các phi cộng thuộc diện phỏng vấn này sẽ nhận điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền", vị ĐBQH nêu vấn đề.

Ông Cương cho rằng “sự việc trên không thể do 1 cá nhân mà phải có tổ chức, VNA lên danh sách học viên dự phỏng vấn, đoàn bay 919 thực hiện việc phỏng vấn”.

Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, với các yêu tố nêu trên, đội ngũ giáo viên đội bay A321 phải làm việc vô cùng vất vả để đảm bảo chất lượng đầu ra của các phi công.

“Khi giáo viên đánh trượt học viên, thì sẽ có điện thoại hoặc chỉ đạo từ cấp trên để nhân nhượng. Vì vậy, thực trạng mặt bằng chất lượng đang bị giảm sút rất nhiều, nguy cơ xảy ra mất an toàn rất cao”, văn bản chất vấn nêu ra một tình trạng mà theo ông Cương là "đã, đang và sẽ xảy ra và kết quả là chất lượng phi công đa số là kém".

Th ba, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đề cập đến những vấn đề mà ông cho là "chưa hợp lý" về thời hạn nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo đối với phi công ở Vietnam Airlines.

Vị đại biểu này nêu rằng, thời gian qua, việc phi công người Việt Nam của VNA bỏ việc hàng loạt có lý do bắt nguồn từ chế độ lương và các chế độ chính sách khác đối với phi công còn nhiều hạn chế, thậm chí bất công.

"Tôi mong Bộ trưởng quan tâm xem xét, có những giải pháp để chấn chỉnh những vấn đề tôi nêu ra trên đây, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không. Đề nghị Bộ trưởng cho tôi biết ý kiến giải quyết" - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kết thúc văn bản chất vấn bằng một đề nghị.

Liên quan đến nội dung chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, ngày 25/7/2018, Bộ GTVT đã có văn bản số 8109/BGTVT–VP gửi Vietnam Airlines.

Tại văn bản đóng dấu "hỏa tốc", Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines khẩn trương rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu.

Thậm chí, Bộ còn nhắc VNA về cách giải trình. Đó là "lưu ý bám sát vào câu hỏi và trả lời thẳng vào nội dung vấn đề, làm rõ việc có hoặc không có trình trạng ý kiến của đại biểu nêu, giải pháp chấn chỉnh"./.