Văn bản đóng dấu “Khẩn” và đề nơi nhận là: Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ LĐTBXH, Cục HKVN, HĐQT TCT HKVN.
Báo cáo đã cung cấp khá đầy đủ về tình hình số lượng và cơ cấu lực lượng người lái máy bay; Cũng như chính sách tiền lương đối với phi công người Việt Nam và phi công người nước ngoài ở Vietnam Airlines.
Báo cáo “khẩn” của Vietnam Airlines về tình hình và chế độ chính sách cho phi công. (Ảnh chụp văn bản)
|
Đã có 223 phi công nghỉ việc từ 2015 – 2017 và số lượng tiếp tục tăng
Cập nhật tới thời điểm 01/6/2018, số lượng người lái máy bay (phi công) của Vietnam Airlines là 1.138 người, bao gồm 853 phi công Việt Nam (trong đó có 51 học viên phi công đang đào tạo chuyển loại) và 285 phi công nước ngoài (25%).
“Việc duy trì cơ cấu 25% phi công nước ngoài đảm bảo có đủ số lượng phi công và giáo viên phi công có kinh nghiệm, với nguồn ổn định khá vững chắc từ 5 công ty cung ứng phi công quốc tế, trong khi vẫn đảm bảo TCT HKVN quản lý được chi phí phi công rất cao này”, Báo cáo viết.
Tuy vậy, lãnh đạo VNA cũng thừa nhận tình trạng khan hiếm phi công và áp lực từ “hiện tượng phổ biến” phi công nhảy việc. Nguyên nhân là do tốc độ phát triển cao của ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á, Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Số lượng phi công nghỉ việc ở VNA qua các năm.
|
“Trong 2 năm 2015 – 2017, VNA có 223 phi công nghỉ việc (2015: 72, 2016: 56 và 2017: 95). 5 tháng đầu năm 2018 đã có 33 phi công nghỉ việc (25 nước ngoài và 8 VN).
Tại thời điểm 01/6/2018 TCT HKVN đang giải quyết 33 đơn nghỉ việc của phi công Việt Nam, và dự kiến trong thời gian tới có khoảng 15 – 20 phi công nộp đơn. Việc giải quyết chế độ thôi việc đang thực hiện theo Bộ Luật Lao động, Thông tư 21/2017/TT-GTVT và Quy chế đào tạo của TCT HKVN” – Báo cáo nên rõ về thực trạng nghỉ việc của phi công qua các năm ở Vietnam Airlines.
Năm 2017 là năm đỉnh cao của phi công nghỉ việc.
|
Lý giải kỹ hơn, lãnh đạo VNA cho biết, năm 2017 là năm đỉnh cao của phi công nghỉ việc, chủ yếu là các Hãng HK Trung Quốc tăng lương hút người, năm 2018 chiều hướng chậm lại. “Tuy nhiên, tại Việt Nam năm nay các Hãng HK đang có kế hoạch tuyển dụng phi công lặp lại hiện tượng 2015”.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, VNA đã tuyển dụng được 64 phi công vừa đủ bù cho số nghỉ việc và đã nộp đơn nghỉ việc, VNA cần phải bổ sung cho nhu cầu mở rộng khai thác cao điểm Hè 2018 và cao điểm 2018 – 2019.
Thu nhập của phi công, theo báo cáo của VNA
Vietnam Airlines báo cáo rằng, tổng công ty đã thực hiện cải cách tiền lương đối với người lao động nói chung và phi công nói riêng từ năm 2008.
“Qua các đợt cải cách năm 2010, 2014, 2015 và 2016, thu nhập tiền lương của người lao động đã được nâng cao đáng kể, tạo động lực cho sự phát triển nguồn lực đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với đội ngũ phi công, lực lượng lao động nòng cốt và chủ lực, thu nhập từ tiền lương đã tăng hơn 5 lần so với giai đoạn trước 2008”, báo cáo viết.
Cũng theo đó, năm 2018, VNA tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2018 – 2020. Để thực hiện lộ trình này, VNA đã báo cáo Bộ GTVT và được ĐHĐCĐ thông qua Quỹ tiền lương kế hoạch năm 2018 vào ngày 10/5/2018.
Trên cơ sở Quỹ lương kế hoạch, VNA đã triển khai bước tiếp theo của quá trình cải cách tiền lương vào ngày 29/5/2018, Hội đồng quản trị đã ra Nghị quyết số 987/NQ-HĐQT/TCTHK thông qua phương án, hiệu lực ngày 01/6/2018.
Bảng tổng hợp thu nhập của phi công người Việt ở VNA.
|
Bảng tổng hợp mức lương trung bình và tối đa (trước thuế) của các chức danh phi công Việt Nam hiệu lực từ ngày 01/6/2018 và năm 2019 (đính kèm báo cáo) cho thấy, 4 cấp chức danh phi công, với thu nhập giảm dần: Giáo viên kiểm tra năng định (DPE), Giáo viên năng định (TRI), Lái chính, Lái phụ.
Mỗi cấp chức danh lại được chia làm 3 nhóm, theo chủng loại máy bay khai thác (đội bay), với thu nhập giảm dần, là: B787- A350, A321, ATR.
Như bảng tổng hợp này, từ ngày 01/6/2018, thu nhập bình trung bình của DPE người Việt ở Đội bay B787 – A350 là 256 triệu đồng/người/tháng. Tối đa có người đạt 297 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này sẽ tiếp tục được tăng trong năm 2019, theo kế hoạch, đạt 264 triệu đồng/người/tháng. Tối đa có người đạt 305 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập sẽ giảm dần ở các đội bay ít hiện đại hơn, cụ thể trung bình đạt 243 triệu đồng/người/tháng đối với DPE người Việt ở A321, và 210 triệu đồng/người/tháng đối với DPE người Việt ở ATR.
Mức thu nhập bình quân tháng của các phi công người Việt ở Vietnam Airlines. (tính trước thuế)
|
Thu nhập bình quân tháng của các phi công nước ngoài ở Vietnam Airlines. (nhưng là tính sau thuế)
|
Nhấn mạnh rằng, mức thu nhập nêu trên không chỉ đơn thuần là mức lương thực lĩnh hàng tháng, mà nó là thu nhập trước thuế thu nhập cá nhân, được tính bình quân năm, theo giờ mức quy định (bằng tổng thu nhập hàng tháng + thu nhập theo năm chia 12).
Tương tự, mức thu nhập đối với TRI người Việt ở VNA, kể từ 01/6/2018, sẽ đạt bình quân 198 triệu đồng/người/tháng (ATR), 233 triệu đồng/người/tháng (A321), 243 triệu đồng/người/tháng (B787-A350).
Mức thu nhập của DPE và TRI là cao hơn đáng kể so với phần đông các phi công mà VNA đang khai thác, thuộc các nhóm chức danh: Lái chính và Lái phụ. Thực tế, nhóm lái phụ và lái chính mới đang có nhiều phi công đang phản ứng về đãi ngộ ở VNA, cũng như đòi ra đi.
Theo báo cáo, mức thu nhập đối với lái chính người Việt ở VNA, kể từ 01/6/2018, sẽ đạt bình quân 159 triệu đồng/người/tháng (ATR); 176 triệu đồng/người/tháng (A321); 205 triệu đồng/người/tháng (B787-A350). Mức thu nhập cao nhất đối với lái chính ở VNA là 246 triệu đồng/tháng, thuộc đội bay B787-A350.
Còn đối với chức danh lái phụ, kể từ 01/6/2018, thu nhập bình quân của lái phụ người Việt ở VNA sẽ đạt bình quân 75 triệu đồng/người/tháng (ATR); 100 triệu đồng/người/tháng (A321); 124 triệu đồng/người/tháng (B787-A350). Tối đa có lái phụ đã đạt mức thu nhập 150 triệu đồng/tháng.
Cơ cấu phi công Việt Nam ở VNA.
|
Được biết, trong số 853 phi công người Việt Nam ở VNA thì có 69 DPE, 14 TRI, 12 giáo viên bay kèm (LTC), 1 giáo viên hướng dẫn buồng lái mô phỏng (SFI), 3 giáo viên lý thuyết – lái chính (GI-LC), 219 lái chính, 5 giáo viên lý thuyết - lái phụ (GI - LP), 479 lái phụ. Ngoài ra còn có 51 học viên phi công Việt Nam đang huấn luyện.
“Theo mức thu nhập này, phi công Việt Nam có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài hiện đang khai thác cho Tổng công ty”, Vietnam Airlines báo cáo.
Về chế độ làm việc – nghỉ người của phi công người Việt, theo Vietnam Airlines, các phi công được nghỉ tối thiểu 118 ngày/năm, với chế độ 9 tuần bay khai thác được nghỉ trọn vẹn 1 tuần (9ON/1OFF) từ năm 2016 (trước đó là 11ON/1OFF).
Ngoài ra, các phi công còn được các chế đội đãi ngộ khác như: chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, chương trình nghỉ dưỡng, chế độ vé máy bay miễn giảm cước.
Bảng lương của phi công nước ngoài ở VNA.
|
Tại báo cáo, VNA cũng cung cấp thông tin về mức thu nhập tiền lương bình quân của phi công nước ngoài theo cáo hợp đồng đã ký với nhà cung ứng phi công.
Trong đó, cao nhất là các DPE đang công tác tại Đội bay B787, với mức bình quân đạt khoảng 314 triệu đồng/người/tháng.
Các lái chính ngoại công tác tại đội bay A321 nhận bình quân từ 205 triệu đồng/người/tháng đến 212 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đối với lái phụ là bình quân từ 147 triệu đồng/người/tháng, đến 162 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, mức thu nhập nêu trên của các phi công nước ngoài ở VNA là “thu nhập sau thuế TNCN, không bao gồm phí bảo hiểm, phí môi giới…”. Nó khác với con số thu nhập của phi công người Việt mà VNA cùng công bố trong báo cáo - là thu nhập trước thuế. Do đó, nếu quy về cùng hệ tham chiếu, hẳn thu nhập giữa phi công nội và ngoại ở VNA – tại cùng chức danh – sẽ có sự chênh lệch đáng kể.
Thêm nữa, chế độ làm việc – nghỉ người của phi công người Việt và phi công nước ngoài mà VNA thuê về cũng có sự khác biệt lớn.
Cụ thể, nếu như các phi công nước ngoài được hưởng chế độ làm việc là 6 tuần bay khai thác được nghỉ 2 tuần (6ON/2OFF) thì các đồng nghiệp người Việt, như đã nói, làm theo chế độ 9ON/1OFF.