Phi công phản ứng về phát biểu của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật

VietTimes – Nhóm phi công nội đang muốn nghỉ việc ở Vietnam Airlines khẳng định “hoàn toàn bất đồng ý kiến” với những điều mà ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 (diễn ra vào chiều 02/06), liên quan đến Đơn Cầu cứu mà họ đã gửi lên Phó Thủ tướng Thường trực Trường Hòa Bình.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Đọc thêm:

Bộ GTVT nói phi công xin nghỉ việc phải báo trước 180 ngày là đúng

Thu nhập phi công nhìn từ Báo cáo thường niên của Vietnam Airlines và Vietjet Air

Nhiều phi công muốn nghỉ việc, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói gì?

Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT

Do đó, nhóm phi công đã làm Đơn kiến nghị gửi lên Bộ Giao thông Vận tải và đích danh Thứ trưởng Nguyễn Nhật. Lá đơn được ký bởi phi công Đ, cũng là người đã đứng tên đại diện cho nhóm phi công gửi Đơn cầu cứu lên Phó Thủ tướng.

Nội dung đơn kiến nghị cũng đồng thời được gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí. Trong đó, đại diện nhóm này cũng liên hệ với PV VietTimes để chuyển thông tin và cho biết đã tiến hành gửi Đơn cho Bộ GTVT theo đường bưu điện.

Trong đơn, nhóm phi công cho hay, họ biết đến các phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Nhật qua phản ánh của báo chí. “Chúng tôi với tinh thần cầu thị nhưng hoàn toàn bất đồng ý kiến với những điều ông Nguyễn Nhật đã nói” – đơn kiến nghị viết.

Cụ thể, đối với phát biểu “Còn Điều 37 của Luật Lao động quy định người lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày. Điều này chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa”, nhóm phi công cho rằng, ông Nhật đã hoàn toàn hiểu sai và dẫn sai điều trong Luật Lao Động.

“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động” là Quyền của người lao động, chứ không phải là Quyền của người sử dụng lao động muốn áp bao nhiêu thì áp. Với Chủ thể là Chúng Tôi – người lao động có quyền đơn phuong chấm dứt hợp đồng với VNA với thời hạn báo trước ít nhất 45 ngày, chúng tôi có Quyền báo trước bao lâu tùy ý chúng tôi, kể cả 1 hay 10 năm nhưng ít nhất là 45 ngày. Cách hiểu của ông Nguyễn Nhật là không đúng” – nhóm phi công phản biện.

Đối với phát biểu “Khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã ghi rõ: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này”, nhóm phi công viết: “Về khoản này chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Nhật.”

“Nhưng Thông tư số 21/2017-TT-BGTVT không phải là Luật, do đó không tương đương với Luật Lao Động để áp dụng điều khoản phía trên. Do đó chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với kết luận của ông Nhật về tình trạng Pháp lý của Thông Tư kể trên” – nhóm phi công bày tỏ.

Cũng trong đơn kiến nghị, các phi công đang muốn nghỉ việc tại Vietnam Airlines (VNA) cho rằng: “Việc Thông tư 21 đưa điều khoản Phi Công phải thanh lý hợp đồng với VNA mới được chuyển sang hãng khác làm là vi phạm điều 35 Hiến Pháp, nghiễm nhiên bác bỏ Quyền công dân của chúng tôi.

Ngoài ra, khi VNA có quyền “Thanh lý hợp đồng” cho chúng tôi khi chúng tôi không thể có việc làm mới thì Quyền khiếu kiện dân sự của chúng tôi cũng bị xâm phạm. Nếu chúng tôi khiếu kiện việc VNA ép buộc thanh toán Chi Phí Đào Tạo một cách vô lý, không hóa đơn chứng từ hợp lệ theo Điều 62 Khoản 3 BLLĐ thì đồng nghĩa trong thời gian khiếu kiện chúng tôi không thể có việc làm”.

Với những lý lẽ đã đưa ra, nhóm phi công kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại cơ sở pháp lý của Thông tư 21/2017-TT-BGTVT. “Và đặc biệt phải chú ý quan tâm đến các Quyền cơ bản của chúng tôi quy đinh trong Hiến Pháp”, nhóm này nhấn mạnh.

Bộ GTVT chưa nhận được đơn

Liên quan đến kiến nghị của nhóm phi công Vietnam Airlines, PV VietTimes đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật – người được họ nêu đích danh trong đơn.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết đang bận họp nên đề nghị PV liên hệ với một đại diện pháp chế của Bộ để được giải thích thêm.

Theo vị này, “về nguyên tắc nếu là đơn khiếu nại thì Thanh tra Bộ sẽ là đơn vị đầu mối để tiếp nhận đơn và phân loại, chuyển về đơn vị chuyên môn xử lý”.

Còn đối với Đơn kiến nghị của các phi công mà PV đã nêu, vị này cho biết, đầu mối xử lý sẽ là Vụ Phi công.

Tuy nhiên, theo cập nhật của vị đại diện, đến thời điểm PV liên hệ, Bộ GTVT vẫn chưa nhận được đơn của nhóm phi công.

Được biết, theo quy trình, khi nhận được đơn, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ xem xét, giao các đơn vị chuyên môn xử lý, trả lời theo đúng thẩm quyền.

Trước đó, chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo Điều 37 của Luật Lao động, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Đây là quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định tối đa số ngày – Thứ trưởng cho biết.

Đồng thời, cũng theo ông Nhật, chế độ làm việc của phi công, điều kiện nghỉ việc cũng có trong Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể là các Thông tư 41/2015 và 21/2017 của Bộ GTVT.

Cụ thể, điều 70 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006 quy định Bộ GTVT quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ đã ban hành Thông tư 41/2015, sau đó thay thế bằng Thông tư 21/2017.

Các thông tư này quy định, nhân viên hàng không trình độ cao (bao gồm phi công) khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 180 ngày.

Ông Nhật giải thích, quy định 180 ngày là để chủ sử dụng lao động (ở đây là VNA - PV) có thời gian tuyển dụng, đào tạo. Nhấn mạnh hàng không là lĩnh vực đặc biệt, phải tuân thủ quy định khắt khe của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Mặt khác, đào tạo các nhân viên hàng không, đặc biệt là phi công, mất nhiều thời gian, nhiều quy trình. Do đó, việc quy định như trên là để có người sử dụng lao động có thời gian tuyển dụng, đào tạo. “Thay thế một phi công là cả một quá trình” – Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh và cho biết, việc quản lý, sử dụng nhân lực phải đáp ứng yêu cầu không biến động lớn trong các công ty phụ trách lĩnh vực hàng không.

Mặt khác, khoản 2 Điều 3 Luật hàng không dân dụng Việt Nam, quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật hàng không dân dụng. Do đó, việc VNA yêu cầu phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 180 ngày và bồi hoàn chi phí đào tạo là không trái với Luật Lao động./.