“Cửa” nào cứu giá cho OGC?

Trong những trường hợp đặc biệt và chưa có tiền lệ, doanh nghiệp có thể xin Bộ tài chính hướng dẫn cách hạch toán kế toán phù hợp hơn. Có ý kiến cho rằng, OGC có thể xin phân bổ khoản lỗ này trong nhiều năm thay vì 1 năm, và PVN cũng vậy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tóm tắt:

- Nói riêng về khoản vốn góp vào Ngân hàng Đại Dương với giá trị sổ sách 971 tỷ đồng, Tập đoàn Đại Dương OCean Group sẽ phải ghi nhận khoản lỗ 971 tỷ khi NHNN mua Oceanbank với giá 0 đồng.

- Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt và chưa có tiền lệ, doanh nghiệp có thể xin Bộ tài chính hướng dẫn cách hạch toán kế toán phù hợp hơn. Có ý kiến cho rằng, OGC có thể xin phân bổ khoản lỗ này trong nhiều năm thay vì 1 năm, và PVN cũng vậy.

- Theo một chuyên gia tài chính, dù có được đồng ý phân bổ lỗ trong nhiều năm, đánh giá của thị trường đối với cổ phiếu OGC cũng không thay đổi


Trong nửa năm trở lại đây, tức từ tháng 10/2014 – sau biến cố ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Đại Dương (mã: OGC) bị bắt giữ, giá cổ phiếu này đã không ngừng đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 07/05, OGC chỉ còn giá 3.200 đồng và nhà đầu tư chỉ còn biết chờ đợi xem cổ phiếu có thể rơi đến mức giá nào.

Biến động giá cổ phiếu OGC trong 1 năm

Lỗ 971 tỷ bởi Oceanbank

Nếu như giai đoạn trước, mặc dù liên tiếp các biến cố xảy ra và giá đi xuống thì thanh khoản của OGC vẫn duy trì ở mức hàng triệu cổ phiếu/ phiên. Nhưng sau “cú đánh sấm sét” là việc NHNN chính thức ra quyết định mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank - OJB) với giá 0 đồng, chấm dứt tư cách cổ đông của các cổ đông hiện tại, trong đó có Ocean Group thì cổ phiếu OGC đã giảm sàn 5 phiên liên tục, khối lượng khớp lệnh èo uột và dư bán sàn luôn trên dưới 30 triệu cổ phiếu/phiên.

Chưa nói đến các khoản tài chính phức tạp khác giữa Ocean Group – Oceanbank và các công ty liên quan đến Tập đoàn Đại Dương, chỉ riêng khoản vốn góp tại OCeanbank với 80 triệu cổ phiếu tương đương 20% vốn điều lệ được ghi giá trị sổ sách tại BCTC cuối năm 2014 là 971 tỷ đồng, khi cổ phiếu của Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng thì đồng nghĩa khoản vốn góp này cũng về 0. Theo quy tắc thông thường, OGC sẽ phải hạch toán vào kết quả kinh doanh một khoản lỗ 971 tỷ đồng.

BCTC năm 2014 chưa kiểm toán và chưa hợp nhất kết quả kinh doanh của Oceanbank cho biết, công ty mẹ Ocean Group có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 753 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 408 tỷ đồng.

Liệu sẽ có một quy định đặc biệt?

Ở nước ngoài, các doanh nghiệp tuân theo chuẩn mực kế toán quốc tế IASs/IFRSs hay các nguyên tắc kế toán do Hiệp hội kế toán chuyên nghiệp quy định, không có sự can thiệp hành chính. Song tại Việt Nam, ngoài việc tuân theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS, trong các trường hợp đặc biệt, cơ quan chức năng có thể ban hành những quy định riêng để áp dụng cho doanh nghiệp. Trong quá khứ, Vinashin và Vinalines là một ví dụ.

Bên cạnh đó, với những trường hợp đặc biệt chưa có tiền lệ và quy định kế toán chưa rõ ràng thì doanh nghiệp có thể gửi đề nghị lên Bộ Tài chính xin văn bản hướng dẫn cụ thể. Tùy trường hợp mà Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cách hạch toán kế toán phù hợp.

Rõ ràng việc Ocean Bank bị mua lại với giá 0 đồng và khoản đầu tư của OGC theo đó cũng không còn giá trị là chưa có tiền lệ. Như trên đã đề cập, quy định thông thường yêu cầu OGC phải hạch toán ngay khoản lỗ 971 tỷ vào kết quả kinh doanh nhưng khi đã là trường hợp đặc biệt, tập đoàn này vẫn có thể xin một quy định riêng từ Bộ Tài chính. Có ý kiến cho rằng, một trong các phương án mà OGC có thể làm để cứu lấy con số lợi nhuận là xin phân bổ khoản lỗ trong nhiều năm thay vì ngay trong năm nay.

“Đồng đội” của OGC trong tình huống này còn có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN – đơn vị cũng đang nắm giữ 20% vốn của Ngân hàng Đại Dương và đối mặt với khoản lỗ tương tự.

Dù vậy, việc này cũng không có ý nghĩa đối với giá cổ phiếu OGC

Theo một chuyên gia tài chính kỳ cựu, ở Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra việc can thiệp hành chính đến cách hạch toán kế toán của doanh nghiệp. Nhưng trong trường hợp này, cơ quan chức năng không có động lực nào để ra một quyết định như vậy.

“Đó là một quyết định không đem lại lợi ích cho ai cả” – vị chuyên gia nêu ý kiến.

Song, theo chuyên gia, dù được phân bổ lỗ trong nhiều năm thay vì một năm, đánh giá của thị trường đối với cổ phiếu OGC cũng không thay đổi. Bởi lẽ nhà đầu tư quyết định mua bán dựa trên thông tin thực tế. Khi nhà đầu tư đã mặc định là OGC “mất trắng” hơn 900 tỷ thì việc phân bổ lỗ để làm đẹp báo cáo tài chính cũng hoàn toàn không có ý nghĩa nữa.

Theo Infonet