Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank giá 0 đồng

Ngân hàng Đại Dương là trường hợp thứ 2 được cơ quan quản lý mua lại với giá 0 đồng, sau VNCB.Quyết định nêu trên được đại diện Ngân hàng Nhà nước thông báo tại Đại hội cổ đông thường niên của OceanBank sáng nay (25/4).
OceanBank xin phát hành cổ phần để bổ sung cho đủ vốn pháp định.
OceanBank xin phát hành cổ phần để bổ sung cho đủ vốn pháp định.

Cùng lúc, cơ quan quản lý cũng phát đi thông cáo, cho biết thời gian qua, hoạt động của ngân hàng bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị - điều hành vi quy định pháp luật và bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Do chịu tổn thất tài chính nặng nề, trong khi bản thân OceanBank không có giải pháp khả thi để đảm bảo vốn pháp định, cơ quan quản lý cho biết đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phẩn của các cổ đông hiện hữu, qua đó chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu và đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa lây lan các yếu kém sang tổ chức tín dụng khác.

Sau sự kiện mua lại này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu.

Trước đó, trong dự thảo quy chế làm việc được thông qua tại Đại hội, OceanBank đã xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể hoặc yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Vấn đề này sẽ được thông qua nếu có trên 65% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, OceanBank là ngân hàng đầu tiên xin ý kiến cổ đông về việc chia tách, giải thể hoặc yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Các đơn vị khác đa phần chỉ nêu vấn đề chung là mua bán - sáp nhập với một nhà băng khác.

Trước khi được Ngân hàng Nhà nước công bố mua lại với giá 0 đồng, OceanBank đã tính tới phương án phát hành cổ phần để bổ sung vốn song không được cổ đông thông qua tại đại hội (chỉ có 33% đồng ý). Hiện nay, mức vốn pháp định tối thiểu mà Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại phải đáp ứng là 3.000 tỷ đồng. Các báo cáo tài chính công bố trước đây của OceanBank đều cho thấy vốn điều lệ ở mức 4.000 tỷ. Tuy nhiên, tờ trình của nhà băng tại đại hội lần này lại cho biết, vốn điều lệ thực của ngân hàng hiện chưa đủ mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.

Do đó, ngân hàng từng đề xuất cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ (sau khi trừ lỗ luỹ kế). Cụ thể, ngân hàng sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài (dưới 100 người) với giá 10.000 đồng mỗi cổ phần. Nhà băng này cũng quy định điều kiện bên mua cổ phần sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược lâu dài của ngân hàng và cùng đồng hành, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, OceanBank quy định nhà đầu tư muốn mua cổ phần phải nộp tiền mặt, không sử dụng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để mua cổ phần ngân hàng, có tài chính lành mạnh, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm... Riêng khối lượng phát hành dự kiến chưa được công bố cụ thể.

Nội dung tờ trình cũng cho biết, Điểm b Khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng điều kiện "Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán". Tuy nhiên, OceanBank hiện tại không đáp ứng được điều kiện nêu trên nên trình đại hội đồng cổ đông lựa chọn phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ.

Kể từ khi nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt tháng 10/2014, Ocean Bank trải qua nhiều biến động, đặc biệt là ở khâu nhân sự với 3 lần thay chủ tịch. Bà Nguyễn Minh Thu được bổ nhiệm thay ông Hà Văn Thắm, trước khi bị điều tra từ đầu tháng 1/2015. Hiện tại, người đại diện, phụ trách ngân hàng là ông Đỗ Thanh Sơn. Mọi hoạt động, giao dịch của ngân hàng đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Trước OceanBank, đầu tháng 2/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng và trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) đối với Ngân hàng Xây dựng (VNCB), qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Đến đầu tháng 3, cơ quan quản lý đã tiến hành chuyển đổi VNCB sang mô hình mới - ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Theo VnE