Theo ông Kiêm quyết định mua 0 đồng đối với OceanBank của Ngân hàng Nhà nước có nghĩa là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã bị mất trắng khoản đầu tư này.
“Mặc dù việc góp cổ phần theo hưởng lời ăn lỗ chịu nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước. Việc lấy vốn của Nhà nước đầu tư không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm hoặc là hình sự hoặc phải bồi thường. Việc này cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán”, ông Kiêm bình luận.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trung ương, khẳng định khoản đầu tư của PVN bị mất trắng sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng với OceanBank.
“Đầu tư thì phải chấp nhận theo hướng lời ăn lỗ chịu, đầu tư góp vốn thì phải chấp nhận. Tất cả những sai phạm trong khoản đầu tư này (nếu có) đều được thực hiện theo quy chế hết”, ông Bảo bình luận.
Ông Kiêm cũng cho rằng, khoản đầu tư này của PVN cần phải được làm rõ hai vấn đề: Đó là PVN dùng tiền nào để đầu tư và việc đầu tư này có được phép không. Nếu không được phép mà PVN vẫn quyết định đầu tư thì cần phải quy trách nhiệm cho những người ký quyết định này.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành mà bị mất hết vốn thì công việc trước hết cần phải xác định họ lấy vốn từ đầu: vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay hay vốn huy động từ các nguồn.
“Nếu PVN nhận vốn Nhà nước mà kinh doanh lỗ thì phải chịu trách nhiệm và xử theo Quyết định 924/QĐ-TTg (ngày 18/6/2010) và Nghị định 143/NĐ-TTg (ngày 31/10/2013”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo Quyết định 924 này, Tập đoàn PVN là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Còn Nghị định 143 quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN.
Theo Điều 59, Mục 3 của Nghị định 143, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc trong việc điều hành và quản lý PVN. Trong đó, điểm 4, điều 59, Mục 3 quy định “Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và tổng giám đốc PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vị phạm: Để PVN lỗ; Để mất vốn nhà nước; Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; Để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định”.
Ông Kiên nhấn mạnh, cần phải làm rõ khoản tiền đầu tư thua lỗ này là PVN lấy từ nguồn nào để đầu tư. Tuy nhiên, cần phải hiểu hoàn cảnh đầu tư thời điểm đó để có cái nhìn toàn diện hơn.
“Vào những năm 2007 – 2008 các tập đoàn được kinh doanh đa ngành và PVN được phép đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Cho đến khi Vinashin bị thua lỗ lúc đó mới vỡ ra và yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn khỏi những lĩnh vực rủi ro như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản”, ông Kiên bình luận.
PVN quyết định đầu tư vào OceanBank vào tháng 1/2009 với tỷ lệ vốn góp 20% so với vốn điều lệ thời điểm đó của ngân hàng này là 2.000 tỷ đồng. Báo cáo quản trị của OceanBank đến 31/12/2014, PVN nắm giữ 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%, thành tiền 800 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) với 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; Công ty TNHH VNT với 80 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%; CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà với 26,61707 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,65%, thành tiền 266 tỷ đồng và các cổ đông khác 30%.
Vào hồi tháng 10/2014, ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc PVN, dự kiến sẽ thu về 5.000 tỷ đồng sau khi thoái vốn khỏi OceanBank và PVcomBank.
Theo Bizlive