Tổng số vốn của các đơn vị nay đầu tư vào OceanBank lên tới hơn 2.660 tỷ đồng.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 25/4, do hoạt động của OceanBank đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng, NHNN đã quyết định đặt OceanBank vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi OceanBank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN nên NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank. Toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của cổ đông hiện hữu của OceanBank theo đó bị chấm dứt.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là, các cổ đông nhỏ lẻ phải chịu "trắng tay", nhưng các cổ đông lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nắm giữ vốn tại OceanBank thì sao, trách nhiệm của các đơn vị này thế nào khi để mất vốn của Nhà nước? Các doanh nghiệp cổ phần sẽ ra sao khi hàng trăm tỷ đồng họ đầu tư vào ngân hàng giờ đây chỉ còn lại con số 0, trách nhiệm của người đứng đầu với cổ đông thế nào?
Thống kê của chúng tôi cho thấy, trước thời điểm NHNN mua lại bắt buộc cổ phần của OceanBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn OceanBank. Các tổ chức khác cũng nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần của OceanBank như Tập đoàn Đại Dương (OGC) sở hữu 20%; Công ty TNHH VNT nắm 20% vốn; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà giữ 6,65% vốn, còn lại hơn 30% của các cổ đông khác.
OceanBank có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng, với 20% vốn sở hữu tức PVN đã đầu tư vào ngân hàng 800 tỷ đồng, OGC và VNT mỗi đơn vị cũng đầu tư con số tương tự, còn Đầu tư và Xây dựng Sông Đà đầu tư hơn 266 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của OceanBank
Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia tài chính ngân hàng kỳ cựu cho biết, nếu như NHNN áp dụng cùng một thể thức như đã làm với Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tức là mua với giá 0 đồng, thì tất cả các cổ đông (không phân biệt cổ đông là đối tác chiến lược, cổ đông lớn, cổ đông nhà nước hay cổ đông cá nhân), đều mất hết quyền sở hữu tại đó. Hay nói cách khác, các cổ đông đều chung số phận “trắng tay”.
Về phía PVN, theo vị chuyên gia, do đây là quyết định mua lại bắt buộc từ phía Ngân hàng trung ương nên với vai trò “là một tập đoàn Nhà nước, PVN chắc chắn sẽ phải giải trình với Chính phủ về việc làm mất giá trị cổ phần không phải do mình chủ động gây nên”.
Bởi lẽ, theo điều lệ của PVN đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu để “lỗ hoặc mất vốn nhà nước, quyết định đầu tư dự án không hiệu quả, không thu hồi được vốn, không trả được nợ, không đảm bảo tiền lương và các chế độ cho người lao động, hoặc để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản…thì cả Chủ tịch cùng các thành viên và Tổng giám đốc đều không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm."
Khi đề cập đến quyết định của NHNN đối với việc mua lại bắt buộc cổ phần của ngân hàng mà trong đó có rất nhiều vốn của cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế (chiếm tới 2/3 vốn), vị chuyên gia cho rằng,NHNN có thể sẽ đưa ra luận chứng rằng họ mua lại với giá 0 đồng đã là may mắn cho cổ đông. Họ (tức NHNN) có thể nói "với phần vốn âm lớn như vậy, nếu cổ đông còn giữ cổ phần thì còn phải chịu tổn thất lớn hơn” - vị chuyên gia bổ sung.
Trước đó, Đại hội cổ đông của OceanBank đã đề nghị cổ đông góp vốn bổ sung tuy nhiên chỉ có 32% số cổ đông đồng ý và sau đó NHNN phải tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần.
Nói thêm về trách nhiệm của PVN, theo chuyên gia, PVN chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Dù rằng Chính phủ có quy định nếu tập đoàn, tổng công ty thoái vốn dưới giá sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư (tức là mất một phần vốn) thì được phép, nhưng với trường hợp hiện nay là mất hoàn toàn vốn của PVN là chưa có tiền lệ.
"Sau sự việc này, tôi cho rằng Chính phủ cần đưa ra một quy định riêng về các trường hợp tương tự như PVN ở OceanBank", vị chuyên gia nêu ý kiến.
Về phía các cổ đông cá nhân và cổ đông tổ chức đã đầu tư vào OceanBank, chia sẻ với chúng tôi, một số cổ đông cho biết, quyết định của NHNN khiến họ bị "sốc".
"Chúng tôi vẫn nhận được báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh rất khả quan của ngân hàng. Năm trước OceanBank còn được vinh danh là 1 trong 200 doanh nghiệp phát triển nhanh và lành mạnh. Đến quý 3/2014 còn nhận những giải thưởng quốc tế như Ngân hàng bán lẻ tốt nhất của năm...
Nhưng bỗng dưng NHNN có thông báo kiểm soát đặc biệt rồi cho thời gian ngắn ngủi để tăng vốn, và sau đó là quyết định mua lại bắt buộc. Cổ đông bỏ vốn vào bây giờ mất trắng, các doanh nghiệp làm ăn khó khăn lại mất hết cả vốn hàng trăm tỷ đồng thì biết phải làm sao", một cổ đông nói.
Một cổ đông khác thì cho biết, đầu tư vào ngân hàng rất rủi ro, nếu gặp phải các ngân hàng như VNCB và OceanBank, không những bỗng chốc trắng tay mà còn lo sợ các rủi ro về pháp lý.
Theo các cổ đông, họ không phản đối việc NHNN mua lại bắt buộc ngân hàng yếu kém, tuy nhiên, để nhà đầu tư có thêm niềm tin vào hệ thống tài chính, NHNN cần yêu cầu các ngân hàng có báo cáo tài chính công khai, lành mạnh để cổ đông nắm được vấn đề thực sự của ngân hàng, thay vì các con số và hình ảnh một đằng, bản chất lại một nẻo.
Theo Trí thức trẻ