“Cổng trời” tiên phong số hoá tác phẩm mỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 3-4, tại TP.HCM, nhà sáng lập vừa giới thiệu dự án “Cổng trời”, nơi các tác phẩm văn hoá vật thể sẽ được số hoá.
Người sáng lập dự án Cổng trời, ông Phạm Toàn Thắng trong buổi giới thiệu với báo chí sáng 3/4 (Ảnh: HB)
Người sáng lập dự án Cổng trời, ông Phạm Toàn Thắng trong buổi giới thiệu với báo chí sáng 3/4 (Ảnh: HB)

Theo người sáng lập dự án, ông Phạm Toàn Thắng cho biết: “Các tác phẩm văn hóa vật thể sẽ được số hóa và định danh chủ sở hữu bằng công nghệ NFT trên nền tảng Kardiachain, đảm bảo tính độc bản của bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực. Các độc bản kỹ thuật số này có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng VRhome, Oculus… giúp người dùng xây dựng được 1 bộ sưu tập kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo với chi phí tương đối thấp. Đồng thời, vẫn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập. Theo đó giá trị của độc bản số sẽ tỷ lệ thuận với số lần chuyển nhượng”.

Ông Thắng nhận định: “Các phương thức kết nối truyền thống thông qua mạng xã hội, website, triển lãm, rạp chiếu phim... đã không còn bắt kịp yêu cầu ngày càng đa dạng của người dùng. Vấn nạn tác phẩm nhái, tranh chấp trong thanh toán, vi phạm tác quyền… và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ngăn các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới và ngược lại. Trước tình hình đó, chúng tôi hy vọng “Cổng trời” sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT. Chúng tôi chỉ là “trận tài” trong việc này. Thông qua “Cổng trời”, chúng tôi muốn hoàn thiện hóa con đường phổ cập nghệ thuật cho đại chúng để nghệ sỹ Việt Nam bước ra thế giới với phương châm: “Mở lối đi riêng, nâng tầm văn hóa Việt”.

Tương tự mỹ thuật, số lượng các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, văn học… của Việt Nam đã lên đến con số hàng triệu với nhiều tác phẩm đã đạt thành công vươn tầm thế giới. Số lượng nghệ sĩ có ảnh hưởng trên mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ nghệ sĩ Việt Nam nào số hóa tác phẩm của mình, cũng như chưa khai thác được tiềm năng giá trị từ nguồn tài nguyên rộng lớn nay.

Tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được số hoá theo công nghệ Non Fungible Token (NFT), đưa các tác phẩm nghệ thuật từ đời thực qua “Cổng trời” bước vào thế giới digital trở thành tác phẩm kỹ thuật số.

Ông Phạm Toàn Thắng trả lời phỏng vấn báo chí
Ông Phạm Toàn Thắng trả lời phỏng vấn báo chí

Thông qua nền tảng Cổng trời, nhà sưu tập có thể đặt giá mua đối với sản phẩm nghệ thuật. Khi lệnh đặt mua được thực hiện, chủ sở hữu và nghệ sĩ/tác giả (trong một số trường hợp có thể là 1 người) sẽ nhận được thông báo từ Cổng trời và xem xét các lệnh đặt mua. Khi mức giá đặt mua phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu và nghệ sĩ, họ sẽ thực hiện bước ký tên xác thực điện tử (gọi tắt là mã hóa) thông qua nền tảng do Cổng trời, để kết hợp cùng sản phẩm số tạo thành một NFT. NFT sau khi hình thành sẽ được chuyển giao cho nhà sưu tập và xác thực trên Kardiachain.

Việt Nam là một vùng tài nguyên rộng lớn đang chờ bạn bè quốc tế khám phá. Chỉ tính riêng Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có gần 2.000 hội viên, Hội Mỹ thuật TP.HCM có gần 700 hội viên, chưa kể đến số hội viên của 63 tỉnh thành còn lại. Mỗi họa sĩ sở hữu bình quân hàng trăm tác phẩm hội họa. Rất nhiều người trong số đó có thu nhập cao từ việc bán tranh theo cách truyền thống.

Người sáng lập dự án Cổng trời cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng vào một cộng đồng lớn sẽ được xây dựng tương xứng với số lượng tác giả, tác phẩm xuất hiện trên congtroi.org. Thông qua đó tạo cho các nghệ sĩ Việt Nam một nguồn thu nhập mới trên cơ sở khai thác các giá trị phi vật thể, phi truyền thống ngay từ tác phẩm truyền thống của họ, nuôi dưỡng đam mê, hỗ trợ sáng tạo”.