Công tác giải quyết các vụ án giao thông còn tồn tại nhiều bất cập

Ngô Ngọc Trai
Ngô Ngọc Trai

Luật sư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Có những trường hợp như bà mẹ đèo con bất cẩn bị tai nạn, khiến con chết và mẹ vẫn bị xử lý hình sự, trong trường hợp đó người mẹ bị nỗi đau kép, vừa mất con vừa bị phạt tù...

Mới đây, cơ quan tố tụng huyện Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ án tai nạn giao thông, làm chết một người, trong vụ án mà ông Lương Hữu Phước là bị can.

Ông Phước sau khi bị tuyên án ba năm tù đã uất ức kêu oan trên facebook, rồi tự tử tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, trong một vụ việc gây chấn động dư luận.

Theo nội dung vụ án mà báo chí đưa tin, vào khoảng 11h ngày 15-11-2017, sau khi uống rượu ở nhà anh Phạm Văn Tuấn, phường Tân Xuân, ông Lương Hữu Phước được Trần Hữu Quý rủ đi hát karaoke. Trên đường đi, thấy Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở về nhà lấy mũ.

Do Quý không chịu đi bộ qua đường nên ông Phước bật đèn xi nhan rẽ trái, khi đến phần đường dành cho xe đi theo chiều ngược lại thì bị xe máy mang biển số 93H2-8547 do Lâm Tươi chở theo Trị Tiếp đâm vào, khiến ông Quý tử vong sau đó.

Khi bị xử lý ông Phước kêu oan, có lẽ ông đã nghĩ mình oan quá, vì xe ông đã bị người khác đâm vào, ông không phải là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Mặt khác ông Quý không đội mũ bảo hiểm là lỗi của ông ấy chứ đâu phải lỗi của mình, có thể ông Phước đã nghĩ thế, bởi ông đã chủ động đèo bạn về nhà lấy mũ, vậy mà giờ đây bạn thì chết, đã buồn và thiệt thòi rồi, bản thân mình giờ lại bị xử lý hình sự.

Trong khi đó, pháp luật quy định cô đọng rằng người nào vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự. Luật không quy định người bị chết phải là người ngồi ở xe phía bên kia, pháp luật cũng không quan tâm người tử vong có mối quan hệ thế nào với người điều khiển phương tiện.

Nói cho dễ hiểu là trường hợp này pháp luật vô tình, không xét đến mối quan hệ giữa người chết và người điều khiển phương tiện, chỉ cần hậu quả nghiêm trọng là có thể bị xử lý hình sự rồi.

Cho nên có những trường hợp bà mẹ đèo con bất cẩn bị tai nạn, khiến con chết và mẹ vẫn bị xử lý hình sự, trong trường hợp đó người mẹ bị nỗi đau kép, vừa mất con vừa bị phạt tù. Hoặc có trường hợp người lạ xin đi nhờ xe một đoạn đường mà không may tai nạn bị chết, thì người điều khiển vẫn bị xử lý.

Nhiều trường hợp pháp luật vô tình, không xét đến mối quan hệ giữa người chết và người điều khiển phương tiện. Ảnh minh hoạ.

Nhiều trường hợp pháp luật vô tình, không xét đến mối quan hệ giữa người chết và người điều khiển phương tiện. Ảnh minh hoạ.

Cộng đồng cần nhận thức rõ để tránh bị ngộ nhận, đến lúc bị xử lý thì ngỡ ngàng, theo đó khi điều khiển xe gây tai nạn, kể cả do xe khác đâm vào xe mình, mà người ngồi xe mình chết có lỗi của mình ví như không có mũ bảo hiểm hoặc đèo ba người, thì người điều khiển vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Nhận thức duy cảm

Thực tế ông Lương Hữu Phước đã lấy cái chết để kêu oan cho mình, trong nhận thức hẳn ông Phước đã nghĩ mình hoàn toàn vô tội. Đây là một biểu hiện của lối nhận thức duy cảm, là một bi kịch khi va đụng với tính duy lý của pháp luật.

Theo lối nhận thức duy cảm thì con người coi trọng cảm xúc nhận thức, coi đó là nền móng của chân lý, là thước đo trong xử sự đánh giá. Chủ nghĩa duy cảm là một khuynh hướng triết học cho rằng cảm tính (cảm giác, tri giác) là cơ sở và là hình thức chủ yếu, đáng tin cậy của nhận thức; đối lập với chủ nghĩa duy lí (trích từ Từ điển triết học).

Khi xét đoán sự vật hiện tượng theo chủ quan bản thân thì đôi khi sẽ trái ngược với tính duy lý hàm chứa trong các thiết chế định chế xã hội.

Ví như nhiều người Việt nhân danh tình yêu thương dùng đòn roi với con trẻ, nghĩ rằng mình là cha mẹ với lý do tình cảm sẽ là điều có thể nhân danh bao biện cho việc dạy dỗ con cái bằng roi vọt. Tức là cũng lấy cảm giác bản thân làm nền cho xử sự đúng đắn.

Trong khi đó nếu ở phương Tây, thì với tinh thần duy lý, pháp luật không ngần ngại tách người con ra khỏi cha mẹ, tước quyền giáo dục và xử lý hình sự người bạo hành.

Ông Lương Hữu Phước đã dùng cái chết của mình để kêu oan, mặc dù quyết liệt hết mức, nhưng điều đó không phủ nhận được rằng ông đã chỉ dựa vào cảm xúc và nhận thức bản thân để xét đoán sự việc. Trong khi pháp luật lại mang tính duy lý, coi trọng tính khách quan dựa trên những thang giá trị chuẩn mực đã được thiết lập bởi đa số.

Đất nước đang trong tiến trình phát triển, điều bi kịch xảy ra trong đời sống xã hội khi có sự va đụng giữa các chân lý giá trị, lối nhận thức duy cảm xung khắc va đập với tính duy lý của pháp luật đã dẫn đến sự đổ vỡ nhận thức, là nguyên nhân đưa đến cái chết tự vẫn của ông Lương Hữu Phước.

Công tác tư pháp còn nhiều bất cập

Trên đây là luận giải về một vấn đề pháp lý dễ gây ra ngộ nhận nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, còn thì không có mục đích đánh giá về việc ông Lương Hữu Phước có bị oan hay không.

Bằng kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng ông Phước vẫn có thể bị oan do các yếu tố pháp lý trong hồ sơ vụ án. Có thể lỗi của ông chưa đến mức phải xử lý hình sự hoặc mức hình phạt không đến ba năm tù. Từ đó đặt ra nhu cầu về sự quan tâm giám sát đối với công tác xử lý giải quyết các vụ án giao thông.

Trước khi xảy ra vụ việc ông Phước nhảy lầu chết, đầu năm 2020, tôi có tham gia bào chữa trong một vụ án tai nạn giao thông ở tỉnh Hà Nam. Bị can là một thanh niên điều khiển xe máy trên đường quốc lộ đoạn Phủ Lý đi Hà Nội, đoạn đường có làn phân cách cứng bê tông ở giữa.

Khi xe di chuyển qua một khoảng mở thì có một xe đạp điện do hai em học sinh đèo nhau sang đường, hai xe đã va vào nhau gây tai nạn, điểm va chạm cách vị trí khoảng mở sang đường khoảng 50m, thời điểm xảy ra tai nạn lúc 3 giờ chiều, trời nắng ráo, đường vắng, tầm nhìn thoáng.

Vụ tai nạn không khiến ai bị chết nhưng đủ mức nghiêm trọng để xử lý hình sự. Các bên tranh cãi với nhau về lỗi gây ra tai nạn, bị cáo thì cho rằng lỗi do xe đạp điện sang đường không quan sát, còn bị hại cho rằng do xe máy không làm chủ tốc độ, nguyên nhân nào đúng xin miễn bàn ở đây.

Điều đáng nói nhất trong vụ án là cơ quan tố tụng đã không phân định đúng về phương tiện do hai em học sinh điều khiển. Hồ sơ ghi nhận là xe đạp điện nhưng thực tế chiếc xe của hai em học sinh không có bàn đạp cơ, cái mà khi ắc quy hết điện thì có thể đạp bằng chân để xe di chuyển, và theo quy định của pháp luật liên quan thì phương tiện đó là xe máy điện.

Cũng theo một quy định khác liên quan thì độ tuổi hợp pháp để điều khiển xe máy điện là đủ 16 tuổi trở lên, trong khi đó hai em học sinh trong vụ án chưa đủ 16 tuổi. Đây là những yếu tố pháp lý rất quan trọng và căn bản trong một vụ án giao thông, nhưng đã không được cơ quan tố tụng làm rõ để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội, mà chỉ được nêu ra bởi luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử.

Nêu ra điều đó là để muốn nói rằng, cũng là nguyên nhân khiến cho vụ án của ông Lương Hữu Phước phải được xem xét lại, công tác giải quyết các vụ án giao thông còn tồn tại nhiều bất cập.