Cần nhất quán trong việc tôn trọng bảo hộ hoạt động doanh nghiệp

Ngô Ngọc Trai
Ngô Ngọc Trai

Luật sư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Luật xử lý vi phạm hành chính đang được Quốc hội họp bàn sửa đổi, trong đó có nội dung đang còn có ý kiến khác nhau là có nên bổ sung việc cắt điện nước như là một trong những biện pháp hỗ trợ cưỡng chế vi phạm hành chính hay không.

Nhiều luận điểm đã được đưa ra nhưng có lẽ nhiều người đưa ý kiến lúc này đã không ý thức được điều hệ lụy do quan điểm ý kiến của mình sẽ mang lại.

Việc ủng hộ hay không trong trường hợp này sẽ cho thấy ý thức của một người muốn có một nhà nước lớn hay nhỏ và cho thấy tình trạng trồi sụt trong những nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường.

Đầu tiên cần nhận thấy là việc cưỡng chế vi phạm hành chính thuộc phạm vi quan hệ pháp luật hành chính, mối quan hệ giữa nhà nước và người vi phạm hành chính, còn việc sử dụng điện nước là quan hệ thương mại kinh doanh giữa doanh nghiệp bán điện nước và người dân.

Nếu như ở các nước có nền kinh tế thị trường vững mạnh, quyền kinh doanh của doanh nghiệp được tôn trọng bảo đảm, thì có thể hình dung là doanh nghiệp bán điện nước sẽ có xu hướng coi trọng việc giữ cam kết phục vụ khách hàng.

Còn ở Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp bán điện nước cơ bản cũng là doanh nghiệp độc quyền nhà nước, chịu sự quản lý chi phối của Ủy ban nhân dân, do vậy việc sai khiến ngành này nằm trong khả năng tầm tay của cơ quan cưỡng chế, cho nên họ có xu hướng sử dụng phục vụ cho công việc của họ.

Song thực tế mọi sự đang thay đổi, từ lâu nay nhà nước đã tiến hành chính sách cổ phần hóa, thu hẹp phạm vi hoạt động của nhà nước, dành phần không gian rộng mở cho thị trường.

Hiện Chính phủ đang thúc giục Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa, tái cơ cấu, chuyển dần một phần giá trị doanh nghiệp sang tư nhân. Thị trường cung cấp nước sạch từ nhiều năm nay đã mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia mở các nhà máy xử lý nước và bán nước sạch.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vừa mới đây, tháng 6/2020 Quốc hội đã thông qua Luật doanh nghiệp mới, với một tinh thần tôn trọng cao nhất dành cho khối chủ thể tạo ra của cải cho xã hội. Tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp đã quy định một luận điểm khái quát: Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp”.

Trước đó, năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, với một mong muốn không gì hơn là coi trọng các hoạt động kinh doanh. Nghị quyết số 10 cũng đã chỉ ra: Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ”.

Như thế, nếu Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay lại chấp nhận cho phép cơ quan cưỡng chế hành chính được quyền yêu cầu doanh nghiệp điện nước tuân theo yêu cầu của mình, thì chúng ta đang gửi đi những thông điệp mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong việc tôn trọng bảo hộ hoạt động của doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật theo đó tạo ra thêm sự thiếu đồng bộ.

Luật Xử lý vi phạm hành chính trước đây thì không quy định nhưng giờ cơ quan soạn thảo lại đưa vào, không biết hoàn cảnh thực tế cấp kíp nào khiến đưa đến như vậy. Còn qua thực tế kinh nghiệm hành nghề luật sư thì tôi thấy, khi chính quyền tổ chức việc cưỡng chế thì có người dân nào mà chống đỡ được? Quyền lực chuyên chính của các cấp còn chưa đủ hay sao?

Thực tế khi tiến hành cưỡng chế, nếu có người chống đối thì sẽ bị bắt giữ ngay về tội chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng. Còn trường hợp nào dù đã bị cưỡng chế phá dỡ mà người dân lại tiếp tục xây dựng thì cần làm rõ, họ có được bật đèn xanh tiếp tay của cán bộ cơ sở không.

Nếu không thì trước nguy cơ sẽ bị cưỡng chế lại, gây tổn thất kinh tế, vì sao người dân vẫn chấp nhận như vậy, lúc này cần xem xét lại tính đúng đắn xác đáng của quyết định xử phạt hành chính.

Thực tế là như vậy cho nên cần cân nhắc kỹ việc bổ sung này. Cắt điện nước không chỉ xâm hại quan hệ dân sự thương mại, đi ngược lại những nỗ lực coi trọng hoạt động doanh nghiệp, mà còn làm hư cán bộ, vì đã tạo ra sự dễ dàng tùy tiện cho cấp cơ sở.

Họ nghĩ rằng cứ cắt điện nước là người vi phạm không làm gì được thì đỡ phải vất vả cưỡng chế, họ sẽ được nhàn thân và không chịu trau dồi kiến thức đảm bảo tính xác đáng của việc xử phạt hành chính cũng như khả năng vận động thuyết phục.

Cuối cùng thì cần nhìn ra rộng hơn, nếu tôi là một người giàu có sở hữu nhiều tài sản, hoặc một đại biểu Quốc hội, thì tôi sẽ ủng hộ xu hướng về một nhà nước gọn nhỏ. Bởi như một Tổng thống Mỹ đã nói "một chính quyền đủ lớn để đem đến cho ta mọi điều ta muốn thì đó cũng đủ lớn để lấy đi của ta mọi điều ta có".

Giúp mở rộng quyền cho cơ quan cưỡng chế hành chính trong trường hợp này, ích lợi mang lại không bõ gì với những rủi ro do bởi khuynh hướng nhà nước lớn mang lại cho nền kinh tế.