Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam - về những vấn đề liên quan đến báo chí trong thời đại công nghệ 4.0.
PV: Từng là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, xin ông cho biết những đặc trưng cốt lõi của thời đại công nghệ 4.0?
TS. Lê Doãn Hợp: Một trong những đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0 là toàn cầu hóa. Với 5 nội dung cốt lõi: công dân toàn cầu, nhân lực toàn cầu, thị trường toàn cầu, doanh nghiệp toàn cầu và ngôn ngữ toàn cầu.
Công dân toàn cầu là tìm việc làm, tạo ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm (tức tham gia cung và cầu) trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Nhân lực toàn cầu là lao động trong nước phải tự tin, chủ động vươn ra thích ứng với nhu cầu quốc tế. Ngược lại, khi lao động trong nước chưa đáp ứng được thì nên thuê lao động có chất lượng cao của thế giới thay thế, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa cử cán bộ trong quy hoạch tiếp cận học hỏi, đạt được cả mục tiêu trước mắt lẫn lâu dài. Bài học Vietnam Airlines thuê phi công nước ngoài, Tập đoàn Vingroup thuê chuyên gia công nghệ quốc tế sản xuất ô tô VinFast....đã chứng minh rất rõ điều này.
Thị trường toàn cầu nghĩa là chúng ta ngồi một chỗ nhưng tác nghiệp, ứng dụng, kết nối với cả thế giới để chọn việc làm, tìm kiếm lợi ích cho mình, cho dân tộc mình trên bình diện quốc tế, cơ hội rất lớn, mặt bằng tác nghiệp rộng mở hơn nhiều.
Doanh nghiệp toàn cầu là doanh nghiệp Việt phải vươn thành doanh nghiệp quốc tế thì đất nước mới giàu mạnh. Tập đoàn FPT, Viettel, cà phê Trung Nguyên v.v... là minh chứng.
Ngôn ngữ toàn cầu là hợp tác với nước nào phải có vốn ngoại ngữ, văn hóa, luật pháp của nước đó, trong đó ưu tiên số một là tiếng Anh, thì mới tự chủ, tự tin hợp tác và thành công.
Vậy theo ông, công nghệ 4.0 tác động đến báo chí như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
TS. Lê Doãn Hợp: Công nghệ 4.0, hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang tác động đến tất cả các ngành nghề. Báo chí Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế hội nhập mạnh mẽ đó. Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội, vừa tạo ra thách thức, vừa tạo cơ hội cho những người làm báo Việt Nam.
Công nghệ 4.0 là thời đại loài người tiến bộ nhanh hay chậm phụ thuộc vào ứng dụng (công nghệ thông tin), kết nối (các con số) và lan tỏa đến người tiêu dùng.
Có thể nói, sự nghiệp của những người làm truyền thông Việt Nam là: Tập hợp ánh sáng và văn minh của đất nước và nhân loại, tổng hợp, phân loại và truyền tải đến cho người đọc một cách nhanh nhất. Đây chính là sứ mệnh của báo chí, đưa ánh sáng đến cho mọi người bởi nâng cấp con người phải bằng ánh sáng văn minh của thời đại.
ông Lê Doãn Hợp dự hội thảo "Chính sách ứng phó với tin giả, thông tin không chính xác", tháng 12/2019 |
Theo tôi, làm báo trong thời đại công nghệ 4.0 có rất nhiều lợi thế. Nếu như thế kỷ 20, để làm báo hình thì phải cần đến cả một ekip và một xe ô tô chở thiết bị đi kèm mới làm được, thì trong thế kỷ 21, nhà báo chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể một mình vừa làm báo hình, báo nói, báo viết, báo ảnh, video clip... Tóm lại, trong chiếc smartphone có tất cả những gì ta cần, phải biết khai thác triệt để các tính năng trên điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ” để phục vụ cho nghề nghiệp.
Lợi thế thứ hai đó là trong khi tác nghiệp, thiếu tư liệu gì chúng ta nhờ “cụ” Google sẽ có khá đầy đủ, có giá trị tham khảo cao và rất nhanh.
Lợi thế thứ ba là mạng xã hội quá phong phú, kiến thức đa chiều, nhà báo nếu biết đọc, lọc và học sẽ viết được nhiều bài báo sâu và hay, nâng tầm phóng viên và tăng uy tín của tờ báo.
Thời đại bây giờ nên đọc báo in để biết Đảng, nhưng phải chịu khó đọc báo mạng để hiểu dân. Một người muốn thành công, có tư duy đúng, nhận thức và hành động đúng phải là người đọc cả hai.
Báo điện tử hiện có hơn 60 triệu người đọc, trong khi báo in có 4 triệu người, chủ yếu là thế hệ người cao tuổi. Báo chí phải lo món ăn tinh thần cho cả hai thế hệ.
Báo chí chúng ta đang đề cập thông tin liên quan đến lãnh đạo các cấp như: lễ tân, lễ nghi, hội nghị, hội họp lễ hội, khởi công, khánh thành...hơi nhiều. Thông tin của dân còn mỏng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, dân tộc, tôn giáo chúng ta phải cân đối tốt hơn tỷ lệ này. Làm sao để đến chương trình thời sự, tất cả cán bộ các cấp nên ngồi xem tivi để biết dân nói gì, mong gì, góp ý gì cho Đảng và Nhà nước cả 4 cấp để thực thi tốt nhất trách nhiệm của mình, chứ không phải xem lại hình ảnh của mình đã xuất hiện trong ngày.
Báo chí trong thời đại công nghệ 4.0 là một bước tiến của thời đại, người làm báo và cơ quan báo chí làm thế nào để thích ứng với sự thay đổi này để bắt kịp với thời cuộc?
TS. Lê Doãn Hợp: Để thích ứng, theo tôi một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và báo nói.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quy trình tác nghiệp của nhà báo như thu thập và phân tích dữ liệu, viết và xuất bản tin tức trong thời đại công nghệ số. Các cơ quan báo chí lớn, đa phương tiện, đa nền tảng sẽ có nhiều lợi thế hơn các cơ quan báo chí nhỏ bởi có tiềm lực để xây dựng các kênh truyền thông vươn ra với khán giả trong nước và quốc tế.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, là nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, ông có lời nhắn nhủ gì dành cho các nhà báo?
TS. Lê Doãn Hợp: Nghề báo là nghề rất hay nhờ lợi thế công việc vừa tôn vinh mình vừa cải tạo mình. Cải tạo để tôn vinh và tôn vinh để cải tạo.
Làm báo vừa có danh, vừa có thế, vừa có lực. Nhà báo giỏi là người được độc giả đọc tên trước rồi mới đọc nội dung sau. Do đó, người làm báo phải là người am hiểu sâu rộng và có văn hóa để xuất hiện ở đâu cũng trở thành nhân vật trung tâm, phải phấn đấu, mỗi nhà báo là một thương hiệu tin cậy của bạn đọc. Giá trị chân chính của nhà báo phải được cân đo trong lòng độc giả chứ không phải giá trị tự xưng.
Cuối cùng, tôi mong các tòa soạn báo nói chung và các nhà báo nói riêng nên giành thế chủ động trước truyền thông xã hội, từng bước thực hiện vai trò định hướng, phản biện kịp thời, trung thực, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, làm tốt vai trò dẫn dắt trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Báo chí phải làm tốt chức năng là cầu nối gắn kết trách nhiệm của Đảng với mong muốn của dân ngày một tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!