|
TS.LS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp.
|
Với quan điểm trên, TS.LS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp – thẳng thắn trao đổi với VietTimes rằng: "Chỉ một vài trường hợp vi phạm rất rõ ràng lỗi ra đường không vì mục đích thiết yếu thì mới cần phải xử phạt. Và như vậy, chúng ta mới tránh được tình trạng luật bị bị lợi dụng, lạm dụng".
Nguy cơ luật bị bị lợi dụng, lạm dụng
Những ngày gần đây, Hà Nội thực hiện xử phạt người ra đường không có lý do thiết yếu nhằm thực hiện cách ly xã hội. Dưới góc nhìn của một luật sư, xin ông cho biết căn cứ pháp lý nào để thực hiện việc xử phạt này?
-Việc xử phạt này là đúng theo quy định của pháp luật, căn cứ theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, điều 11 nêu: "Cảnh cáo phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Như vậy, mức phạt đối với hành vi ra đường mà không có lý do thiết yếu không vượt quá 300.000 đồng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu cứ xử phạt mà không có căn cứ cụ thể thì dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, làm cho việc chấp hành pháp luật không nghiêm và có thể dẫn đến tình trạng luật bị bị lợi dụng, lạm dụng.
|
Công an phường Trúc Bạch - Hà Nội đã thực hiện xử phạt người ra đường không vì lý do chính đáng với mức phạt 200.000 đồng/lượt từ ngày 5/4. Ảnh: CA TP Hà Nội
|
Xin luật sư nói rõ hơn khái niệm “tình trạng tùy tiện” mà ông vừa nêu được không?
- Bình thường, người dân ra đường với mục đích mua sắm các mặt hàng thuộc diện nhu cầu thiết yếu thì là phù hợp với pháp luật và không thể xử phạt được.
Tuy nhiên, thực tế, lý do để người dân phải ra đường hết sức đa dạng. Cũng có những người đi ra đường với lý do mà bản thân họ cho là cần thiết, bức thiết. Họ không cố ý không chấp hành các quy định về cách ly. Đối với trường hợp này, người thừa hành pháp luật phải chứng minh được lỗi cố ý của họ thì mới được tiến hành xử phạt.
Liệu có trường hợp bị phạt oan?
Như vậy, có thể có những trường hợp bị phạt oan nếu cơ quan chức năng cứ áp dụng một cách cứng nhắc Nghị định 176/2013?
- Theo quan điểm của tôi, muốn tiến hành xử phạt thì phải chứng minh được lỗi cố ý của người vi phạm. Chẳng hạn, họ tình cờ đi đến địa điểm nào đó, hoặc họ đi để thực hiện một công việc đối với họ là hết sức cấp thiết đối với nhu cầu cá nhân, hoặc việc ấy là cần thiết đối với gia đình của họ,… Những trường hợp như vậy thì không nên xử phạt.
Hà Nội là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức phạt người ra đường không vì mục đích thiết yếu. Theo ông, việc này có nên mở rộng ra các tỉnh thành, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang rất nóng hiện nay?
- Tôi cho rằng việc phạt này chỉ nên mang tính răn đe, cảnh báo. Nếu cứ xử phạt mang tính tràn lan dễ làm cho pháp luật bị nhờn và vô hình chung là không có ý nghĩa.
Chúng ta chỉ nên xử phạt một vài trường hợp vi phạm rất rõ ràng để mang tính răn đe. Việc phạt này phải khiến cho người bị phạt và người dân nói chung tâm phục khẩu phục.
|
Người thực hiện cách ly y tế tập trung được hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước.
|
Địa phương có nên chủ động thực hiện cách ly y tế tập trung với người về từ vùng dịch?
- Cũng trong mấy ngày gần đây, một số địa phương đã ra quyết định cách ly y tế tập trung đối với những người từ vùng dịch về địa phương đó. Luật sư có bình luận gì về việc này?
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, đã bao quát đầy đủ các nội dung liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tạo cơ sở pháp lý quan trong cho cuộc đấu tranh phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay. Theo đó, việc thực hiện các hình thức cách ly là do điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc áp dụng luật, Chỉ thị của Thủ tướng, các địa phương phải thực hiện thống nhất, chứ không thể "quân hồi vô phèng" được.
Tất cả những việc này cuối cùng vẫn phải phù hợp với các biện pháp đã được Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định và các nghị định đã triển khai. Các địa phương nên cân nhắc khi triển khai các biện pháp riêng.
Tránh tình trạng “tự nguyện” vào khu cách ly y tế tập trung
Quyết định cách ly y tế tập trung đối với những người từ vùng dịch về địa phương nêu rõ: “Người cách ly nếu không thuộc diện quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly”. Việc này là đúng theo quy định của pháp luật không, thưa ông?
- Việc đó là trái pháp luật, vì những người thực hiện cách ly y tế được hưởng kinh phí của ngân sách nhà nước. Cơ quan, tổ chức cơ sở y tế có thẩm quyền lập dự trù để cho các cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp khoản kinh phí để chi phí cho việc cách ly tập trung.
Nếu người bị cách ly có nhu cầu cao hơn thì họ có thể bù phần chi phí thêm; còn nếu không, họ được hưởng chế độ bình quân thì như ở tất cả các cơ sở cách ly y tế tập trung.
|
Hình ảnh gần như chưa từng có tại Hà Nội: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục không một bóng người. Ảnh chụp ngày 5/4.
|
Nhiều ý kiến cho rằng nếu địa phương cứ sử dụng ngân sách để chi phí toàn phần cho việc cách ly tập trung thì dễ dẫn đến tình trạng một số đối tượng “tự nguyện” bị cách ly vì cuộc sống kinh tế bên ngoài đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thưa ông?
- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, có thể xuất hiện tình trạng một người muốn lợi dụng nguồn ngân sách nhà nước để vào các trung tâm cách ly y tế tập trung để sống qua ngày. Để xử lý việc này cũng như ngăn ngừa hiệu quả tình trạng lây lan dịch bệnh, tôi cho rằng cần phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, của các cơ sở y tế. Chỉ khi đó, các địa phương mới có thể phân loại được chính xác người cần cách ly y tế tập trung (hưởng chế độ theo ngân sách nhà nước) và người không được hưởng chế độ này. Có như vậy, việc thực hiên việc phòng, chống dịch mới có hiệu quả cao.
Xin cảm ơn luật sư!