Theo đó, hiện còn hơn 17.000 tỉ đồng vốn nhà nước vẫn chưa thoái khỏi lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng...
Ông Hiền cho hay theo kế hoạch, trong 2 năm 2014 và 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái trên 25.000 tỉ đồng ra khỏi 5 lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư.
Đây là những lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro, không phải là ngành kinh doanh chính của nhiều tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước.
Tuy nhiên, tính từ năm 2014 và 8 tháng đầu năm nay, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái được hơn 8.000 tỉ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2015 cần phải thoái tiếp hơn 17.000 tỉ đồng trong 5 lĩnh vực này.
Cũng theo ông Hiền, nguyên nhân việc thoái vốn chậm là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước trong đó có thị trường tài chính, thị trường chứng khoán.
Do đó, sức mua thấp trong khi số lượng cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải cổ phần hóa và thoái vốn nhiều dẫn đến cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Đặc biệt không ít lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn.
Theo Tuổi trẻ