Các đại gia viễn thông cấp tập thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Ba "đại gia" viễn thông là MobiFone, Viettel, VNPT đều tuyên bố đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
MobiFone sẽ thoái vốn khỏi TPBank theo chỉ đạo của Chính phủ
MobiFone sẽ thoái vốn khỏi TPBank theo chỉ đạo của Chính phủ

Đại diện Viettel cho PV hay, tập đoàn này đang thực hiện đúng lộ trình thoái vốn mà Thủ tướng yêu cầu. “Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/05/2013, đến hết năm 2015 Viettel phải thoái vốn tại 5 đơn vị, đến nay Viettel đã hoàn thành thoái vốn 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Công nghệ Viettel và Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại Vinaconex. Các khoản thoái vốn khác hiện nay Viettel vẫn đang triển khai các bước theo đúng lộ trình và dự kiến đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch” đại diện Viettel nói.

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Viettel thoái toàn bộ vốn của công ty mẹ tại 5 công ty cổ phần. Như vậy, Viettel sẽ phải tiếp tục thoái vốn tại 3 công ty cổ phần nữa là EVN Quốc tế; Công nghiệp cao su Coecco và Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel.

Không chỉ có Viettel, VNPT và MobiFone cũng tuyên bố thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, Tổng công ty MobiFone đã thực hiện thoái vốn xong tại hai công ty SmartMedia và Neo. Hiện tại MobiFone đang làm thủ tục thoái vốn tại hai ngân hàng TPbank và Seabank.

Theo đó, MobiFone đã nộp hồ sơ sang công ty chứng khoán để bán đấu giá cổ phần TPbank, đồng thời tiến hành các thủ tục thoái vốn tại ngân hàng Seabank theo quy định. Để cổ phần hóa, MobiFone đã ký hợp đồng với đối tác để tư vấn định giá và tư vấn chuẩn bị cho việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Cùng với MobiFone, VNPT cũng đang có những động tác thoái vốn mạnh mẽ đối với lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VNPT đã thực hiện thoái vốn tại 63 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực là bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng.

“Việc triển khai thực hiện thoái vốn của VNPT tại các công ty cổ phần đã thực hiện đúng theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt và theo chỉ đạo của Bộ TT&TT. Ngoài việc thực hiện thủ tục thoái vốn của VNPT tại 62 công ty cổ phần, hiện tại VNPT đang phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp để làm thủ tục thoái vốn của VNPT tại hai đơn vị lớn là Ngân hàng TMCP Hàng hải và Công ty Tài chính Bưu điện” ông Phạm Đức Long nói.

 Ông Phạm Đức Long cho biết, VNPT đã thực hiện thoái vốn và thu hồi được 701 tỷ đồng/2.213,8 tỷ đồng đối với mảng đầu tư ngoài ngành, cơ bản đạt tiến độ đề ra. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, việc thoái vốn ở công ty cổ phần không phải là tháo chạy. Mục tiêu của VNPT là làm sao giúp công ty đó phát triển. Nếu nhiều công ty cổ phần cùng làm một lĩnh vực thì phải sắp xếp lại, còn công ty nào có khả năng làm ăn được thì vẫn hỗ trợ phát triển, như vậy khi thoái vốn VNPT mới có lợi.

Quá trình thoái vốn tại các công ty cổ phần của VNPT cũng đang gặp khó khăn. VNPT vừa ra thông báo hủy phiên đấu giá lần 2 cổ phần của VNPT tại Công ty cổ phần Cadico do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thông báo ngày 19/5/2015. Lý do, đến hết thời hạn nhà đầu tư được đăng ký tham gia đấu giá và đặt cọc vào 8/6/2015, vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá cổ phần của VNPT.

Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc phạm vi phụ trách.

Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các DNNN vừa tái cơ cấu, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả và nâng cao hiệu quả gắn liền với tái cơ cấu. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để xử lý, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo ICTNews