Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, Tổng công ty MobiFone đã thực hiện thoái vốn xong tại hai công ty SmartMedia và Neo. Hiện tại MobiFone đang làm thủ tục thoái vốn tại hai ngân hàng TPbank và Seabank.
Theo đó, MobiFone đã nộp hồ sơ sang công ty chứng khoán để bán đấu giá cổ phần TPbank, đồng thời tiến hành các thủ tục thoái vốn tại ngân hàng Seabank theo quy định. Để cổ phần hóa, MobiFone đã ký hợp đồng với đối tác để tư vấn định giá và tư vấn chuẩn bị cho việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) cho biết thêm, sau khi MobiFone ký hợp đồng tư vấn, theo tiến độ trong vòng 60 ngày tư vấn sẽ đưa ra phê duyệt giá trị tài sản, trong quý 4/2015 sẽ định giá xong tài sản của MobiFone để triển khai bán cổ phần lần đầu ra công chúng, đúng theo lộ trình đề ra.
Mới đây, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về vấn đề cổ phần hóa MobiFone. Ông Nirukt Sapru chia sẻ: "Nhiều khách hàng quốc tế đã hỏi chúng tôi về cơ hội đầu tư khi MobiFone cổ phần hóa. Vì vậy, chúng tôi quan tâm tìm hiểu thông tin về vấn đề này để hỗ trợ khách hàng muốn tìm hiểu đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại vì khi cổ phần hóa MobiFone thì nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Chúng tôi tin rằng để thu lợi tốt nhất cho quá trình cổ phần hóa MobiFone, Chính phủ phải có tuyên bố rõ ràng về chính sách và đưa ra trước thời điểm tư nhân hóa doanh nghiệp này".
Trước đó, Ngân hàng Standard Chartered đã đưa ra phân tích, thị trường di động Việt Nam có 4 yếu tố cơ bản để hấp dẫn nhà đầu tư. Thứ nhất, thị trường di động Việt Nam có cơ cấu thuận lợi khi có tới 93% thị phần thuộc về 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Thứ hai, tỷ lệ xâm nhập của dịch vụ di động mới là 78%, như vậy vẫn còn hơn 20% dân số chưa sử dụng dịch vụ di động. Thứ ba, doanh thu dịch vụ dữ liệu của Việt Nam vẫn ở tỷ lệ thấp và dự kiến doanh thu từ dịch vụ này tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Việt Nam đang có số lượng thuê bao sử dụng 3G mới đạt 29% nên vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Thứ tư, thị trường Việt Nam có tiềm năng bắt kịp với các nước trong khu vực, đặc biệt là về độ sử dụng dữ liệu và doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao.
Nhưng Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra 2 điểm đáng chú ý của thị trường di động Việt Nam là sự suy giảm doanh thu về thoại gần đây và phát triển công nghệ không dây chậm hơn với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá của Ngân hàng Standard Chartered, MobiFone là mạng di động lớn thứ 2 ở Việt Nam và thị trường vẫn rất tiềm năng, thế nhưng nếu nhìn cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp này thì đang “đi ngang”. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ đem lại nguồn gió mới cho doanh nghiệp. Các nhà đầu tư chiến lược có thể chia sẻ kinh nghiệm, những chiến lược mới cho MobiFone để phát triển.
Đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, MobiFone chỉ cần có 1 nhà đầu tư chiến lược sẽ khả thi nhất. Khi Chính phủ Việt Nam muốn bán MobiFone ở mức giá nào sẽ phải tham chiếu đưa về giá tương đồng với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Theo ICTNews