|
Phó giáo sư Jerry Watkins là một trong những nhà nghiên cứu và biên tập cho cuốn sách Sáng kiến chăm sóc sức khỏe di động ở châu Á. |
Một cuốn sách vừa ra mắt đã mô tả ích lợi tiềm tàng của chăm sóc sức khỏe di động ở châu Á cũng như thách thức khi triển khai sáng kiến này tại các quốc gia như Việt Nam.
Cuốn sách mHealth Innovation in Asia (tạm dịch: Sáng kiến chăm sóc sức khỏe di động ở châu Á) nghiên cứu nhiều tình huống cụ thể về chăm sóc sức khỏe di động, hay còn gọi là mHealth, trên toàn châu lục. Phó giáo sư Jerry Watkins, Trưởng Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số của Đại học RMIT Việt Nam, là một trong những nhà nghiên cứu cũng như biên tập cuốn sách.
mHealth đặc biệt liên quan đến ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay vì chủ đề chính của năm 2018 là bao phủ y tế toàn cầu.
Phó giáo sư chia sẻ: “mHealth, dùng thiết bị di động để giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế, được xem là một cách để đạt được mục tiêu sức khỏe toàn cầu. Điều thú vị về điện thoại thông minh và khu vực Đông Nam Á là ngay cả ở cộng đồng có thu nhập rất thấp, một số trường hợp không có thu nhập, chúng tôi vẫn kỳ vọng người dân có thể truy cập vào ít nhất một điện thoại thông minh và thường là họ có thể làm điều đó”.
Việt Nam không phải ngoại lệ với tỉ lệ dùng điện thoại cao cùng với sự thâm nhập sâu rộng của internet đến từng địa phương. Những yếu tố này cùng với tỉ lệ biết đọc biết viết cạnh tranh, điều đó có nghĩa trên lý thuyết Việt Nam là một ứng viên mạnh trong phát triển chăm sóc sức khỏe di động.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức khi triển khai phần cứng và ứng dụng mHealth.
Phó giáo giải thích: “Điều chúng tôi muốn đặt ra trong cuốn sách này là có đủ loại rào cản về mặt kinh tế và xã hội khác nhau khi triển khai chăm sóc sức khỏe di động trong thực tế. Bên cạnh đó, thực tiễn liên quan đến hành vi chăm sóc sức khỏe của từng cá nhân, đặc biệt rất quan trọng ở một đất nước như Việt Nam, cũng gây ảnh hưởng đến tiến trình này. Chỉ vì chúng ta có thể tiếp cận với điện thoại thông minh, ứng dụng, trang web với thông tin sức khỏe đáng tin cậy và thông tin hướng dẫn tốt hơn từ các tổ chức và cơ quan ban ngành thuộc chính phủ, không có nghĩa là người dân sẽ sử dụng chăm sóc sức khỏe di động”.
Cuối cùng, Phó giáo sư Jerry tin rằng Việt Nam có tiềm năng chăm sóc sức khỏe di động và bao phủ toàn cầu rất lớn, nhưng những người làm trong lĩnh vực y tế sẽ cần phải học hỏi từ các quốc gia khác trong khu vực, những nơi đã đưa sáng kiến chăm sóc sức khỏe di động vào thực tế.
“Bạn có thể tranh luận rằng nếu không tính đến vấn đề tài chính thì cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam cũng như sự tương tác giữa các vùng miền có thể hỗ trợ đẩy mạnh hơn nữa bao phủ y tế toàn cầu với ứng dụng chăm sóc sức khỏe di động. Vậy chăm sóc sức khỏe di động có khả thi không? Vâng, ở chừng mực nào đó”, Phó giáo sư cho biết thêm.