Chuyên gia RMIT nêu 4 vướng mắc khi ứng dụng công nghệ y tế ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Công nghệ y tế (healthtech) không nhất thiết thay thế y bác sĩ, nhưng sẽ là trợ thủ đắc lực để nâng cao chất lượng sức khoẻ cho người dân. Mặc dù vậy, việc ứng dụng, phát triển công nghệ y tế còn gặp nhiều vướng mắc.

TS. Đặng Phạm Thiên Duy cho rằng, công nghệ y tế đang trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam.
TS. Đặng Phạm Thiên Duy cho rằng, công nghệ y tế đang trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam.

TS. Đặng Phạm Thiên Duy - giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm cấp cao chương trình Tiến sĩ, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam - chỉ ra healthtech đem đến các công nghệ hỗ trợ y, bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị. Chẳng hạn, họ có thể dùng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán bệnh từ phim chụp X-quang, hay dùng robot phẫu thuật để thực hiện các kỹ thuật yêu cầu độ chính xác cao.

Cùng với đó, công nghệ này giúp nâng cao chất lượng sức khỏe con người. Ví dụ như các app, chatbot tư vấn tâm lý chống trầm cảm, robot hỗ trợ người già, các thiết bị thông minh và máy đo theo dõi sức khỏe.

Ngoài ra, vận hành cơ sở khám, chữa bệnh cũng phức tạp và tốn kém như một doanh nghiệp lớn. Về khía cạnh này, healthtech cung cấp hệ thống thông tin và phần mềm giúp đơn giản hóa và tối ưu hóa các quy trình, qua đó, giảm tải công việc, cải thiện hiệu quả quản lý vật tư và nguyên liệu, tăng khả năng liên lạc, trao đổi và lưu trữ thông tin.

Theo TS. Đặng Phạm Thiên Duy, 4 khó khăn để triển khai healthtech trong thời điểm hiện nay có liên quan đến hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, nhân lực và khách hàng (bệnh nhân).

Đầu tiên, các nhà phát triển ứng dụng healthtech cần tuân thủ các hướng dẫn và khung pháp lý chặt chẽ, đặc biệt liên quan đến lưu trữ và chuyển giao dữ liệu quan trọng của bệnh nhân, cũng như các vấn đề về đạo đức. Ví dụ, nếu một chẩn đoán sai được đưa ra dựa vào trí tuệ nhân tạo thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các khung pháp lý liên quan đến việc thử nghiệm công nghệ hay thương mại hóa các sáng kiến này cũng cần thiết.

Thứ hai, healthtech không hoạt động được nếu không có hạ tầng để hỗ trợ. Ngoài yếu tố con người, phải có cơ sở dữ liệu đủ lớn và đủ bảo mật để lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử. Tốc độ xử lý thông tin cũng phải nhanh, đặc biệt khi sử dụng công nghệ thông minh như AI hoặc robot phẫu thuật. Các chuẩn lưu trữ và cách trao đổi dữ liệu bệnh án điện tử cũng cần được thiết lập.

Thứ ba, liên quan tới nhân lực, healthtech cần các chuyên gia máy tính và kỹ sư lập trình không chỉ giỏi thiết kế các kiến trúc công nghệ phức tạp và viết code, mà còn am hiểu về lĩnh vực và nghiệp vụ y tế. Tương tự, y bác sĩ cũng phải bước ra khỏi vùng an toàn, làm quen với cộng sự máy thông minh của mình. Họ cần thành thạo trong việc nhập liệu và truy xuất dữ liệu, có ý thức về bảo mật thông tin bệnh nhân, hiểu và áp dụng phù hợp các khuyến nghị của trí tuệ nhân tạo,…

Hình tư liệu 3 (nguồn Unsplash) (1).jpg
Về lâu dài, chúng ta cần phải hiểu rằng healthtech không nhất thiết sẽ thay thế y bác sĩ nhưng sẽ là trợ thủ đắc lực để nâng cao chất lượng sức khoẻ của người dân.

Cuối cùng là khách hàng - bệnh nhân. Sẽ thật không hiệu quả nếu bệnh viện cung cấp các dịch vụ trực tuyến thông minh nhưng người dân vùng sâu vùng xa lại không có công cụ (như điện thoại thông minh, mạng 4G/5G) để tiếp cận các dịch vụ đó. Bên cạnh đó là vấn đề về nhận thức và thói quen sử dụng dịch vụ y tế. Không phải khách hàng ở lứa tuổi nào cũng sử dụng công nghệ thành thạo. Niềm tin vào công nghệ khám chữa bệnh cũng là một vấn đề lớn.

"Hãy thử đặt mình vào vị trí người bệnh, liệu bạn có đồng ý được bác sĩ AI chẩn đoán và kê toa, hay được bác sĩ robot làm phẫu thuật không" - TS. Đặng Phạm Thiên Duy đặt vấn đề.

Không còn là lựa chọn, healthtech là yêu cầu bắt buộc

Theo phân tích của TS. Đặng Phạm Thiên Duy, trong đại dịch COVID-19, khi chuyện đi lại và tiếp xúc gần khó khăn hơn, các nhà thuốc trực tuyến phải hoạt động hết công suất. Các bác sĩ đã phải dùng Zalo để tư vấn bệnh từ xa. Trong hoàn cảnh đó thì chuyển đổi số y tế, ứng dụng healthtech không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.

"Về lâu dài, chúng ta cần phải hiểu rằng healthtech không nhất thiết sẽ thay thế y bác sĩ, nhưng sẽ là trợ thủ đắc lực để nâng cao chất lượng sức khoẻ của chúng ta, đặc biệt là đem dịch vụ y tế đến với những đối tượng và địa điểm ngoài các đô thị lớn, giải quyết bài toán quá tải tại các cơ sở y tế ở Việt Nam" - chuyên gia RMIT nêu quan điểm.

Việt Nam là đất nước có dân số đông, với tỉ lệ người lớn tuổi được dự đoán sẽ chiếm tới 16,53% trước năm 2030. Các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến lối sống như béo phì, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, bệnh tâm lý, dần trở thành các xu hướng khó tránh khỏi. Ngoài ra, thế hệ Z thông thạo công nghệ, quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về sức khoẻ cá nhân, cũng dần chiếm lĩnh thị trường.

Ở khu vực Đông Nam Á, ước tính chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến năm 2025 có thể đạt 740 tỉ USD. Năm 2019, lĩnh vực healthtech ở khu vực đã nhận được vốn đầu tư với tổng trị giá 266 triệu USD.

"Đó là bối cảnh sẽ giúp healthtech trở thành xu hướng tại Việt Nam" - TS. Thiên Duy nói và kỳ vọng rằng trong thời gian tới tại Việt Nam, khung pháp lý và hạ tầng công nghệ về cơ bản sẽ sẵn sàng, thế hệ y bác sĩ giỏi công nghệ sẽ hình thành, các công ty healthtech tư nhân phối hợp hiệu quả với khu vực công, và thế hệ Z sẽ thực sự quan tâm sử dụng dịch vụ healthtech để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình mình./.