Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại hội thảo “Tăng cường công tác quản lý khoa học và công nghệ ngành Y tế” do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/12. Hội thảo còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học ngành Y tế vv...
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành Y tế đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ nhân dân và tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, ngành y tế Việt Nam đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học điều chế một số sinh phẩm y học để phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nổi bật nhất là các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vaccine, đưa Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất vaccine trên thế giới.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị, ngành y tế đã có nhiều công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ và nhiều giải thưởng khác trong các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, huyết học và truyền máu, ung bướu, hô hấp, hồi sức cấp cứu… của các nhà khoa học ở Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K và nhiều đơn vị khác.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thuốc, Việt Nam đã tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng; nghiên cứu, khai thác nguồn dược liệu trong nước, bài thuốc cổ truyền tạo sản phẩm tốt có giá thành thấp; bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm làm thuốc.
Quang cảnh hội thảo (ảnh https://moh.gov.vn/) |
Trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, ngành y tế đã nghiên cứu làm chủ một số công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X-quang, laser, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa. Việc chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19 đã khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu sản xuất một số trang thiết bị y tế công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các lĩnh vực dược, dược liệu, vaccine sinh phẩm y tế, an toàn thực phẩm và môi trường y tế.
"Các nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách y tế đã cung cấp số liệu, bằng chứng khoa học phục vụ đánh giá kết quả, hiệu quả các chủ trương, chính sách y tế đã thực hiện; làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; góp phần quan trọng vào xây dựng và ban hành, đánh giá các chính sách về dự phòng bệnh dịch, giảm tải bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh tế y tế, bảo hiểm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình..."- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để đạt được kết quả trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo và điều hành hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở bám sát, thực hiện các chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ. Các nhiệm vụ được triển khai có giá trị khoa học, hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội, trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tiễn phát triển ngành y tế.
Tiếp tục phát triển công tác quản lý khoa học và công nghệ ngành y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, cần đánh giá thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ ngành y tế giai đoạn 2010 đến nay; xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý khoa học và công nghệ ngành y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần hoàn thiện các văn bản quản lý khoa học và công nghệ áp dụng trong ngành y tế, nhất là hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế và đề án ứng dụng CNTT trong Trường quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực y tế.