Bà cũng dự báo những nước hành động quả quyết từ sớm và kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh như Việt Nam sẽ có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại với tư cách người chiến thắng về mặt kinh tế.
Đồng tình với nhận xét này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh “cách các nước ứng xử với cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ quyết định cách họ phục hồi như thế nào trong trung hạn”.
Nếu như đại dịch Covid-19 kéo dài cho đến khi thế giới tìm ra vắc xin, được dự đoán trong vòng 12-15 tháng tới, thì “những nước ra khỏi đại dịch này sớm hơn và ít thiệt hại hơn sẽ có khởi đầu rất thuận lợi để bảo vệ các doanh nghiệp, hộ gia đình và khôi phục các hoạt động kinh tế một cách bình thường”.
Giáo sư Karen Dynan (ngoài cùng bên phải) trong chuyến thăm Việt Nam (Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam)
|
Hai chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ Đại học Harvard và Đại học Fulbright Việt Nam đã có cuộc thảo luận thú vị về viễn cảnh kinh tế toàn cầu và đưa ra những khuyến nghị chính sách để ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.
Chúng ta sẽ thoát khỏi hố sâu này như thế nào?
Theo Giáo sư Karen Dynan, khi nhìn nhận về kinh tế toàn cầu hiện nay, ai cũng có thể dễ dàng trả lời cho câu hỏi “cái hố mà thế giới đang rơi vào sâu đến mức nào”. Bởi không có gì ngạc nhiên khi các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí phong tỏa mặc dù hiệu quả trong việc ngăn chặn đà lan rộng của Covid-19, đang gây ra những hậu quả nặng nề về mặt kinh tế.
Các số liệu kinh tế Quý 1 minh chứng rõ ràng cho xu hướng này. GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 1 đã sụt giảm 4%, mức giảm chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Chỉ số tiêu dùng vào nhiều dịch vụ và mua sắm hàng hóa sụt giảm ở mức kỉ lục.
Sau 11 năm kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nay Mỹ phải chứng kiến số lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp lên tới 38,6 triệu người chỉ sau vài tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.
Tuy nhiên, câu hỏi khó hơn mà nhiều người quan tâm hiện nay là thế giới sẽ mất bao lâu để thoát ra khỏi cái hố sâu này và trong trạng thái như thế nào.
Nói cách khác, nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình thái nào, hình chữ V (nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường), hay hình chữ U (suy thoái dài hơn), hoặc hình chữ L (suy thoái kéo dài và không quay trở về được trạng thái bình thường)?
Hai chuyên gia kinh tế thừa nhận, có quá nhiều yếu tố không chắc chắn để có thể đưa ra dự báo chính xác về khả năng và trạng thái phục hồi của kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 bởi điều này phụ thuộc vào việc các nước có thể ứng phó hiệu quả đến đâu trên cả hai mặt trận: kiểm soát dịch bệnh và khắc phục các hậu quả kinh tế.
Bởi vậy, bên cạnh khả năng kiểm soát dịch bệnh thì theo Giáo sư Karen Dynan, mức độ thiệt hại mang tính cơ cấu mà một quốc gia phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ quyết định hình thái phục hồi sau khủng hoảng. Khi một nền kinh tế đóng cửa, nó sẽ phải hứng chịu cái gọi là “thiệt hại mang tính cơ cấu”, theo đó, các thực thể, các hoạt động và thể chế kinh tế bị đổ vỡ, đứt gãy.
Những ví dụ dễ nhận thấy nhất như: các nhà hàng phải đóng cửa vì không còn khả năng trả tiền thuê mặt bằng, và sau đó không thể quay lại hoạt động kinh doanh được nữa. Ví dụ khác là một hộ gia đình bị phá sản, dẫn tới mất nhà, và phải dịch chuyển đến nơi khác để sinh sống.
Tất cả những hiện tượng này đều gây ra những thiệt hại mang tính cơ cấu đối với nền kinh tế.
"Việc quan trọng nhất phải làm, bên cạnh việc ngăn chặn dịch lây lan là các chính phủ cần tập trung vào việc phòng ngừa những thiệt hại kinh tế mang tính cơ cấu này”. Chẳng hạn như, các chính phủ có thể hỗ trợ cho các công ty để họ tiếp tục trả lương cho nhân viên và giúp các gia đình chi trả các hóa đơn thiết yếu, chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Harvard giải thích.
Mặc dù bức tranh kinh tế toàn cầu thời gian qua ảm đạm, Giáo sư Karen Dynan vẫn cho rằng có nhiều tín hiệu cho phép chúng ta hi vọng và lạc quan hơn vào viễn cảnh tương lai. Trước hết, không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 có khởi nguồn từ những khiếm khuyết mang tính cơ cấu của nền kinh tế, kinh tế toàn cầu đầu năm 2020 khá lành mạnh.
Do đó, nếu chúng ta kiểm soát được virus SARS-CoV2 thì nền kinh tế có thể nhanh chóng khôi phục trạng thái bình thường.
Hơn nữa, các dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa để can thiệp của nhiều nước vẫn còn tương đối thông thoáng, nhờ vậy cho phép các chính phủ có nhiều không gian để xoay sở tốt hơn so với cuộc khủng hoảng mười một năm trước.
Giáo sư Karen Dynan nhận xét cho đến thời điểm này, các ngân hàng trung ương đã điều hành chính sách tiền tệ khá hiệu quả. Ở nhiều nước như Hoa Kỳ chẳng hạn, các ngân hàng trung ương đã hành động quyết đoán với tư cách người cho vay sau cùng khi không còn phương sách nào khác.
Nhờ vậy, các công ty đang chật vật đương đầu với khủng hoảng có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp kỷ lục. Hành động nhanh chóng này của ngân hàng trung ương đã giúp chặn đứng đà đổ vỡ của các doanh nghiệp, và một cách gián tiếp, giải cứu các cá nhân đang đứng trước bờ vực phá sản.
Chính sách nên giải cứu ai trước? Tập đoàn lớn hay những người chịu tổn thương nhất?
Tương tự như vậy, các chính phủ vẫn còn dư địa khá lớn về chính sách tài khóa để có thể ngăn ngừa khủng hoảng, theo Giáo sư Karen Dynan. Nhưng khác với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 khi các nước tung ra những gói kích cầu truyền thống như giảm thuế, tăng chi tiêu và đầu tư công nhằm kích thích nhu cầu nội địa, chính sách tài khóa lần này được thiết kế nhằm ngăn chặn những thiệt hại mang tính cơ cấu như đã đề cập ở trên.
Chẳng hạn như Chính quyền Mỹ trợ cấp trực tiếp cho những người lao động bị mất việc vì dịch Covid -19 với mức 600 USD/tuần trong khi Chính phủ Pháp chi trả cho các công ty để họ không sa thải nhân viên. Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra gói hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dù mức hỗ trợ còn khiêm tốn so với mặt bằng thu nhập bình thường của họ.
Trong khi một số chuyên gia kinh tế Việt Nam lập luận rằng với nguồn lực hữu hạn, Nhà nước nên tập trung giải cứu các doanh nghiệp lớn, Giáo sư Karen Dynan cho rằng “Chính phủ nên tập trung hỗ trợ những công ty và cá nhân đang đứng bên bờ vực phá sản”.
Bởi lẽ, chính sách này không chỉ nhằm ngăn ngừa những thiệt hại mang tính cơ cấu vốn sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế khi các hoạt động trở lại bình thường mà còn giúp kìm hãm bớt tốc độ bần cùng hóa của nhóm dân số ở tầng đáy của xã hội.
Chia sẻ với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tin rằng dù các chính sách tài khóa và tiền tệ đang tập trung ứng phó với cuộc khủng hoảng trước mắt nhưng cũng không thể bỏ qua những vấn đề cơ cấu vốn có tầm quan trọng sống còn đối với sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Một trong những thách thức mang tính cơ cấu mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt, theo cả hai chuyên gia, là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Điều đáng buồn là đại dịch Covid-19 làm cho hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong các xã hội trở nên trầm trọng.
Dòng người xếp hàng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ (Ảnh: Reuters)
|
Ở Mỹ, ước tính có tới 38,6 triệu người thất nghiệp, phần đông trong số đó là những người làm trong khu vực dịch vụ với đồng lương bèo bọt. Trong khi ở Việt Nam, theo ước tính của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể (nếu tính cả những người liên quan có thể lên tới 20 triệu người) đang chịu những tổn thương nặng nề và gần như không còn năng lực chống chịu với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Bởi vậy, chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này không thuần túy chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là an sinh xã hội, để tránh tạo ra bất ổn xã hội.
“Các quyết định về việc ai nhận tiền hỗ trợ và theo những điều kiện nào có thể sẽ định hình và thậm chí bóp méo nền kinh tế trong nhiều năm tới” – Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.
Theo ông, các chính sách cần được thiết kế để tránh trục lợi, kiểu các tập đoàn lớn có vốn, có dòng tiền thì được hỗ trợ, còn doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình cần cứu trợ thì lại không tiếp cận được.
“Khi dịch bệnh qua đi, các chính phủ cũng sẽ phải quay trở lại tìm lời giải cho bài toán về khoảng cách giàu nghèo này. Bởi nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và những chính sách dân túy di hại lâu dài cho tương lai” - Giáo sư Karen Dynan lưu ý.
Chưa đến lúc lo ngại về nợ công
Chỉ trong vài tuần vừa qua, thế giới chứng kiến mức chi tiêu công của các chính phủ tăng vọt trong nỗ lực ứng phó với khủng hoảng Covid-19. Điều này dấy lên lo ngại về viễn cảnh nợ công mất kiểm soát. Tuy nhiên, Giáo sư Karen Dynan cho rằng “giờ chưa phải là lúc chúng ta cần lo lắng về nợ công vượt ngưỡng, ít nhất là trong hoàn cảnh của Mỹ mặc dù nợ công của Mỹ trong năm nay sẽ vượt 100% GDP, mức cao kỉ lục kể từ thời kì Thế chiến 2”.
Bà lý giải thêm, Chính phủ Mỹ đang có điều kiện vay nợ ở mức lãi suất rất thấp, chưa đến 1%. Mức lãi suất này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng và sẵn lòng cho Mỹ vay nợ.
“Thời điểm để chúng ta cần phải lo ngại về nợ công là khi lãi suất bắt đầu tăng đáng kể”, Giáo sư Karen Dynan lưu ý.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế kì cựu của Bộ Tài chính Mỹ cũng thừa nhận, các nước thu nhập thấp không có được lựa chọn dễ dàng như các nước giàu. Hệ quả là những nước này không chỉ phải đối diện với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng do hệ thống y tế yếu kém mà còn không thể thực thi những biện pháp quyết đoán hơn để ngăn chặn các tổn hại kinh tế lâu dài.
Ngân sách eo hẹp, phải đi vay nợ với mức lãi suất cao, họ đứng trước tình thế lưỡng nan: một mặt phải vay nợ để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, mặt khác, có thể phải đối mặt với khủng hoảng nợ công, thậm chí vỡ nợ trong tương lai.
Do đó, theo Giáo sư Karen Dynan, các nước giàu cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng này. Bà đề xuất nhóm G20 nên có các giải pháp hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khủng hoảng, trong đó có việc giãn nợ, khoanh nợ hay thậm chí xóa nợ cho những nước bị thiệt hại nặng nề nhất.