Thế giới đã trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, thậm chí là chiến tranh tàn phá, thế nhưng mỗi khi cơn bão đi qua, thì nền kinh tế toàn cầu nói chung và một số nước nói riêng lại bứt phá mạnh mẽ và tăng tốc nhanh hơn trước đó.
Vậy tại sao lại có điều này, và vì sao một số nước lại tận dụng thành công các cuộc khủng hoảng để trở nên hùng cường, mạnh mẽ hơn (!?).
Trước tiên là về năng suất lao động. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, sẽ có một cú hích mạnh về năng suất lao động, từng cá nhân sẽ làm việc chăm chỉ hơn, cần mẫn hơn, sau khi đã phải trải qua một cơn hoạn nạn, cũng như thấu hiểu được những khó khăn có thể gặp phải trong tương lai. Việc này sẽ giúp tăng năng suất lao động, điều mà khó có thể làm được trong các điều kiện bình thường.
Ở cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, chúng ta cũng dễ nhận thấy hiện tượng này. Các cá nhân phải làm việc chăm chỉ hơn, cũng như sử dụng nhiều công nghệ hơn, giúp cho năng suất lao động tăng lên rõ rệt so với trước kia.
Tiếp theo là sự tái cấu trúc trong nền kinh tế. Các cuộc khủng hoảng sẽ giúp nền kinh tế rũ bỏ những công ty yếu kém, các mô hình kinh doanh không hiệu quả.
Trong các điều kiện thường, nền kinh tế có thể bị sa đà vào những tham vọng viển vông, dồn tiền vào những mô hình thiếu tính khả thi. Thế nhưng khi khủng hoảng xảy ra, đồng tiền sẽ trở nên thông minh hơn, nó sẽ rút khỏi những mảng kinh doanh không tốt để dồn vào những mảng hiệu quả, khả thi.
Sự tái cấu trúc này đã được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng châu Á 1997. Khi mà nền kinh tế Hàn Quốc bị suy giảm với việc các Chaebol khổng lồ bị lâm vào cảnh phá sản, đã đẩy nước này buộc phải tái cấu trúc nền kinh tế.
Trước đó, các Chaebol đầu tư tràn lan, làm đủ mọi ngành nghề từ sản xuất đồ điện tử cho đến ô tô, tàu ngầm, nhưng sau đó họ đã phải cắt những mảng không hiệu quả, để tập trung cho những mảng mõi nhọn. Chính nhờ điều này mà nền kinh tế Hàn Quốc bứt phá mạnh mẽ, cũng như vươn lên tầm quốc tế sau đó không lâu.
Kế đến là sự tối ưu hóa hoạt động của các công ty. Cụ thể, trong mỗi cuộc khủng hoảng, các công ty sẽ buộc phải tìm ra cách sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình. Với cùng một đơn vị sản lượng tạo ra, sẽ buộc phải sử dụng số nhân sự ít hơn, chi phí thấp hơn.
Hay như trong đại dịch Covid-19 lần này, các công ty cũng đã buộc phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, cũng như tối ưu hóa các khâu trong logistic. Điều này sẽ giúp ích rất lớn trong dài hạn, tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho các công ty sau khi dịch qua đi.
Cuối cùng, đó là sự hình thành một lượng tiền dư ra, cũng như một dòng vốn đầu tư mới.
Lượng tiền này được tạo ra do sự rút vốn ồ ạt từ các nước, các ngành không hiệu quả trong khủng hoảng. Và dĩ nhiên lượng tiền này sẽ quay trở lại thị trường sau khi khủng hoảng qua đi. Và đó sẽ là cơ hội lớn cho những ai sống sót sau cơn bão, khi mà mọi thứ trở nên thoáng đãng hơn, ít cạnh tranh hơn trước kia.
Như cổ nhân đã nói: “Trong nguy có cơ”, luôn tồn tại những cơ hội lớn trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, chứ không phải chỉ có đổ vỡ, suy sụp. Thế nên việc cần làm nhất của Việt Nam lúc này là hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19, cũng như chuẩn bị tốt nhất cho sự hồi phục sau khi dịch qua đi.
Làm được việc này thì cơ hội để Việt Nam trở nên hùng cường sẽ không còn chỉ là những khẩu hiệu suông, những câu chuyện viển vông nữa./.
(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)