Phó ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 (BV ĐH Y Dược TP.HCM)

Chuyên gia cảnh báo rủi ro lớn khi cho trẻ đến trường

VietTimes – “Cần hết sức thận trọng khi cho trẻ đến trường. Nếu không quyết liệt sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn” - Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 (BV Đại học Y Dược TP.HCM) cảnh báo.
Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 (BV Đại học Y Dược TP.HCM) - Ảnh: Hòa Bình

Cần hết sức thận trọng

* Thưa bác sĩ, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tăng mạnh ở nhiều nước trên thế giới như hiện nay, liệu chúng ta có thể yên tâm đưa trẻ đến trường vào đầu tháng 3 tới?

- Việc học sinh tiếp tục đi học vào các thời điểm cụ thể như thế nào do Bộ Giáo dục, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chắc chắn có  nhiều quan điểm khác nhau nhưng cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ.

Dịch bệnh xảy ra khởi nguồn từ một nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài. Chúng ta có thể kiểm soát tốt hàng không, đường thủy, đường sắt, nhưng việc giao thương giữa hai nước sẽ khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trên đường bộ trở nên rất khó khăn.

Thời gian này, các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, cụ thể là Hàn Quốc đang có tỷ lệ nhiễm tăng rất cao. Cho đến chiều 26/2 đã ghi nhận ca tử vong thứ 12 và số người nhiễm tại Hàn Quốc đã tăng lên trên 1.200 người.

Hơn nữa, phải quan tâm đến tính lây nhiễm của dịch bệnh lần này, mặc dù trên số liệu thì tưởng như COVID-19 cũng lây lan như cúm mùa nhưng trên thực tế thì sự lây lan nhiều hơn. Chẳng hạn như bệnh nhân số 31 của Hàn Quốc đã lây cho rất nhiều người khác chứ không phải chỉ theo tỷ lệ 2:2 (tức là lây cho hai người). Phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 là trách nhiệm của quốc gia, và của từng công dân.  

Tại sao dịch bệnh xảy ra ở Hàn Quốc mà chúng ta lại phải lo lắng? Vì các chuyên gia, doanh nhân, người Hàn Quốc, du học sinh và khách du lịch qua lại giữa hai nước là rất lớn. Tất cả đều làm tăng nguy cơ. Nếu chúng ta không quyết liệt trong giải pháp phòng chống, rà soát, cách ly thì sẽ có thể phải đối mặt với rủi ro lớn.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 (BV Đại học Y Dược TP.HCM) đưa cảnh báo cần thận trọng khi trẻ đến trường

Vì sao phải ưu tiên các lớp cuối cấp?

*Thưa bác sĩ, ông đánh giá thế nào về đề xuất mới đây của UBND TP.HCM là đưa học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại vào ngày 2/3; học sinh tiểu học và các lớp còn lại đi học từ ngày 16/3, và chỉ học một buổi, không bán trú; các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp… sẽ tự chủ lịch học theo mốc thời gian từ 2/3?

- Đề nghị ngành Giáo dục hết sức cân nhắc. Nếu cho học sinh, sinh viên đi học lại, tôi ủng hộ phương án mà TP.HCM đã đề xuất. Trong các đối tượng học, đối tượng mầm non nên nghỉ dài nhất.

Bậc tiểu học, khi các bé đi học, cha mẹ cần có tờ khai y tế cam kết các bé không di chuyển qua vùng dịch trong ít nhất là 14 ngày, không có triệu chứng sốt, ho, viêm đường hô hấp. Quan trọng nhất là phải hướng dẫn các con đeo khẩu trang đúng cách.

Với các cấp lớp lớn hơn, chỉ ưu tiên đi học sớm cho các lớp chuyển cấp, liên quan đến thi tuyển sinh nhưng nếu đi học, tôi ủng hộ phương án của TP.HCM là không bán trú, giảm giờ học. Nếu đảm bảo tổ chức tốt cơ sở vật chất, sàng lọc tốt, phát hiện sớm, thì quyết định cho các lớp cuối cấp (lớp 5, 9, 12) đi học sớm vẫn có thể yên tâm.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng phân tích về thứ tự ưu tiên cho các cấp học 


Đối tượng sinh viên mặc dù đã lớn và có ý thức bảo vệ sức khỏe, độ hợp tác cao nhưng có đặc thù là di chuyển đến từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau, đây cũng chính là yếu tố dịch tễ cần quan tâm. Đây cũng là lý do TP.HCM đề nghị lui lịch học của tất cả các cấp học, bao gồm cả sinh viên.

Cho dù chưa ai có thể nói trước rằng tháng 3 hay tháng 4 thì dịch bệnh sẽ giảm bớt nhưng tôi vẫn giữ quan điểm là năm học có thể lùi lại mà không bị ảnh hưởng nhiều. Đối với dịch bệnh, quan trọng nhất là yếu tố phòng, phòng tốt thì vẫn hơn. Đừng để bao giờ phải nói câu: “Giá như ngày trước tôi mà quyết định khác…” Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người”.

Mặt tích cực của giai đoạn dịch bệnh này là nếu chúng ta tạo thành thói quen tốt, ý thức về vệ sinh cho nhà trường, học sinh và gia đình, nói khác đi là cả xã hội thì sau COVID-19 cũng không còn quá lo lắng về các dịch bệnh khác như cảm cúm, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ký sinh trùng… Đây cũng là vấn đề liên quan đến sức khỏe của thế hệ tương lai của đất nước.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng phân tích về thứ tự ưu tiên cho các cấp học trở lại trường

Quan trọng là công tác phòng dịch

*Thưa bác sĩ, thời gian qua BV ĐH Y Dược đã thực hiện sàng lọc bệnh nhân COVID-19 như thế nào?

- ĐH Y Dược TP.HCM là cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của Bộ Y tế. BV tổ chức sàng lọc tất cả người bệnh, người thăm bệnh, người nuôi bệnh. Mục đích quan trọng của BV là phát hiện kịp thời những ca nghi, những ca có thể để cách ly, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Qua một thời gian dài sàng lọc, tại BV ĐH Y Dược TP.HCM phát hiện 11 ca nghi nhiễm, đều đã được theo dõi, điều trị.

Tất cả các trường hợp vừa đến khuôn viên của BV, ngay từ ngoài cổng vào. Còn bệnh nhân đã vào đến tận phòng bệnh thì đều đã qua sàng lọc 100%. Người thăm nuôi cũng đeo khẩu trang, trước khi vào thang máy hoặc lên thang cuốn đều rửa tay, trước khi bước vào phòng bệnh cũng được rửa tay. Rất nhiều phương tiện hướng dẫn người thăm nuôi về các biện pháp phòng chống COVID-19.

Với các trường hợp tờ khai y tế không đi qua vùng dịch sẽ được đưa vào quy trình khám bệnh thông thường. Tất cả những trường hợp có yếu tố dịch tễ sẽ được dừng tại đó, được nhân viên hướng dẫn đến bàn sàng lọc. Ở bàn sàng lọc, bệnh nhân sẽ được khai chi tiết hơn về địa danh đã đi qua, sàng lọc tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc ca nghi. Bệnh nhân nếu có thêm các biểu hiện ca nghi sẽ được phát khẩu trang y tế N95. Toàn bộ nhân viên y tế tại thời điểm đó cũng đeo khẩu trang N95, đưa người bệnh đến phòng khám cách ly.

Ở phòng  khám cách ly, nhân viên y tế được trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân và sẽ khám bệnh lại một lần nữa. Nếu đúng là ca nghi nhiễm, sẽ được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.

Tại BV ĐH Y Dược TP.HCM đã phát hiện tổng số 11 ca nghi nhiễm nhưng rất mừng là cho đến nay thì cả 11 ca đều âm tính với COVID-19.

Với bệnh COVID-19, có tới 80% là ở thể nhẹ, chỉ có 17% là ở thể nặng, 3% là rất nặng. Ở thể nặng và rất nặng thì đối tượng đó mới cần cách ly tập trung, theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế.

Các trường hợp ở thể nhẹ khi phát hiện vẫn có thể cách ly tại nhà. Tuy nhiên, cách ly tại nhà vẫn phải tuân thủ nguyên tắc vệ sinh và phải liên lạc với nhân viên y tế hàng ngày. Nếu có bất cứ chuyển biến nào, cần được đưa tới cơ sở y tế ngay lập tức.

Bà con yên tâm, toàn bộ các BV trên toàn quốc năm nay đều dừng các hoạt động kỷ niệm ngày thầy thuốc 27/2, tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh, video: Hòa Bình (thực hiện)