Cách Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng biến các sản phẩm báo chí của họ thành tài sản số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post – SCMP) đã biến các sản phẩm của họ thành tài sản số (NFT) để độc giả có thể xem, thậm chí là sở hữu. Điều này có ý nghĩa gì đối với một tổ chức báo chí?
Ảnh: Aws For WP
Ảnh: Aws For WP

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đang muốn chuyển đổi các bài báo cũ, ảnh tư liệu và các sản phẩm khác của họ thành tài sản kỹ thuật số - một trạng thái không thể làm giả và mọi người đều có thể sở hữu chúng.

Với việc sử dụng công nghệ blockchain, SCMP sẽ tạo ra các “token không thể thay thế” (NFT) từ kho lưu trữ của mình. Sau đó, những tài sản này có thể được sưu tầm, trưng bày, hoặc mua bán bởi các tổ chức và cá nhân.

NFT là gì?

Chúng ta có thể đã nghe tới các tài sản số như tác phẩm nghệ thuật, video hay ảnh gif được bán với giá hàng triệu USD. Các loại tài sản số không chỉ đơn thuần là nghệ thuật số, nhà sáng lập Twitter, ông Jack Dorsey đã bán tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT với giá gần 3 triệu USD.

NFT chính là một “phát minh” số, nó giống như một video lan truyền hay một meme (chỉ những bức ảnh có nội dung hài hước, hoặc thú vị, bắt nguồn từ một câu chuyện hoặc một nhân vật truyền cảm hứng nào đó, được công nhận bởi nhiều người và lan truyền trên các trang mạng xã hội khác nhau) - nó không tồn tại dưới dạng vật chất.

NFT có thể được mua bán, trao đổi, được làm ra hoặc đào ra trên nền tảng blockchain tương tự như Bitcoin hay các đồng tiền số khác.

Điều quan trọng nhất là tài sản này độc nhất, hoặc ít nhất chúng có số lượng bản sao rất hạn chế, và không thể thay thế bởi những thứ khác.

Trong một thế giới mà các meme được sao chép và chia sẻ hàng triệu lần thì đặc tính khan hiếm của NFT đã tạo ra sự khác biệt, thúc đẩy các nhà sưu tập NFT sẵn sàng trả tiền.

Công nghệ blockchain được sử dụng để tạo ra các tài sản số này đóng vai trò như một sổ cái công khai và cho phép bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra nguồn gốc và quyền sở hữu của NFT.

Trong thế giới thực, bạn có thể chụp ảnh Mona Lisa hoặc mua bản in, nhưng bạn sẽ không thể sở hữu bản gốc của bức tranh này, bức tranh gốc hiện được đặt ở bảo tàng Louvre.

Tuy nhiên, trong thế giới NFT, bạn có thể mua tác phẩm số gốc từ tác giả và trở thành chủ sở hữu duy nhất, thay vì chỉ có bức ảnh chụp màn hình của nó.

Tại sao ngày càng có nhiều người mong muốn sở hữu các sản phẩm kỹ thuật số NFT như vậy? Các nhà sưu tập NFT được gì khi sở hữu chúng?

Câu trả lời nằm ở cái gọi là “quyền được khoe khoang kỹ thuật số”. Khi đã nắm giữ một tài sản số nào đó, mọi người có thể tự hào khoe chúng trên mạng xã hội về quyền sở hữu này.

Các tổ chức báo chí có thể khai thác gì với NFT?

Một ví dụ về ARTIFACT của SCMP: ảnh máy bay chở khách của hãng Cathay Pacific bay gần mặt đất trên sân bay Kai Tak cũ của Hồng Kông.

Một ví dụ về ARTIFACT của SCMP: ảnh máy bay chở khách của hãng Cathay Pacific bay gần mặt đất trên sân bay Kai Tak cũ của Hồng Kông.

Đặc điểm quan trọng nhất của các sản phẩm số NFT được tạo ra bởi công nghệ blockchain là chúng không thể bị sửa đổi. Mọi giai đoạn trong quá trình tạo nên một tài sản số NFT đều được ghi lại trong siêu dữ liệu của chính nó - từ tác giả đến chủ sở hữu hay bất kỳ giao dịch hoặc cập nhật nào. Do đó, khi tài sản số được tạo ra, nó là bất biến.

Khía cạnh quan trọng thứ hai của NFT là công nghệ blockchain được phân cấp. Điều này có nghĩa là thay vì xuất hiện trên một trang web, một hình ảnh hoặc một bài báo có thể được phân phối trên hàng nghìn máy tính trên toàn thế giới, nó khiến một người không thể sửa đổi hoặc xóa chúng.

Đặc tính này đặc biệt quan trọng đối với các nhà báo khi họ phải đối mặt với áp lực xóa bỏ thông tin gây tranh cãi khỏi các trang web hoặc blog của họ. Nếu một bài báo, một hình ảnh hoặc một video được xây dựng bằng công nghệ blockchain, chúng sẽ tồn tại mãi mãi.

Trong 4 năm qua, SCMP đã nghiên cứu làm thế nào để ứng dụng blockchain trong báo chí. "Đã có một vài nỗ lực khởi đầu thất bại", CEO Gary Liu của SCMP chia sẻ.

Tuy nhiên, với xu hướng NFT trỗi dậy trong năm 2021, tòa soạn này đã nhìn thấy cơ hội tạo ra giá trị từ kho nội dung lưu trữ, lưu lại những sự kiện quan trọng nhất đối với tờ báo trong thời gian phát triển.

SCMP cũng không đơn độc trong hành trình này bởi trong năm 2021, CNN đã ra mắt kho nội dung số NFT. Tờ Quartz thì bán được bài viết đầu tiên dưới dạng NFT với giá 1.800 USD.

Dự án của SCMP có tên là ARTIFACT, nhắm đến việc chuyển những tấm ảnh trang bìa đáng nhớ thành tác phẩm NFT trên blockchain. Những tác phẩm NFT này được sưu tầm, mua bán bởi các độc giả, các tổ chức tương tự như cách một cách một bức ảnh gốc hoặc một trang bìa tạp chí thật có thể được bán trong một cuộc đấu giá.

Điểm lợi thế là tác phẩm NFT có thể trưng bày ở bất kỳ triển lãm số nào để bất kỳ ai cũng có thể xem và yên tâm rằng mình đang xem tác phẩm gốc.

Đối với SCMP, ARTIFACT chính là một cơ hội để mở ra “bản phác thảo lần đầu tiên trong lịch sử” về quyền sở hữu công cộng. Sẽ thật thú vị khi lịch sử được viết lại bằng công nghệ blockchain.

Vấn đề là tác phẩm NFT không thể bị chỉnh sửa. Một khi đã được tạo ra, nó sẽ tồn tại mãi. Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu một cuộc cách mạng không bao giờ xảy ra hay một tội phạm chiến tranh có thể sẽ mãi mãi trở thành một anh hùng chiến tranh?

Để đảm báo tính chính xác của tác phẩm báo chí NFT, sẽ cần có cơ chế rà soát thông tin để đảm bảo rằng những gì độc giả truy cập là đúng sự thật. Điều này dẫn báo chí đến một thách thức khác - cần làm gì với các nội dung đã được xác minh nhưng lại chứa thông tin không đúng sự thật?

“Giá trị của ARTIFACT nằm ở thông tin mà nó chứa đựng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để thêm ngữ cảnh như lịch sử ra đời, ý nghĩa của sản phẩm đó vào hệ thống siêu dữ liệu của nó. Đây giống như thông tin bổ trợ được đi kèm với bất kỳ tài sản số nào. Trên thực tế, điều đó cũng tương tự như việc có một hướng dẫn viên cho bạn biết đây là gì khi bạn đi thăm quan trong viện bảo tàng”, ông Liu cho biết.

Một ví dụ về ARTIFACT: bìa tờ báo SCMP được phát hành ngày 1/7/1997, ngày Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc.

Một ví dụ về ARTIFACT: bìa tờ báo SCMP được phát hành ngày 1/7/1997, ngày Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc.

Thách thức trong quản lý

Các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau, từ blockchain đến lịch sử, nghệ thuật và truyền thông, hiện đang cân nhắc cách tốt nhất để đối phó với những thách thức này.

Nhưng một khi bạn lưu trữ thông tin lịch sử, sẽ có những câu hỏi khó tránh khỏi như: ai quyết định bài báo nào được lưu, bài nào không được lưu; quy trình đưa ra quyết định như thế nào?

CEO Liu thừa nhận rằng nhiều câu hỏi về cách vận hành hệ thống này vẫn chưa được trả lời và SCMP vẫn đang trong quá trình để giải quyết những vấn đề này.

Quy chế hoạt động của ARTIFACT hướng đến dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng. Hiện tại, SCMP đang tính đến phương án thành lập một hội đồng để quản lý quy trình xác minh và xác nhận đối với các cá nhân, tổ chức được phép sử dụng những tài sản này.

Mục tiêu dài hạn của SCMP là đưa tất cả dữ liệu lưu trữ trong 118 năm hoạt động của SCMP lên blockchain. Việc quyết định những nội dung gì sẽ được tạo thành các sản phẩm số NFT sẽ được nội bộ tòa soạn thực hiện.

Để tạo ra các tài sản NFT, chi phí nhân sự, tiền mua công nghệ, và tiền điện sẽ khá lớn, nhưng CEO Liu cho biết SCMP sẽ bán đi một số NFT ban đầu và đầu tư quay vòng trở lại dự án để xem mức độ tăng trưởng của nó ra sao.

Giống như tác phẩm nghệ thuật thế giới thực, NFT có thể mang lại nguồn thu từ lần bán ra đầu tiên, cùng với phí hoa hồng bản quyền tác giả trong mỗi giao dịch về sau. Chủ sở hữu phát hành đầu tiên, với ID được ghi nhận trên blockchain, sẽ được nhận phí hoa hồng mãi mãi.

“Cái hay của NFT là chúng có thể giao dịch được. Với việc nhà phát hành tạo nên một sự khan hiếm nhất định, các tổ chức cần phải cân nhắc để tạo nên sự hài hòa khi liên kết hai yếu tố này với nhau”, ông Liu nói thêm.

Vấn đề môi trường

Vì đặc điểm của công nghệ blockchain là phi tập trung, với hàng triệu máy tính làm nền tảng nên nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Riêng ngành công nghiệp khai thác Bitcoin được ước tính có lượng khí thải carbon tương đương với lượng khí thải của thủ đô London (Anh).

Theo ông Liu, khi số lượng ARTIFACT sẽ tăng lên thì khả năng gây ô nhiễm môi trường của chúng cũng sẽ tăng theo.

“Chúng tôi nhận thức được tác động này và đang xem xét các công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch nào để bù đắp lượng khí thải carbon bởi dự án trên chưa được triển khai rộng rãi”, ông Liu nói.

Mục tiêu của ông Liu là phát hành sản phẩm NFT đầu tiên ra công chúng vào cuối năm 2021. Để làm được điều này, SCMP vẫn còn rất nhiều bước phải thực hiện, ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, cộng đồng những người đam mê NFT đang ngày càng phát triển và đây chính là cơ hội để các tổ chức báo chí, truyền thông thử nghiệm các công nghệ mới.

Theo Journalism.co.uk