Liệu tổng thống Trump có ứng phó được với giới tinh hoa Mỹ trong năm 2019?

VietTimes -- Nhà báo kỳ cựu Robert W. Merry cho rằng năm 2019 sẽ được ghi dấu trong lịch sử của nước Mỹ với những câu hỏi: Liệu tổng thống Trump có bị nghiền nát bởi phe đối lập cùng với hạn chế về mặt tính cách của ông? Ông có tìm thấy một con đường để trụ vững trước những công kích dữ dội và thậm chí có thể đẩy mạnh vị thế chính trị của mình trước sự sợ hãi của phe đối lập?

Những tranh cãi và náo động đi cùng với những hành động của ông Donald Trump sẽ còn có mức độ cao hơn vào năm 2019. Ngài tổng thống và đất nước Mỹ đang đi vào một trận cuồng phong ở cả trong nội địa và nước ngoài.

Cùng với sự ủng hộ nhiệt thành và một loạt vấn đề và quan điểm mới mẻ, vị tỷ phú New York đã tạo ra một đứt gãy mới về mặt chính trị giữa giới chức tinh hoa của nước Mỹ tập hợp phần lớn ở phía bên ngoài và tầng lớp trung lưu, lao động nằm ở trung tâm. Giới tinh hoa của Mỹ phần lớn nhà những người theo chủ nghĩa toàn cầu, họ coi thường chủ nghĩa dân tộc tại Mỹ và sự thắt chặt các đường biên giới đi cùng với nó. Họ ủng hộ tự do thương mại, các thỏa thuận và thể chế đa phương, và một định nghĩa về nước Mỹ ít phụ thuộc hơn vào tín điều của chính quyền, một nước Mỹ phổ thông và có ích cho mọi người ở khắp nơi. Và đó là quan điểm về chính sách ngoại giao của họ.  

Tổng thống Mỹ Donald Trump có những chính sách được lòng tầng lớp trung lưu và lao động nước Mỹ nhưng đi ngược lại với mong muốn của giới tinh hoa.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump có những chính sách được lòng tầng lớp trung lưu và lao động nước Mỹ nhưng đi ngược lại với mong muốn của giới tinh hoa.

Hầu như tất cả những điều trên đều bị cử tri của ông Trump phản đối. Khối cử tri này hình thành bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc, coi an ninh biên giới mang tính cốt yếu với tình trạng quốc gia. Họ nghĩ tự do thương mại đã hủy hoại nền công nghiệp Mỹ. Họ tin rằng máu của người Mỹ chỉ nên đổ ra với những lợi ích sống còn của quốc gia. Và họ sùng bái văn hóa truyền thống của Mỹ. Nhờ khối cử tri này ông Trump đã tạo ra sự thất bại đau đớn cho giới tinh hoa khi ông đắc cử tổng thống năm 2016.

Hiện tại, giới tinh hoa đang phản công còn ông Trump quay về thế phòng thủ. Tiếp theo, một hệ thống toàn cầu vốn đã bất ổn có thể bắt đầu mở ra nhiều tình huống nghiêm trọng, tạo ra những thách thức lớn cho nước Mỹ và ngài tổng thống. Kéo theo sẽ là sự đi xuống trong phát triển của rất nhiều lĩnh vực quan trọng đối với tổng thống và đất nước.

Những cuộc điều tra ông Trump

Việc đảng Dân chủ kiểm soát được Hạ nghị viện có nghĩa là ông Trump sẽ trở thành đối tượng của rất nhiều cuộc điều tra của quốc hội Mỹ. Hạ nghị sĩ Jerry Nadler, chủ tịch của Ủy ban Tư pháp sẽ dõi theo rất nhiều hoạt động của ông Trump, có thể sẽ khiến ông phải điều trần vì những cáo buộc như gây cản trở luật pháp trong vụ điều tra ông câu kết với Nga (trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016). Hạ nghị sĩ Richard Neal của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ sẽ theo đuổi lịch sử đóng thuế của tổng thống. Elijah Cummings của Ủy ban Giám sát sẽ điều tra các vụ bê bối. Và hạ nghị sĩ Adam Schiff của Ủy ban Tình báo sẽ chạy theo các chi tiết về câu chuyện bê bối Nga.

Cựu phó phòng tham mưu chính sách của Nhà Trắng ông Karl Rove đã viết rằng: "Đó sẽ là địa ngục". Ông Trump sẽ bị kéo xuống giống như Guilliver bị những người Lilliput bắt giữ [nhân vật trong truyện Guilliver du ký] thông qua một loạt những yêu cầu điều trần và đòi hỏi cung cấp tài liệu. Với tổng thống Mỹ, đây sẽ là một sự suy yếu về chính trị, gây ra bởi những cáo buộc công khai về những việc làm trái của chính quyền hay có thể là việc làm sai trái của chính ông Trump, bất kể sự thật sau cùng và ý nghĩa của chúng là gì. Điều đó sẽ khiến sự ủng hộ với tổng thống Trump bị mất đi và sự ủng hộ ông có thể mất đi một cách nghiêm trọng dựa trên những gì chưa được phơi bày.

Ông Donald Trump đã dính vào "bê bối Nga" khi có cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
 Ông Donald Trump đã dính vào "bê bối Nga" khi có cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tất cả những điều trên là mối nguy hiểm đối với đảng Cộng hòa. Ứng viên của ông Trump cho chức Tổng chưởng lý, William Barr đã cảnh báo với việc hình sự hóa các hành động của tổng thống gây ảnh hưởng tới quyền lực của tổng thống quy định trong hiến pháp. Ông viết: "Nếu một cuộc điều tra [của Bộ Tư pháp] đang sắp hạ bệ một vị tổng thống được bầu một cách dân chủ, thì nó sẽ là vấn đề cấp thiết với sự gắn kết của quốc gia. Vì tất cả những tuyên bố về các hành vi sai trái phải dựa một cách vững chắc vào chứng cứ của một hành động tội ác thực sự - chứ không phải là một chứng cứ gây tranh cãi".

Điều có khả năng biến thành sự thật là phe đối lập với ông Trump là những người thuộc đảng Dân chủ, theo đuổi ông và cố gắng gán cho ông tội phản quốc sẽ bị kéo vào những bụi rậm về pháp lý - gây tranh cãi và gây ảnh hưởng tới cơ thể chính trị của nước Mỹ.

Nghị trình nội địa của ông Trump

Việc mất quyền kiểm soát Hạ viện đã kìm giữ khả năng của tổng thống để thông qua quốc hội bất cứ yếu tố quan trọng nào trong nghị trình lập pháp của ông. Bởi nền chính trị Mỹ ngày nay nằm trên lưỡi dao của sự ngang hàng về mặt chính trị, với cán cân quyền lực có đủ cho mọi phe. Ông Trump không thể tập trung được bất cứ áp lực chính trị nào từ các cử tri để khiến phe Dân chủ đối lập phải đồng thuận với mình. Vào đầu thập niên 1980, tổng thống Ronald Reagan có thể xử lý vấn đề tài khóa vì ông có được quyền ủy thác từ người dân Mỹ. Ông Trump không có được một sự ủy thác như vậy.

Tổng thống Mỹ có một khí chất chính trị bị nhiều người lên án.
 Tổng thống Mỹ có một khí chất chính trị bị nhiều người lên án.

Ông cũng có thể áp dụng chiến thuật của tổng thống Barack Obama khi những đảng viên Cộng hòa thù địch cản trợ nghị trình của ông, và tổng thống Obama đã tuyên bố ông sẽ theo đuổi việc thay đổi chính sách thông qua đặc quyền hành pháp của mình. Ông nói: "Tôi có một cây bút, tôi có một chiếc điện thoại" và tiến hành ban ra các mệnh lệnh hành pháp mang tính tranh cãi cao về vấn đề kiểm soát súng đạn, nhập cư, biến đổi khí hậu, mức lương tối thiểu và các vấn đề khác. Nhưng những hành động như vậy thường làm dấy lên những câu hỏi về hiến pháp (như họ đã đưa ra trong nhiều trường hợp với ông Obama) và điều này đẩy tổng thống vào những cuộc luận chiến. Bên cạnh đó, hiếm khi những hành động như vậy được các cử tri coi là một thành tựu lớn về chính sách. Chúng không bền và là mục tiêu để tổng thống đời sau thay đổi (như ông Trump đã đảo ngược di sản hành pháp của ông Obama).

Một vấn đề khác là khí chất chính trị của chính ông Trump. Khi chiến thắng, ông hả hê theo những cách không phù hợp. Còn khi gặp điều không như ý muốn, ông trở nên cáu kỉnh và thất thường. Đây chính là một trong những khó khăn ông tạo ra cho chính mình. Như tờ Wall Street Journal viết gần đây: "Các đảng viên Dân chủ đang chuẩn bị để 'đánh' ông Trump từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng. Và họ đang hy vọng ngài tổng thống sẽ giúp họ với... những cử chỉ tự gây hại cho mình trước công chúng". Tờ báo cũng nói thêm rằng ngay cả những chiến thắng nhỏ nhoi cũng cần ngài tổng thống phải "tập hợp những đảng viên Cộng hòa sau ông và đưa ra các vấn đề công khai với kỷ luật và tính nhất quán". Tờ báo cũng cho rằng đó sẽ là "tất cả nhưng là điều bất khả với ông Trump".

Kinh tế

Tính cách nạt nộ của ông Trump cũng có thể là yếu tố khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019. Có thể đây là một chính sách khôn ngoan nhưng các thị trường tài chính có vẻ không nghĩ như vậy. Như Wall Street Journal kết luận, các thị trường đã đáp trả sự lạc quan về tình hình kinh tế hiện tại của chủ tịch Fed Jerome Powell "quát tháo về việc Fed không đánh giá đúng những dấu hiệu hiện tại của sự căng thẳng tài chính có thể trở thành vấn đề về kinh tế năm 2019".

Một câu hỏi vẫn còn đang để ngỏ là: trong chừng mực nào thì Fed đủ thôi thúc chính trị cần thiết để chống lại áp lực từ ông Trump - qua những dòng tweet thúc giục Fed phải nới lỏng lãi suất? Chúng ta chưa thể biết đáp án nhưng sự hiểu biết về bản chất con người cũng như tầm quan trọng về nhận thức chính trị có thể gợi ý nên câu trả lời.

Tổng thống Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào tháng 3.2018. Ông thường chỉ trích chính sách tăng lãi suất của Fed.
 Tổng thống Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào tháng 3.2018. Ông thường chỉ trích chính sách tăng lãi suất của Fed.

Trong khi đó, sự biến động của thị trường ngày nay cho thấy có điều gì đó đang xảy ra, có thể các nhà đầu tư đang thấy nguy hiểm biểu thị qua một sự tập hợp của một loạt các yếu tố. Trong đó, bao gồm tỷ lệ lạm phát luôn ở dưới mục tiêu 2% của Fed, một dấu hiệu rõ rệt về tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu, ước tính sự sụt giảm tăng trưởng của Mỹ năm tới so với năm nay vào khoảng từ 3 tới 3,5%, và những chính sách thương mại gây hấn của ông Trump nhằm theo đuổi "đặc quyền" thương mại. Gộp những điều trên vào tuyên bố ý định tiếp tục tăng lãi suất của Fed và tiếp tục chương trình cắt giảm danh mục trái phiếu (từ bỏ chính sách "nới lỏng định lượng" bắt nguồn vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất, chuyển sang chính sách "thắt chặt định lượng") - cho thấy rõ ràng viễn cảnh khó khăn của nền kinh tế vào năm tới.

Ông Trump sẽ khó giải quyết vấn đề này. Tuy rằng, quyết định giảm thuế và chính sách nới lỏng của ông vào năm 2017 đã cống hiến một cách đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm nay, mà công bằng thì điều này chưa từng có trong một thập kỷ. Nhưng mọi nỗ lực của ông Trump để thúc đẩy nền kinh tế thông qua các hành động được nghị viện cho phép có thể sẽ lao vào lưỡi cưa của phe đối lập đảng Dân chủ. Có thể tình huống kinh tế toàn cầu sẽ tự tìm đường ra cho nó, với những kết quả tốt đẹp cho sự tăng trưởng của Mỹ và vị thế chính trị của ông Trump. Nhưng, có thể điều này sẽ không xảy ra.

Chính sách ngoại giao

Tình thế hiện tại của thế giới vốn đã bất ổn, căng thẳng giữa Mỹ với 3 cường quốc - Trung Quốc, Nga và Iran đang đi xuống nghiêm trọng. Mối đe dọa về hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp diễn, và viễn cảnh cho việc bất cứ hình thức đàm phán hòa giải nào rất mong manh. Sự ổn định chính trị của châu Âu đang suy yếu, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đang đe dọa sẽ tạo nên những hỗn loạn trong kế hoạch của châu Âu. Ngọn lửa địa chính trị khu vực Trung Đông tiếp tục bùng cháy, đặc biệt tại Syria, Yemen và Libya, trong khi Ả rập Xê-út có vẻ đang gia tăng sự mất kiểm soát.

Không thể dự đoán trước ông Trump sẽ ứng phó với tình hình thế giới thế nào. Ông có chiến lược trở thành một người suy nghĩ về chính sách ngoại giao một cách thực tế, khinh thường các cuộc chiến Trung Đông trước đây. Nhưng sự hiếu chiến của ông với Iran làm tăng viễn cảnh Mỹ sẽ dính líu tới một cuộc chiến Trung Đông khác. Ông nói rằng ông muốn kết thúc sự dính líu của Mỹ vào Afghanistan nhưng thất bại trước các quan chức quân sự và tình báo - những người đang thúc giục gia tăng quân số tại đây. Ông nói ông muốn có những mối quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và Nga nhưng lại thực hiện những nước đi làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước như gửi vũ khí sát thương tới Ukraine và ủng hộ những lệnh trừng phạt chống Nga.

Ngày 19.12, tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố chiến thắng ISIS và sẽ rút quân khỏi Syria trong từ 60-100 ngày.
 Ngày 19.12, tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố chiến thắng ISIS và sẽ rút quân khỏi Syria trong từ 60-100 ngày.

Nhưng quyết định của ông Trump rút khoảng 2.000 quân Mỹ tại Syria và ám chỉ sẽ rút phần lớn quân Mỹ khỏi Afghanistan có thể báo hiệu một cách tư duy mới của ngài tổng thống. Những hành động này có vẻ phần lớn do ông Trump tự quyết ngay trước sự phản đối đáng kể từ những quan chức phụ tá ông. Trong vụ Mỹ rút quân khỏi Syria, một số cân nhắc đã được đưa ra để quyết định - như quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng hơn so với việc làm đồng minh với các tay súng người Kurd tại đông Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố; và người dân Mỹ không có bụng dạ nào để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của người Iran trong khu vực, khiến có thể xảy ra leo thang quân sự; và Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một lực lượng thực hiện nhiệm vụ cân bằng; và quân đội Mỹ không cần thiết phải chấm dứt tàn dư của ISIS bởi Nga và Syria có thể hoàn thành việc này.

Đây là một thời khắc báo hiệu với một vị tổng thống có khuynh hướng bản năng đã trở nên thực tế và sự lãnh đạo của ông đã đi xa hơn là những gì ông bày tỏ một cách bản năng của mình.

Năm 2019 sẽ được đánh dấu trong lịch sử với nhiều câu hỏi. Liệu tổng thống Trump có bị nghiền nát bởi phe đối lập cùng với hạn chế về mặt tính cách của ông? Ông có tìm thấy một con đường để trụ vững trước sự công kích dữ dội và thậm chí có thể đẩy mạnh vị thế chính trị của mình trước sự sợ hãi của phe đối lập? Liệu các sự kiện xảy ra ở nước ngoài có làm thay đổi hiện trạng toàn cầu và mở ra một kỷ nguyên mới bất ổn? Liệu nước Mỹ có vượt qua những cơn bão sắp tới một cách yên bình hay những cơn bão đó sẽ làm rung chuyển đất nước, chia rẽ nó một cách nặng nề hơn cả bây giờ?