Những tác động của Covid-19

Chúng ta cần làm gì khi mọi hoạt động đều diễn ra tại nhà?

VietTimes -- Từ khi kết thúc dịp nghỉ Tết Canh Tý đến nay, các cấp học ở Việt Nam đã không đến trường vì dịch Covid-19. Thay vào đó, hình thức giáo dục trực tuyến đã được đẩy mạnh. Với nhiều cơ quan và doanh nghiệp, thay vì làm việc tập trung thì trực tuyến là hình thức mới. Tuy rằng không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng có thể khẳng định: Trực tuyến là xu hướng tất yếu và chính Covid-19 đã thúc đẩy hình thức này.
Giáo viên một trường học tại TP.HCM dạy học online trong những ngày học sinh nghỉ vì dịch Covid-19. Ảnh: báo Thanh Niên

Virus Corona khiến mọi người ở nhà

Theo báo cáo của Wearesocial.com, tháng 2/2020, Việt Nam có khoảng 68 triệu tài khoản Internet, 65 triệu tài khoản đa phương tiện và gần 150 triệu thuê bao di động (gấp rưỡi dân số). Lượng tài khoản Internet tưởng chừng bão hòa năm 2019 đã tăng thêm 10%, mức tăng khá cao so với các khu vực trên thế giới. Thời lượng sử dụng Internet cũng ấn tượng, gần 6 tiếng rưỡi. Tỷ lệ tài khoản Internet đồng thời sử dụng thiết bị di động là 97% (trên 65 triệu)!

Tốc độ đường truyền trên thiết bị di động trung bình 30 Mbps và trên thiết bị cố định khoảng 43 Mbps. Độ tuổi sử dụng Internet và Đa phương tiện tập trung từ 17 - 44 tuổi chiếm đến 80%. Sơ bộ qua các con số, chúng ta thấy mức độ quen thuộc và thói quen của người dân Việt Nam với mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng là khá cao.

Thời gian này, trong khi dịch Covid-19 lan rộng, công nghệ được ứng dụng phát huy tích cực, Việt Nam hiện mới có 11% dịch vụ công được lên cấp độ 4 (Có giao dịch tài chính, kê khai và xác nhận trực tuyến như: Đổi bằng xe, nộp phạt, khai thuế…) phấn đấu đến hết 2020 sẽ có trên 30% dịch vụ công đáp ứng cấp độ 4.

Hơn 2 tháng sau Tết Canh Tý, toàn bộ các trường học từ mẫu giáo đến đại học đều phải nghỉ học. Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng không chỉ ở Vũ Hán (Trung Quốc), mà trên toàn thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ, đang nóng lên từng ngày, và kéo theo việc ngày đến trường sẽ còn rất xa. Nhiều công ty, công sở cũng đã giảm việc lạo động đến văn phòng. Chưa kể khá nhiều công ty, doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, các trung tâm dịch vụ… đã phải sa thải lao động.

Ngay sau khi Italy, Mỹ rồi Đức, Châu Âu phong tỏa, cấm bay, quốc gia nào cũng đối mặt với những vấn đề trên ngoài vấn đề về Y tế và Kinh tế. Có xảy ra chuyện mới ra nhiều sáng kiến, sáng chế, mới nhiều ứng dụng công nghệ được áp dụng một cách không ngờ đến nhất và cũng dễ được chấp nhận nhất. Việt Nam cũng đối mặt nhiều vấn đề, nhưng đến nay riêng việc chuẩn bị, phòng chống dịch, đang là quốc gia được đánh giá làm tốt nhất. Từ việc tuyên truyền, các quyết định dứt khoát, các chuẩn bị đáp ứng cũng như ứng biến thực tế với nỗ lực phòng chống tối đa. Toàn dân đã đang ủng hộ và tuân thủ với các chính sách, yêu cầu đặt ra cả về chấp hành lẫn ủng hộ tài lực.

Nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa, nhiều trường học sau vài tuần, đã tiếp tục đào tạo qua hệ thống trực tuyến, nhiều hoạt động xã hội, từ hội họp, mua sắm, giải trí… được thực hiện tại nhà. Có thể thấy, hệ thống hạ tầng khá tốt hiện tại, Nhận thức người dân cũng rất tốt, hành lang Pháp lý đang dần hoàn thiện. Trình độ, thói quen của dân chúng cũng ở mức cao nhất định. Và điều quan trọng nhất, với tình hình dịch bệnh Covid-19, tất cả người dân đều nhận thức cùng Chính phủ về mức độ nguy hiểm và cùng đồng thuận, tuân thủ tối đa để cùng phòng ngừa, cách ly cũng như chữa trị.

Thực tiễn

Câu chuyện vui thời gian này giữa các gia đình: “Sáng lùa bọn trẻ dậy, hét hò đi vệ sinh, giục chúng ăn sáng kịp vào học online. Trưa hò hét ăn trưa, rồi đi ngủ trưa nhưng chẳng hôm nào kịp giờ. Chiều vào học online, rồi hò hét ăn tối, làm bài tập về nhà. Đi tắm rửa…”

Một giáo viên "lên lớp" không có học sinh nhưng bài giảng được tiến hành trực tuyến với các công cụ hỗ trợ. Ảnh: Giáo dục & Thời đại

Thời chưa dịch, trẻ ở trường, các hoạt động trường quản lý và đảm bảo. Do dịch, phải ở nhà, trẻ chóng chán, cũng như hạn chế các hoạt động thể chất. Về học hành, nhiều trường chưa có công cụ trực tuyến và có chương trình nghiêm túc. “Nhận định về việc dạy trực tuyến hiện nay, hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết hình thức dạy học trực tuyến đang theo kiểu "mạnh ai nấy làm", rất khó đánh giá hiệu quả.” Ông Phạm Thư Tùng, giáo viên môn vật lý Trường THPT Ernst Thälmann (TPHCM), chia sẻ: "Với tình hình hiện nay, dạy học từ xa chỉ là biện pháp tình thế thì giáo viên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.” – Theo báo Tuổi Trẻ.

Mạng xã hội Facebook cũng giống như nhiều công ty dịch vụ khác đều có chính sách giới hạn độ tuổi tham gia. Cụ thể, Facebook đặt giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội tối thiểu là 13 tuổi.Thế nhưng, chính sách có phần lỏng lẻo của Facebook dễ dàng bị các bậc phụ huynh và chính trẻ em qua mặt. “Không chia sẻ mật khẩu, cấp cho người khác quyền truy cập vào tài khoản Facebook của bạn hoặc chuyển tài khoản của bạn cho bất kỳ ai khác (mà không được chúng tôi cho phép)” là điều khoản của Facebook khi tạo tài khoản mới. Tuy nhiên, chưa dám chắc sau tiết học trực tuyến trẻ sẽ tự giác ra khỏi mạng.

Bà Phạm Thanh Long, một chuyên gia đang sống làm việc tại Cork Ireland chia sẻ: “Bọn trẻ cũng học ở nhà, nhà trường có ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến Schoology, tuy nhiên khá chậm chạp không nhanh như nhắn tin. Ứng dụng có các chức năng tương tác với phụ huynh để cùng hỗ trợ…” Khi được hỏi, việc học hành này là như nào, bà Phạm Thanh Long kể: “Dù học trực tuyến, nhưng học sinh vẫn phải theo đúng chương trình và lịch học đặt ra, vẫn phải thi và làm bài như chính khóa”. Bà Long nói rằng không phải trường nào cũng có điều kiện như vậy, nhiều trường cũng phải sử dụng các dịch vụ miễn phí trên mạng…

Khá nhiều trung tâm đào tạo, trường tư thục, trường chưa đủ điều kiện đầu tư hoặc thời gian chưa kịp, họ đã sử dụng các dịch vụ miễn phí như Zoom, Zalo, Skype,… để tổ chức học trực tuyến, hay chỉ đơn giản gửi bài môn học qua Email, message. Điều rất dễ nhận thấy, tỷ lệ trẻ có giám sát của bố mẹ, trẻ ngoan tự giác học là rất thấp. Đa số trẻ ham chơi, sự giám sát hạn chế của giáo viên qua mạng dẫn đến việc học từ quân số không đủ đến chất lượng học không cao và sau vài tuần, tạo sự nhàm chán cho cả trẻ lẫn thầy cô.

Trong công việc, các công ty có công việc dịch vụ, làm việc văn phòng và có hệ thống cũng như thói quen làm việc từ xa sẽ thích nghi rất nhanh. Nhưng tỷ lệ công việc này không phải là nhiều, và nhiều cơ quan, văn phòng, chưa sẵn sàng cho làm việc từ xa vì vấn đề an ninh thông tin, đặc thù công việc không cho phép họ kết nối mạng công cộng hay cho phép kết nối dữ liệu từ nhà. Chưa kể, nhân thời gian dịch bệnh, các tin tặc đã thực hiện nhiều chiến dịch fishing với mã độc và các hệ thống người dùng. Điều này dẫn đến việc sử dụng công nghệ cho làm việc từ xa giảm.

Giải pháp, Khuyến nghị

Chính trong thời kỳ khó khăn, các sáng kiến, các ứng dụng được đánh giá và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Sự kiểm nghiệm, thử nghiệm và nhu cầu xã hội sẽ tạo điều kiện cho các giải pháp thực tế. Như Hanoi SmartCity, rất nhiều ứng dụng tương tự đã bị dè dặt trước đây, nhưng chỉ sau vài tuần, ứng dụng đã được sử dụng rộng rãi như công cụ thông tin, tuyên truyền, đăng ký và cập nhật của Hà Nội.

Lúc này hơn bao giờ hết, các công ty công nghệ cần tập trung và đưa ra các dịch vụ, giải pháp đáp ứng nhu cầu của xã hội trong trạng thái “Đứng yên”, đa số người dân phải ở nhà. 100% học sinh, sinh viên phải ở nhà. Dịch vụ y tế hạn chế, và khuyến khích mọi hoạt động từ xa. Các ứng dụng được tạo ra cần được sự ủng hộ của Chính phủ và khuyến khích người dân sử dụng cũng như sáng tạo.

Chính phủ, các cơ quan Luật pháp, cần có các hoạt động bám sát thực tiễn, các nhu cầu với mô hình mới trong tình hình mới, đảm bảo người dân tuân thủ Luật, nhưng thuận tiện sử dụng các dịch vụ cho hoạt động học tập, sản xuất, kinh doanh cũng như giải trí.

Các cơ quan chuyên môn cần tiên phong trong việc đánh giá, khuyến nghị và giới thiệu cho người dân những giải pháp thiết yếu nhất, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.