Covid-19 đã thực sự thúc đẩy sự phát triển của giáo dục trực tuyến?

VietTimes – Từ sau dịp nghỉ Tết Âm lịch 2020 đến nay, vì dịch cúm Covid-19 các cấp học từ phổ thông đến đại học ở Việt Nam đã có một bước chuyển rất lớn để bước sang hình thức giáo dục trực tuyến. Không chỉ có các môn học thông thường mà thậm chí ở Đại học Quốc gia Hà Nội, môn thể dục cũng được đào tạo theo hình thức này với các bài học được đưa lên YouTube.
Thư viện Tạ Quang Bửu trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội rất vắng bóng sinh viên vì nhà trường đã chuyển 90% việc giảng dạy sang hình thức trực tuyến. Ảnh chụp lúc 14h00 ngày 13/3/2020.
Thư viện Tạ Quang Bửu trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội rất vắng bóng sinh viên vì nhà trường đã chuyển 90% việc giảng dạy sang hình thức trực tuyến. Ảnh chụp lúc 14h00 ngày 13/3/2020.

Không thiếu gì các công cụ hỗ trợ trực tuyến

Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, rất nhiều công ty, tập đoàn CNTT đã tranh thủ tiếp thị các sản phẩm hỗ trợ đào tạo trực tuyến cho hệ thống giáo dục. Có thể kể ra rất nhiều địa chỉ như FPT, Viettel, VNPT, AIC, Microsoft, HocMai… Đó là chưa kể đến vô số các công cụ dạy học trực tuyến của nước ngoài được cung cấp miễn phí trên Internet. Và đương nhiên, cũng phải kể đến một số đại học đã chủ động xây dựng công cụ trực tuyến từ trước để đến lúc này thì bung ra phục vụ thầy và trò.

May mắn là thế hệ thầy và trò ở thời đại hiện nay đã và đang sống trong hệ sinh thái số. Vì thế, có thể nói với giáo dục đại học thì cả 100% thầy trò đều có thể thích nghi nhanh chóng với hình thức đào tạo mới mẻ này.

Điểm hay đáng ghi nhận của đào tạo trực tuyến là mọi quá trình tương tác giữa thày và trò đều có thể lưu trạng thái do phần mềm cung cấp chức năng này. Trong khi đó, với cách thức giảng dạy truyền thống thì tình trạng là “lời nói gió bay” và nếu chưa hiểu nội dung bài giảng thì học sinh, sinh viên chỉ có cách là yêu cầu người thầy phải nhắc lại cho họ.

Cũng chính vì thực tế nói trên, không ít trường đại học đã chuyển đến 90% nội dung đào tạo sang hình thức trực tuyến. Vì vậy, các giảng đường và khuôn viên của họ trở nên vắng lặng đến lạ thường.

Cả thầy và trò đều bỡ ngỡ

Theo một giảng viên hệ cao đẳng thực hành của Đại học FPT, vì giáo dục trực tuyến là giải pháp tình thế để đối phó với Covid-19 nên cả thầy và trò bước đầu đều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, mọi việc cũng nhanh chóng đi vào quy củ với nỗ lực từ cả hai phía.

Với giáo dục phổ thông, đáng mừng là kho học liệu số với hơn 5.000 bài giảng điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát huy tác dụng. Theo ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT của bộ này thì lượng truy cập vào kho học liệu số này thời gian qua đã gia tăng đột biến.

Lớp học trực tuyến là một trong những giải pháp giáo dục hiệu quả cho trẻ trong mùa dịch bệnh. Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Lớp học trực tuyến là một trong những giải pháp giáo dục hiệu quả cho trẻ trong mùa dịch bệnh. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều cơ quan báo chí, hiện tượng phổ biến ở nhiều nơi vẫn là người thày viết bảng và phát hình trực tuyến để trò theo dõi qua thiết bị đầu cuối của mình. Đương nhiên, thình thoảng các giáo viên cũng phải liếc vào máy tính trước mặt mình để tiếp nhận ý kiến phản hồi của học trò.

Về cách làm nói trên, một giáo viên tại Nghệ An nhận xét, đó mới chỉ là giảng dạy trên công cụ trực tuyến chứ chưa khai thác được hết thế mạnh của giáo dục trực tuyến. Đã là giáo dục trực tuyến thì phải là sử dụng các học liệu số và nếu có viết bảng thì chỉ là minh họa thêm. Chính vì thế, giáo viên này cho rằng phần đông các đồng nghiệp của mình đang “diễn” trước camera.   

Còn đối với học sinh, việc học trực tuyến cũng phần nào giúp các em đỡ bị trễ tuyến độ học tập. Hơn nữa, các bài giảng đều có thể lưu lại và không nhất thiết phải bật máy tính vào đúng thời gian dạy học trực tuyến của giáo viên.

Tuy nhiên, theo không ít ý kiến thì về cơ bản là giáo dục trực tuyến ở Việt Nam đang ở trạng thái thụ động, chưa thực sự bài bản như các chuẩn mực quốc tế. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và các trường cần phải gấp rút triển khai giáo dục trực tuyến một cách bài bản để học sinh không bị lơ là khi nghỉ nhà dài ngày.

TS Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập Đại học Trực tuyến FUNiX:

"Nghỉ học vì dịch Covid-19 là cơ hội để các trường chuyển sang hoạt động trực tuyến và xây dựng thói quen tự học qua internet cho học sinh.

Cách thức dạy online thứ nhất thực tế vẫn lấy giáo viên và sự dạy làm trung tâm. Điều này đòi hỏi học sinh phải tập trung học vào giờ giấc nhất định, học sinh kết nối video trực tuyến nghe giảng có thể có cảm giác buồn chán. Cách học này đồng thời yêu cầu hạ tầng công nghệ tốt, và thường phải dùng các tool trả tiền khá tốn kém.

Cách thứ hai đơn giản, hiệu quả hơn, nhưng khó để nhà trường quản lý được em nào đang học đến đâu, và còn nhiều vấn đề khác như phụ đạo, thi cử chưa quản lý được.

Hình thức giáo dục trực tuyến cần nhấn mạnh vào việc tự học dưới sự theo dõi và quản lý của các thầy cô và nhà trường. Việc triển khai rất nhanh, có thể chỉ mất một ngày đến một tuần với chi phí gần như bằng không, nhờ dựa trên những nền tảng sẵn có.

Cách làm này đã được triển khai thử nghiệm trong hơn 4 năm qua tại FUNiX, đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi gọi là FUNiX Way. Trong đó, ngoài các quá trình giảng dạy truyền thống như lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, soạn bài, giảng dạy, ra bài tập, nghiên cứu (lab), học, thi và chấm thi... thì còn thêm hai quá trình là Mentoring (tư vấn) và "Dỗ" người học."