Tờ Tin tức Trung Quốc ngày 7/7, khi tham dự Hội nghị đối thoại vấn đề Biển Đông của các cơ quan nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ ở Washington, ngày 6/7, nhiều học giả Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ không vì kết quả vụ kiện trọng tài Biển Đông mà rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Trung Quốc ở lại với UNCLOS có lợi cho "bảo vệ ổn định trật tự biển thế giới".
Trong cuộc họp báo cùng ngày, nhiều học giả tham gia hội nghị đối thoại này đã đưa ra quan điểm nêu trên. Trước đây có tờ báo cho rằng một khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc có thể cân nhắc rút khỏi UNCLOS.
Có một số chuyên gia phân tích cho rằng, rút khỏi UNCLOS có thể là một trong những phương án "bảo lưu" của Trung Quốc.
Đối với vấn đề này, Chu Phong, chủ nhiệm Trung tâm sáng tạo hiệp đồng nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, Đại học Nam Kinh cho rằng bất kể phán quyết trọng tài lần này có bao nhiêu tính tranh cãi thì đều sẽ không khiến cho Trung Quốc rút khỏi UNCLOS.
Ông ta tuyên truyền Trung Quốc không chỉ là "người bảo vệ" của UNCLOS, mà còn là người được lợi từ UNCLOS. UNCLOS có thể giúp Trung Quốc thu được "lợi ích lâu dài" trong trật tự biển.
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã đóng góp cho sự ra đời của UNCLOS, đã tham gia Hội nghị Luật biển Liên hợp quốc lần thứ ba, đã đóng góp cho sự ra đời của bộ Hiến chương Biển này.
Ngô Sĩ Tồn nói: "Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không vì phán quyết lần này mà rút khỏi UNCLOS, tin rằng Trung Quốc ở lại UNCLOS có lợi cho bảo vệ sự hài hòa và ổn định của trật tự biển thế giới".
Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây cũng đã đưa ra phản ứng về việc dư luận đồn đoán Trung Quốc có khả năng rút khỏi UNCLOS (do chính truyền thông Trung Quốc tạo ra). Hoa Xuân Oánh nghi ngờ nguồn gốc và mục đích đằng sau các đồn đoán này.
Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Trung Quốc kiên trì không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines hoàn toàn là "bảo vệ" quyền uy của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
"Trung Quốc luôn kiên trì UNCLOS cần được giải thích và áp dụng một cách thiện chí, toàn diện và hoàn chỉnh. Điều này sẽ có lợi cho bảo vệ trật tự luật pháp biển quốc tế, phù hợp với lợi ích tổng thể của cộng đồng quốc tế" - bà Oánh cho biết thêm.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố hùng hồn như vậy, nhưng thực tế lại vô cùng ngang trái. Yêu sách "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng là một yêu sách bành trướng vô lý, phi pháp, thể hiện rõ ngay khi nhìn mắt thường vào bản đồ Biển Đông.
Hơn nữa, yêu sách này dựa trên việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo đá ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Yêu sách này và việc áp đặt cưỡng ép của Bắc Kinh thực sự đã bất chấp chủ quyền và quyền lợi biển của các nước ven Biển Đông cũng như hòa bình, an ninh của quốc tế, trong đó có tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Tức là yêu sách của Bắc Kinh đã bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS - PV.