|
Dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng |
Kiện 6 quyết định hành chính và 4 cá nhân tổ chức có liên quan
Ngày 24/12, luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, người đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) - chủ đầu tư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (Mường Thanh Sơn Trà) trong vụ kiện hành chính đối với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp này đang hoàn tất các thủ tục và bổ sung nội dung khởi kiện đối với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Cùng với UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ bị khởi kiện, còn có 2 cá nhân và tổ chức khác cũng bị chủ đầu tư dự án này nêu ra với vai trò là người và tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan gồm: Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cá nhân Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng – ông Lê Văn Tuấn; UBND quận Ngũ Hành Sơn, cá nhân Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn – bà Nguyễn Thị Anh Thi.
DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên khởi kiện 6 văn bản hành chính liên quan đến Mường Thanh Sơn Trà mà TP Đà Nẵng, gồm: Quyết định số 5968/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2018 của Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn v/v: “Xử phạt vi phạm hành chính”; Quyết định số 07/QĐ-HBXPVPHC ngày 27/3/2019 về việc hủy bỏ Quyết định số 126/QĐ-XPVPHC ngày 26/9/2016 của Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng; Quyết định số 09/QĐ-KPHQ ngày 16/5/2019 của Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng v/v: “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”; Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 07/10/2019 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng v/v “Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”; Quyết định số 5449/QĐ-SDCCXP ngày 29/11/2019 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng v/v: “Sửa đổi, bổ sung Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 07/10/2019; Quyết định số 5326/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 của UBND TP Đà Nẵng về phê duyệt dự toán kinh phí phục vụ công tác cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục vi phạm trật tự xây dựng của công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà.
|
Khối chung cư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà
|
Kiện vì lý lẽ gì?
Theo đơn khởi kiện của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, UBND TP Đà Nẵng liên tiếp ra các Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 07/10/2019 về việc “Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với dự án Mường Thanh Sơn Trà do DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư rồi ra tiếp Quyết định số 5449/QĐ-SDCCXP, sửa đổi, bổ sung Quyết định “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với Quyết định 4527/QĐ-CCXP trước đó.
Không những vậy, ngày 09/12/2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn lại ra Thông báo số 611/TB-UBND buộc doanh nghiệp phải thực hiện các nội dung như đã nêu chưa đúng quy định, pháp lý.
"Việc khởi kiện là quyền của doanh nghiệp, còn chính quyền vẫn giữ nguyên quan điểm, quyết định của Đà Nẵng vẫn không thay đổi" - ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lởi VietTimes |
Cũng tương tự, tại Quyết định số 09/QĐ-KPHQ ngày 16/5/2019 của Chánh thanh tra Sở Xây dựng thì áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn thực hiện là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, nhưng sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, chủ đầu tư không thực hiện việc khắc phục hậu quả, Thanh tra Sở xây dựng vẫn không tiến hành cưỡng chế theo ghi nhận tại Điều 3 quyết định này.
“Do đó, việc UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 07/10/2019 nhằm đảm bảo thi hành 02 quyết định nêu trên là không đúng” – Đơn khởi kiện nêu.
Ngoài ra, theo DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, hiện trạng các tầng từ tầng 2 đến tầng 5 của công trình được mô tả trong Quyết định 4527/QĐ-CCXP không phải do tự ý chủ đầu tư xây dựng sai giấy phép được cấp, mà đã được sự đồng ý từ trung ương đến địa phương bằng văn bản cho phép chủ đầu tư chuyển đổi công năng và dự án đã hoàn thành việc thi công xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng từ tháng 5/2017.
“Việc xin điều chỉnh công năng của chủ đầu tư đã được các sở, ban ngành có thẩm quyền và UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, đồng ý cho triển khai thực hiện nhưng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan việc cấp giấy phép điều chỉnh chưa được triển khai trên thực tế” – nội dung khởi kiện nêu.
Cũng theo chủ đầu tư, một vấn đề nữa khiến doanh nghiệp này khởi kiện UBND TP Đà Nẵng ra tòa hành chính là sự bất nhất của chính quyền trong việc xử lý đối với chủ đầu tư. “Cần phải nhìn nhận một vấn đề thực tế là việc xây dựng căn hộ, việc chuyển đổi công năng của chủ đầu tư đối với dự án căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà được diễn ra công khai, chính quyền địa phương từ các sở, ban, ngành, thành phố đều biết nhưng không ngăn cản, xử phạt mà vẫn để chủ đầu tư tiến hành với mục đích là phục vụ tốt APEC 2017.
Sau đó, có sự không thống nhất giữa nội bộ chính quyền thì mọi vấn đề đều đổ dồn vào chủ đầu tư. Nếu không có sự phê duyệt về chủ trương từ trung ương đến địa phương liệu chủ đầu tư có thể thực hiện tốt công trình căn hộ và đưa vào sử dụng trong năm 2017 hay không?”- Chủ đầu tư trình bày.
Chủ đầu tư kiến nghị gì với Tòa án?
Trên cơ sở các lập luận, chủ đầu tư không đồng ý với các quyết định cưỡng chế, nên DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên yêu cầu TAND TP Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ các quyết định liên quan đã ban hành.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cho rằng, cần giữ nguyên hiện trạng căn hộ đã được phê duyệt chuyển đổi công năng theo chủ trương từ trung ương đến địa phương, do việc chưa được cấp Giấy phép xây dựng điều chỉnh chỉ là mặt hình thức, vấn đề về thời gian vì công trình đã được xây dựng kiên cố nhằm phục vụ tốt APEC 2017.
|
Một góc khối chung cư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà
|
Riêng đối với các tầng còn lại được liệt kê trong quyết định cưỡng chế thì không nhất thiết phải tháo dỡ, vì nếu tháo dỡ trong điều kiện toàn bộ khối nhà chung cư đang có người dân sinh sống là vô cùng nguy hiểm.
Bản thân chủ đầu tư thì thiệt hại mà nhà nước cũng không được lợi gì ngoài việc tháo dỡ cho đúng giấy phép được cấp. Hơn nữa, chủ đầu tư không xây dựng cao hơn độ cao được cấp, không xây lấn chiếm ra phần đất được cấp Giấy chứng nhận.
Giải pháp tốt nhất đối với chủ đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi của các hộ dân đang sinh sống trong khối chung cư là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền như Quyết định 126/QĐ-XPVPHC nêu trên.
Trong một diễn biến mới, DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm dừng hành vi hành chính đối với UBND quận Ngũ Hành Sơn, vì cho rằng, đây là trường hợp khẩn cấp liên quan đến quý trình giải quyết vụ án, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, chờ kết quả xét xử của vụ án.
31,878 tỷ đồng là dự toán chi phí tháo dỡ sai phạm tại Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà Theo Thông báo số 611/TB-UBND ngày 09/12/2019 của UBND quận Ngũ Hành Sơn về việc chấp hành Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 07/10/2019 và Quyết định số 5449/QĐ-SĐCCXP ngày 29/11/2019 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với các sai phạm tại dự án này thì thời gian di dời người và tài sản sẽ được thực hiện từ ngày 10/12/2019 đến ngày 10/01/2020; Thời gian ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ internet, cáp truyền hình và các dịch vụ truyền thông khác tại các tầng, các căn hộ vi phạm sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 12/01/2020; Thời gian tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm bắt đầu từ ngày 24/02/2020. Đặc biệt, theo Quyết định số 5326/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 của UBND TP Đà Nẵng dự toán chi phí tháo dỡ các hạng mục vi phạm tại đây lên đến 31,878 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí sẽ do chủ đầu tư dự án chi trả nếu chủ đầu tư không tự nguyện thực hiện các biện pháp tháo dỡ. |