Trước đó, ngày 30/10, Formosa Hà Tĩnh (Formosa) có báo cáo tình hình quản lý, xử lý tro bay, thạch cao phát sinh từ nhà máy điện Formosa. Theo đó, một nội dung trong báo cáo này là Formosa xin ý kiến Bộ Xây dựng cho phép kinh doanh sản phẩm tro bay như một loại vật liệu xây dựng.
Theo giải thích của Formosa, tro bay là chất thải có nguồn gốc từ việc đốt than để sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện. Việc thu hồi được nguồn tro này là cần thiết và bắt buộc, đồng thời loại tro này có tính chất tốt để dùng làm phụ gia cho sản xuất xi măng, phụ gia cho bê tông cường độ cao.
Tro bay là loại phế thải tận thu từ ống khói qua hệ thống nồi hơi tinh luyện loại bỏ bớt các thành phần thanchưa cháy hết. Thành phần của tro bay thường chứa các silic oxit, nhôm oxit, canxi oxit, sắt oxit, magie oxit và lưu huỳnh oxit, ngoài ra có thể chứa một lượng than chưa cháy.
Còn theo quy định tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 12/4/2017, tro bay của Formosa phù hợp với Quy chuẩn quốc gia QCVN 16:2014/BXD. Và được coi là sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, được phép kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, các hoạt động xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện, phân bón, hóa chất, sản xuất thép và các cơ sở công nghiệp khác có phát sinh thải tro, xỉ, thạch cao được việc khuyến khích sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng.
Ở Việt Nam, sản phẩm tro bay, hoặc xỉ lò nhiệt điện được sử dụng phổ biến để sản xuất các loại gạch không nung và trong nhiều loại vật liệu khác. Tuy nhiên, một thống kê cho biết, Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, hàng năm tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ…. Dù các nhà máy đều nỗ lực tìm cách tiêu thụ số tro xỉ này nhưng kết quả đạt được chưa thực sự khả quan. Tro xỉ nhiệt điện đang trở thành nguy cơ ô nhiễm môi trường và nguy cơ bất ổn xã hội lớn với chính các nhà máy nhiệt điện này.