|
Ảnh minh họa |
Trong văn bản, VSSA kiến nghị 3 vấn đề: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương ban hành cơ chế chính thức và thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường; tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan năm 2017 trong quý I năm 2017; đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 100% là đường thô.
Theo VSSA, việc cho nhập khẩu 100% đường thô theo hạn ngạch thuế quan sẽ góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
VSSA lấy ví dụ trong phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập 85.000 tấn đường do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, nếu 45.000 tấn đường tinh luyện chuyển sang đường thô sẽ tiết kiệm được 4,5 - 5,4 triệu USD do giá nhập đường tinh luyện cao hơn đường thô từ 100 đến 120 USD mỗi tấn.
Trong khi đó, chênh lệch mức giá đấu thầu sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu giữa đường thô và đường trắng tinh luyện vừa qua không nhiều, chỉ khoảng 156.000 đồng một tấn.
Do đó, nhập khẩu đường thô Nhà nước cũng sẽ thu thêm được các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường khi họ nhập về sẽ sản xuất ra đường tinh luyện để tiêu thụ.
Được biết, trong phiên đấu giá 85.000 tấn đường trên đã thu về cho nhà nước 138 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý ở đây là việc mặc dù từ năm 2012, VSSA đã có ý kiến đề xuất về vấn đề này, tuy nhiên Bộ Công Thương đã không quan tâm đến những ý kiến này, thay vào đó, bộ vẫn điều hành theo cơ chế xin-cho. Nghĩa là, trong nhiều năm qua, mỗi năm Chính phủ đã không thu được đồng nào từ hạn ngạch nhập khẩu đường.
Theo thống kê của VSSA, trong bốn năm (2012-2015), đường trong hạn ngạch vẫn nhập về nhưng Chính phủ không thu được một đồng nào. Số tiền ước tính “bị mất đi” khoảng 500 tỉ đồng.