Theo đó, đây là doanh nghiệp “con” của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Nhiệm vụ là chuyên nhập khẩu các mặt hàng của tập đoàn tại Lào, Campuchia về bán tại Việt Nam, trong đó có sản phẩm đường
Theo “phân trần” của công ty, việc nhập khẩu sản phẩm đường mía từ Lào về Việt Nam là thực hiện theo Hiệp định thương mại biên giới Việt – Lào được ký ngày 27/6/2015 và đã có hiệu lực từ tháng 1/2016.
Với Hiệp định này, Việt Nam và Lào sẽ dành ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ hai nước. Đồng thời dành ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, miễn các hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam.
Hiện, Công ty TNHH MTV kinh doanh XNK Hoàng Anh Gia Lai đã được cấp giấy chứng nhận thương nhân biên giới – điều kiện cần để được hưởng ưu đãi khi nhập khẩu về Việt Nam
Tuy nhiên, khi thực hiện nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam thì phát sinh rắc rối. Theo trình bày của công ty, tại điều 7 hiệp định thương mại biên giới Việt – Lào thì mặt hàng đường không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, cũng không chịu hạn ngạch nhập khẩu.
Nhưng do chưa có hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường theo hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào, nên nếu muốn nhập khẩu tại thời điểm này, thì thủ tục áp dụng lại là Thông tư 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương, quy định Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch thuế quan.
Theo thông tư này, mặt hàng đường nếu đã được cấp hạn ngạch thì hưởng thuế suất là 2,5%, nếu không có hạn ngạch thì chịu thuế suất lên tới 85%. Và nếu thực hiện nhập khẩu theo “thủ tục” này, thì đường của Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu từ Lào về sẽ phải chịu thuế nhập khẩu là 85%.
Được biết, quá trình chuẩn bị, đàm phán hiệp định, ký kết và chờ hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào có hiệu lực áp dụng… ít nhất cũng kéo dài vài năm. Nhưng cho đến nay, khi hiệp định đã có hiệu lực, mà vẫn chưa có hướng dẫn thủ tục thì quả là điều khó hiểu.
Do vậy, Hoàng Anh Gia Lai lại phải làm điều oái oăm, là làm đơn “xin” các Bộ chủ quản cho doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đường theo hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào. Trong khi đây lại là ưu đãi mà mặc nhiên doanh nghiệp phải được hưởng, không cần phải xin, khi hiệp định có hiệu lực áp dụng.
Năm 2015, chuyện Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường do doanh nghiệp này tự sản xuất từ Lào đã làm hơn 40 nhà sản xuất đường trong nước lo ngại. Vì đường Hoàng Anh Gia Lai đề nghị nhập về có khối lượng lớn (50.000 tấn), lại được ưu đãi thuế rất "đặc biệt" chỉ là 2,5%, do căn cứ theo thông tư số 08/2015/TT-BCT ngày 27/05/2015 của Bộ Công Thương.
Hiện cũng chỉ duy nhất Hoàng Anh Gia Lai đã có sản phẩm đường tự đầu tư sản xuất tại Lào nhập về Việt Nam. Do vậy, cũng có thể thấy lợi thế thuế suất 0% khi nhập khẩu đường từ Lào về theo Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào, nếu được áp dụng, cũng chỉ dành cho một mình Hoàng Anh Gia Lai.
Tuy nhiên, thực tế là hiệp định được ký kết nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai nước Việt – Lào, nên đương nhiên phải có ưu đãi hấp dẫn. Nói cách khác là nếu Hoàng Anh Gia Lai được nhập đường từ Lào về với thuế suất ưu đãi thì cũng là điều bình thường, nên khuyến khích.