|
Các học giả Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh công nghê với Hoa Kỳ. Nguồn: SCMP |
“Khoa học không có biên giới, nhưng nếu có, Mỹ phải cảm ơn Trung Quốc vì đã góp phần xây dựng cho Washington thành một cường quốc công nghệ như hiện nay”, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đăng tải.
Theo nghiên cứu trong một cuốn sách gần đây của giáo sư Đại học Harvard, R.Kerr, hơn 10% các phát minh của Hoa Kỳ ngày nay được thực hiện bởi các nhà khoa học gốc Hoa. Một điều đáng chú ý nữa, hầu hết các nhà khoa học trí tuệ nhân tạo ở Mỹ đều là những người nhập cư đến từ Trung Quốc, theo nghiên cứu của Viện MacroPolo.
Các nhà khoa học gốc Hoa, những người góp phần tạo nên hệ sinh thái công nghệ cho Hoa Kỳ, hiện đang đối mặt với nguy cơ bị chính phủ giám sát vì lo ngại họ có thể làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Kerr, Giáo sư chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Harvard cho biết: “các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang làm tổn thương tài sản trí tuệ của nước Mỹ”. “Nỗ lực cô lập và giảm thành phần trí thức gốc Hoa sẽ gây ra hậu quả lâu dài khó khắc phục cho đất nước của chúng ta”, ông Kerr nói.
Làm thế nào để bảo vệ tài sản trí tuệ mà không làm mất đi những tài năng hàng đầu thế giới là một thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Vì có rất nhiều nhà khoa học đến từ Trung Quốc hoặc có gốc Trung Quốc đang đóng góp rất nhiều cho tiến trình phát triển khoa học - công nghệ của Hoa Kỳ. Hiện tại, họ đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung.
Ngoài các nhà khoa học, những du học sinh Trung Quốc đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cũng phải đối mặt với những khó khăn như thời gian thị thực ngắn hơn và những yêu cầu gây khó dễ từ phía các nhà quản lý. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo vào đầu tuần này về những rủi ro khi học tập tại Mỹ, kêu gọi sinh viên và các học giả nên cân nhắc lại quyết định học tập và làm việc tại Mỹ sau khi tỷ lệ từ chối visa ở Hoa Kỳ đối với người Trung Quốc tăng vọt.
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị từ chối truy cập vào một số cơ sở nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Vào giữa tháng 5/2019, Đại học Emory có trụ sở tại Georgia đã bất ngờ sa thải một giáo sư người Mỹ gốc Hoa vì cho rằng vị giáo sư này đã nhận sự tài trợ “mờ ám” từ Trung Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, hợp tác giáo dục là một yếu tố góp phần làm khăng khít hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự gia tăng số lượng sinh viên và các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo nên sự đa dạng trong các trường đại học tại Mỹ. Sự thông minh cũng như tính chăm chỉ của người Trung Quốc góp phần củng cố thông tin nghiên cứu cho các trường đại học Hoa Kỳ.
Theo giáo sư Kerr, những tài năng gốc Hoa đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khoa học Hoa Kỳ, từ khoa học máy tính đến công nghệ sinh học trong suốt 40 năm qua. “Trò chơi mà ông Trump tạo ra với Trung Quốc có tổng bằng 0. Nó chỉ khiến các nhà khoa học, trí thức gốc Hoa ngày càng xa rời các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Mỹ”, ông Kerr nhấn mạnh.
Các nhà khoa học và sinh viên gốc Hoa bị một số chính trị gia Hoa Kỳ coi là đặc vụ của Bắc Kinh, giúp chính Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc tìm cách vươn mình bằng mọi giá, vận dụng mọi thủ đoạn lợi dụng một loạt các doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức để làm gián điệp, theo bài phát biểu của ông Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang vào đầu tháng 4/2019.
Vào tháng 9/2018, một sinh viên kỹ thuật điện người Trung Quốc tên là Ji Chaoqun đã bị bắt ở Mỹ với tội danh làm điệp viên bất hợp pháp cho một một sĩ quan tình báo cấp cao của Bộ An ninh Trung Quốc, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Theo đó, một email mà sinh viên Ji gửi về Trung Quốc từ hai năm trước được cho là có báo cáo về lý lịch của 8 cá nhân đang làm việc tại Hoa Kỳ nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyển dụng những “gián điệp tiềm năng” cho Bắc Kinh. FBI lo ngại rằng các trường đại học Hoa Kỳ đang trở thành mục tiêu cho các dịch vụ tình báo nước ngoài nhằm tiếp cận phi pháp các công nghệ mới của Mỹ.
Những quan ngại này ngày càng tăng lên khi một thống kê gần đây cho biết nhiều nhà khoa học và sinh viên Trung Quốc đã quay trở về quê hương sau nhiều năm học tập và làm việc tại Mỹ. Trong số những sinh viên Trung Quốc đã lấy bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ vào năm 2003, 86% trong số họ vẫn ở lại Mỹ tính đến năm 2013. Nhưng xu hướng đó đã thay đổi trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, gần 5,86 triệu người Trung Quốc đã học ở nước ngoài từ năm 1978 đến cuối năm 2018. Trong số đó, hơn 1,53 triệu người vẫn đang trong quá trình học tập và thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài. Có khoảng 85% còn lại đã hoàn thành việc học và lựa chọn quay trở về Trung Quốc làm việc.
|
Theo giáo sư Kerr của Đại học Harvard, những tài năng gốc Hoa đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khoa học tài Hoa Kỳ từ khoa học máy tính đến công nghệ sinh học trong suốt 40 năm qua. Ảnh: SCMP
|
Cách đây một năm, nếu bạn là một kỹ sư công nghệ, bạn sẽ rất khó có thể tìm được một công việc tử tế ở Trung Quốc, Matt Sheehan, một nhà khoa học đang làm việc tại Viện Paulson ở Chicago cho biết. Nhưng hiện tại, hệ sinh thái công nghệ ở Trung Quốc đã phong phú hơn rất nhiều. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Thung lung Silicon đã lựa chọn quay trở về Trung Quốc khởi nghiệp, nơi học tìm được sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa.
Theo những nghiên cứu mới nhất, Mỹ vẫn là “miền đất hứa” cho những tài năng hàng đầu của Trung Quốc cả về học tập lẫn công việc. Trong lĩnh vực AI, nơi mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh kịch liệt với nhau để giành vị trí thống lĩnh toàn cầu, 20% tài năng nghiên cứu AI hàng đầ thế giới đều là người gốc Hoa. Trong số đó, gần 60% đang thực hiện các liên kết với các tổ chức ở Hoa Kỳ hoặc làm việc tại quốc gia này.
Chảy máu chất xám?
Sự thay đổi trong chính sách và mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến Hoa Kỳ mất dần vị thế là điểm đến lý tưởng cho dân công nghệ gốc Hoa.
Trung Quốc đã đưa ra một số chương trình nhằm thu hút tài năng, cạnh tranh với các gói đào tạo của nước ngoài với những khoản tài trợ hậu hĩnh và giảm thuế.
Các chương trình này là một phần của nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài. Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhiều lần kêu gọi giới công nghệ Trung Hoa tự thân xây dựng các công nghệ cốt lõi.
Các trường đại học Hoa Kỳ hiện vẫn đang đứng đầu thế giới cả về giáo dục lẫn nghiên cứu. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại - công nghệ với Trung Quốc hiện nay rất có thể sẽ thay đổi thế trận này. Các chính sách mới của Tổng thống Trump đang khiến người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc ở khắp mọi nơi trên thế giới xích lại gần nhau hơn, gây tổn hại tới lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ, ông Qian, một người từng lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành kinh tế tại Đại học Rice, Texas, Hoa Kỳ cho biết. Vị tiến sĩ này hiện đã quay trở về Trung Quốc làm việc sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu sinh tại Mỹ.
Một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, Đại học Tế Nam tại Quảng Châu đã đề nghị nhận hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa bị Đại học Emory sa thải.
Vào cuối tháng 5/2019, Song Xianzhong, Chủ tịch của Đại học Tế Nam cho biết trường đại học của ông sẽ sẵn lòng chào đón giáo sư Li Xiaojiang và vợ của ông, Li Shihua cũng như nhóm nghiên cứu của họ trong trường hợp họ muốn quay trở về Trung Quốc làm việc.
“Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhân tài. Chúng tôi tin rằng nhiều trường đại học Trung Quốc sẽ mở cửa chào đón các học giả bị Mỹ sa thải trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ, họ sẽ là nguồn lực mới đóng góp cho sứ phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc nếu học quay trở lại quê hương”, ông Song nói.
Theo SCMP