Công nghệ đang giúp Trung Quốc chống lại sa mạc hóa như thế nào?

VietTimes -- Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực chống lại sa mạc hóa từ năm 1978. Ra mắt vào năm 2016, chương trình Ant Forest đã thu hút được 500 triệu người dùng, trồng được hơn 100 triệu cây xanh.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, sáng kiến ​​Ant Forest của Alipay đã thu hút 500 triệu người dùng, trồng được hơn 100 triệu cây xanh ở những vùng khô cằn nhất của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, sáng kiến ​​Ant Forest của Alipay đã thu hút 500 triệu người dùng, trồng được hơn 100 triệu cây xanh ở những vùng khô cằn nhất của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Bão cát, sa mạc hóa là nỗi sợ hãi thường trực của cư dân Đôn Hoàng – một thị trấn nhỏ của Trung Quốc nằm ở rìa sa mạc Taklamakan và Gobi.

Liu Hongwen, 56 tuổi chia sẻ rằng những trận bão cát khiến tầm nhìn của con người bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí ông còn không nhìn thấy rõ người đứng ngay bên cạnh mình. Ông kể rằng ông từng bị lạc khi đi từ trường tiểu học về nhà sau một trận bão cát. “Điều tốt nhất bạn nên làm khi gặp bão cát là nằm xuống và chờ cơn bão đi qua”, ông Liu nói. Hiện tại, ông đang làm việc tại một trung tâm công nghệ chống sa mạc hóa ở Đôn Hoàng.

Vào những năm 1990, những trận bão cát mạnh đến nỗi có thể thổi bay cả một đàn gia súc, Zhuang Run, một người sống ở làng Đôn Hoàng kể lại.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chiến dịch chống lại sa mạc hóa từ nhiều thập kỷ qua bắt đầu bằng việc trồng cây xanh trên các sa mạc khô cằn. Những cơn gió lớn quét qua sa mạc Trung Quốc thậm chí còn có thể mang theo cát và bụi đến tận Hàn Quốc  và miền Tây Nhật Bản.

Tại Nội Mông, nơi có nhiều sa mạc lớn ở Trung Quốc, chính phủ và người dân đã trồng được hơn 1,7 tỷ cây trên khoảng 400.000 ha đất kể từ năm 1981, theo Tân Hoa Xã đưa tin.

Những nỗ lực chống sa mạc hóa của Trung Quốc đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ các công ty công nghệ cao, điển hình là Ant Financial, một công ty có thế mạnh bậc nhất trong thị trường thanh toán trực tuyến thông qua dịch vụ tài chính Alipay. Ant Financial đã phát triển một ứng dụng mang tên Ant Forest. Khi người dùng thanh toán hóa đơn trực tuyến hay lựa chọn đi lại bằng phương tiện công cộng, những hoạt động này sẽ được ứng dụng chuyển thành điểm để nuôi các cây xanh ảo.

Khi đủ điểm, người dùng có thể chọn đổi cây ảo thành một cây xanh thực thụ. Cây xanh này sẽ được trồng ở sa mạc Gobi. Mọi chi phí trồng cây sẽ do Ant Financial chi trả. Vào tháng 4/2019, Ant Financial cũng tuyên bố sẽ hợp tác với những tổ chức tình nguyện khác để trồng khoảng 10.000 cây Musaxaul, một trong những loại cây chịu hạn tốt nhất ở Đôn Hoàng mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Người dùng ứng dụng Ant Forest có thể theo dõi các cây của mình trên sa mạc Gobi thông qua hình ảnh vệ tinh. Ảnh: SCMP
Người dùng ứng dụng Ant Forest có thể theo dõi các cây của mình trên sa mạc Gobi thông qua hình ảnh vệ tinh. Ảnh: SCMP

Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, Ant Forest đã thu hút được 500 triệu người dùng chuyển đổi điểm biến cây ảo thành hơn 100 triệu cây thật, theo một tuyên bố của công ty Ant Financial. Cây đã được trồng ở các khu vực khô cằn nhất của Trung Quốc bao gồm Nội Mông và tỉnh Tây Bắc Cam Túc, có tổng diện tích 933 km vuông, tương đương với 130.000 sân bóng đá.


Với ứng dụng Ant Forest, người dùng có thể theo dõi cây thực của họ thông qua hình ảnh vệ tinh và từ các máy bay không người lái, theo Ant Financial.

Ông Eric Jing Xiandong, chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành của Ant Financial đã có bài phát biểu bảo vệ môi trường ở Đôn Hoàng trong ngày lễ trồng cây ở thị trấn này.

Eric Jing Xiandong, chủ tịch điều hành và giám đốc điều hành của Ant Financial Services, cho biết sáng kiến Ant Forest của công ty có thể giúp khám phá và thực hiện các cách khai thác công nghệ cho một tương lai bền vững.
Eric Jing Xiandong, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành của Ant Financial Services cho biết sáng kiến Ant Forest của công ty có thể giúp cộng đồng khai thác công nghệ cho mục đích bảo vệ môi trường một cách bền vững. Ảnh: SCMP

“Ant Forest là một nền tảng mở, nơi người tiêu dùng, các tổ chức từ thiện và các đối tác bảo vệ hệ sinh thái, có thể cùng nhau khám phá và khai thác công nghệ để bảo vệ môi trường sống của chính mình”, ông Jing phát biểu.


Tính đến tháng 3/2019, có tổng cộng 10.000 cây Musaxaul đã được trồng ở khu vự rìa sa mạc Kumtag. Trong vòng ba năm, rễ của chúng sẽ bám sâu vào lòng đất mà không cần đến việc tưới nước nhân tạo. Số cây xanh này dự kiến sẽ tạo ra một hàng rào tự nhiên ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa và bảo vệ dòng sông cung cấp nước ngọt cho thị trấn trong tương lai, một cán bộ lâm nghiệp Đôn Hoàng cho biết.

Trước khi hợp tác với Ant Forest, Đôn Hoàng đã trồng được khoảng 3.000 đến 5.000 cây Musaxaul mỗi năm. Trong khi năm nay, dự án có thể tăng số lượng cây lên khoảng 10.000 cây Mu, ông Liu nói thêm.

Đôn Hoàng đang nỗ lực để không bị rơi vào số phận giống như Loulan, một vương quốc ốc đảo cổ xưa trên Con đường tơ lụa ở Tân Cương ngày nay đã bị sa mạc Taklamakan nuốt chửng.

Theo SCMP