Việt Nam cần làm gì sau 4 lần lỡ nhịp sản xuất bán dẫn?

E-magazine Việt Nam cần làm gì sau 4 lần lỡ nhịp sản xuất bán dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

GS Đặng Lương Mô, chuyên gia lão thành về vi mạch bán dẫn, cho rằng nếu Việt Nam chọn cách chuyển giao công nghệ thì sẽ là lỗi thời. Chúng ta cần trả tiền để mua công nghệ một cách sòng phẳng, không nên học mót công nghệ.

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Quan tâm đến Chiến lược này, Giáo sư Đặng Lương Mô, chuyên gia lão thành về vi mạch bán dẫn, người dành phần lớn cuộc đời sống và làm việc tại Nhật Bản, đã chia sẻ với VietTimes về những vấn đề được cho là khó khăn khi phát triển công nghệ bán dẫn cũng như những đề xuất của ông với Chính phủ trong những năm qua.

tit phu bd 1.jpg

- Chính phủ vừa ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trong đó đề ra một số mục tiêu cho 3 giai đoạn phát triển như thu hút FDI, xây dựng nhà máy bán dẫn. Là một chuyên gia kỳ cựu về bán dẫn, xin giáo sư đánh giá tổng quát về Chiến lược này?

- Trong giai đoạn soạn thảo Chiến lược, tôi đã có hân hạnh góp ý. Những góp ý của tôi, theo tổ phụ trách soạn thảo Chiến lược, đã được ghi nhận 100%. Cụ thể là tên “Chiến lược Phát triển Công nghiệp bán dẫn” là do tôi đề xuất.

Nó thực sự giúp công nghiệp bán dẫn Việt Nam cất cánh hay không là tùy theo chúng ta triển khai và xử lý chiến lược.

- Những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn hiện mang tính tổng quát. Theo giáo sư, đối với mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn, chính phủ cần có những biện pháp cụ thể nào, giao cho bộ ngành nào, để đạt được nhiều nhất nguồn vốn FDI cho bán dẫn?

- Chiến lược chỉ cần ghi mục tiêu chung chung thôi. Còn khi triển khai, thực hiện thì các bộ phận chuyên trách sẽ chi tiết hóa mục tiêu đó. Chẳng hạn lấy ví dụ dự án VL Project 1976-1980 của Nhật Bản có mục tiêu “chế tạo đại trà chíp vi mạch siêu quy mô,” nghĩa là tích hợp hơn 1 triệu thành tố trên một chip. Chiến lược chỉ là “chung chung” như vậy thôi, nhưng hơn 100 nhà nghiên cứu chuyên trách sẽ phải “phân tích, mổ xẻ” tìm ra những việc gì phải làm để đạt mục tiêu.

Từ việc phân tích này, người ta mới định nghĩa được cần phải làm gì, phải phát triển công nghệ mới nào, phải tạo ra máy móc hoặc trang thiết bị tân kỳ nào để hiện thực hóa mục tiêu đó. Chứ ngay từ đầu, có ai hiểu được phải thực sự làm gì đâu.

- Đối với đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, chính phủ cần những chính sách và bước đi cụ thể nào để đạt được mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn có chất lượng cao?

Đây chỉ là chuyện nhỏ. Chẳng phải Chính phủ đã chọn 18 đại học để đầu tư cho đào tạo nhân lực bán dẫn đó sao? Rồi Đại học Quốc gia TP HCM đã chẳng cam kết đào tạo 10 ngàn kỹ sư bán dẫn đó sao? Rồi Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội,… tất cả những trường lớn này đều tập trung đào tạo thì vấn đề 50.000 kỹ sư bán dẫn chỉ là chuyện nhỏ.

Chưa kể, còn một số lượng rất lớn lưu học sinh Việt Nam ra nước ngoài học nữa. Chỉ cần hướng cho họ thấy tương lai tốt đẹp khi về nước góp sức cho ngành bán dẫn, thì lo gì không đủ số 50.000 kỹ sư bán dẫn chất lượng cao.

- Còn với việc xây dựng 1-3 nhà máy sản xuất chip. Đây có phải một mục tiêu khó khi xây dựng một nhà máy sản xuất chip có thể tốn từ 10-20 tỉ USD, chưa kể việc được chuyển giao các công nghệ tiên tiến bên trong?

trich dan bd 1 update.jpg

Vấn đề xây 1-3 nhà máy thật ra cũng chẳng phải chuyện tày trời gì cả. Trước nhất là vấn đề tiền đầu tư. Có tiền đầu tư không? Có chứ! Thiếu gì! Chỉ cần hướng số tiền thu hồi lại được từ những vụ Trương Mỹ Lan và những vụ tương tự, ta sẽ có hàng triệu tỉ đồng (tương đương với hàng chục tới hàng trăm tỉ USD) để đầu tư cho nhà máy bán dẫn. Tiền thì chỗ nào có vẫn có đấy! Đây là nói “tự lực cánh sinh”, chứ chưa nói đến kêu gọi đầu tư FDI!

Còn chuyển giao công nghệ ư? Thời đại bây giờ, với một quốc gia “không nhỏ” như Việt Nam ta, chuyển giao công nghệ là lỗi thời! Bây giờ là mua công nghệ, trả tiền sòng phẳng, chứ không phải là học mót, hoặc “đánh cắp" công nghệ.

70 năm trước, sau khi thua trận ở Thế chiến II, Nhật Bản đã tỉnh ngộ ra là mình thua kém Mỹ về mọi mặt, nên người ta đã chịu “mua công nghệ” của Mỹ để phục hồi nền kinh tế. Nhờ vậy mà chỉ 22 năm sau 1945, năm 1967 Nhật Bản đã nghiễm nhiên trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, địa vị này Nhật Bản duy trì cho tới năm 2011 mới nhường cho Trung Quốc với dân số gấp 15 lần Nhật Bản.

- Để chiến lược bán dẫn thành công thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo giáo sư, khối tư nhân sẽ đóng vai trò gì trong chiến lược này và họ nên làm gì để đóng góp cho sự thành công của chiến lược?

Có chứ! Tư nhân vốn là một trong 3 thành phần trụ cột của thành công. Hãy nhìn sang khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)) và Đông Nam Á (Singapore), chẳng phải tất cả đều vươn lên có thu nhập/đầu người cao ngất ngưởng là nhờ “công thức thành công” kiểu Nhật Bản: San-Gaku-Kan (Industry-University-Government) đó sao?

Industry ở mấy nước chưa phát triển, thì có khi cũng là Government. Nhưng ở những nước phát triển (Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản...), tất cả những Industry thuộc sở hữu Nhà nước đều đã trở thành tư nhân. Lịch sử đã chứng minh Industry do Government “cầm trịch” đều “thua lỗ”. Chỉ sau khi “tư nhân hóa” mới có lời và như vậy mới đứng vững và phát triển.

tit phu bd 2.jpg

- Giáo sư từng nói rằng Việt Nam đã 4 lần lỡ hẹn với sản xuất bán dẫn. Vậy cơ hội từng đến với chúng ta như thế nào?

- Ngày 2/4/2003, tôi trở về Việt Nam sau 40 năm học và lao động ở Nhật Bản. Trong số các bạn học cùng khóa với tôi ở Đại học Tokyo có nhiều người thành đạt, giữ những vị trí quan trọng trong học giới, giới nghiên cứu cũng như giới kinh doanh. Một trong những người như vậy là Tasaki Kimio, Tổng Giám đốc Cty Nippon Telephone & Telegraph-Advanced Technology (viết tắt là NTT-AT). Đây là một thành viên của Tập đoàn khổng lồ NTT, chuyên trách việc chuyển giao công nghệ do NTT phát triển ra.

NTT có nhiều viện nghiên cứu ở khắp nước, bao trùm hết mọi lĩnh vực của thông tin truyền thông, kể cả một viện chuyên về bán dẫn vi mạch đặt ở thị trấn Atsugi, khá gần thủ đô Tokyo. Viện nghiên cứu Bán dẫn Vi mạch Atsugi này đã hoàn thành công nghệ chế tạo bán dẫn vi mạch từ A đến Z, nhưng theo luật Nhật Bản, NTT không được phép chế tạo đại trà bất cứ sản phẩm gì, nghĩa là không được phép có xưởng chế tạo, nhưng lại có “nghĩa vụ” phải chuyển giao tất cả công nghệ đã nghiên cứu phát triển ra.

Tổng giám đốc Tasaki có ý tốt, muốn chuyển giao công nghệ chế tạo bán dẫn vi mạch đó “miễn phí” cho Việt Nam. Về đến TP.HCM, tôi liền tìm đến Đại học Bách khoa TP.HCM, gặp Hiệu trưởng Phan Thị Tươi, đề nghị tiếp nhận gói viện trợ quý giá nói trên. Ý định của tôi là lập ra một Trung tâm hoặc Viện Nghiên cứu tương tự như EDRC (Electron Device Research Center) của Đại học Toyohashi ở Nhật Bản, một đại học sở hữu một cơ sở nghiên cứu và đào tạo về chế tạo bán dẫn vi mạch dùng chung cho nhiều các đại học khác ở Nhật Bản.

Hiệu trưởng Phan Thị Tươi tức thời đồng ý và đã chỉ định một khu đất (nay là Khoa khoa học ứng dụng) để xây một tòa nhà (Đại học Bách khoa TP.HCM sẽ đảm nhận phần kinh phí xây dựng) cho trung tâm nghiên cứu đó.

dlm 7.jpg
GS Đặng Lương Mô chụp ảnh cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Sau đó, trong suốt thời gian còn lại của năm 2002, phía Nhật Bản đã cử 5-7 người nhiều lần sang để cùng với nhóm Đại học Bách khoa TP.HCM thảo ra một dự án lấy tên là Center for MicroElectronics Fabrication (CMEF), nhằm kịp trình xin Viện trợ ODA “không hoàn trả” năm tài khóa 2003, trị giá 819.500.000 JPY (7,5 triệu USD; nếu tính theo giá vàng tăng 11,2 lần trong 21 năm qua, số tiền này tương đương với khoảng 83 triệu USD năm 2024). Với uy tín và ảnh hưởng lớn của NTT, người ta tin rằng nếu phía Việt Nam “tha thiết” muốn có công nghệ chế tạo bán dẫn – vi mạch đó, Grant Aid sẽ được chấp thuận.

Vấn đề là những người “tha thiết” muốn có công nghệ lại không phải là những người có quyền quyết định cho dự án được thông qua một cách “tha thiết”. Trong khi đó, thì phía có quyền quyết định có lẽ chưa nhìn thấy “giá trị” của công nghệ bán dẫn vi mạch ở thời điểm hai chục năm trước đây đó. Đồng thời, phía “xin” xem ra lại chưa đủ "hiểu chuyện”, nên đã không nhận được một quyết định “tha thiết”.

Tóm lại sự không “ăn khớp” giữa 2 phía như vậy đã khiến cho dự án CMEF chỉ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thứ tự ưu tiên là 5/7, nghĩa là đứng thứ 5 trong 7 dự án xin viện trợ ODA của Nhật Bản năm 2003. Dĩ nhiên, Nhật Bản sẽ không cấp viện trợ ODA "không hoàn trả" cho một dự án bị đánh giá ưu tiên thấp như vậy. Thế là mọi công sức đều bị đổ sông, đổ bể.

Nhật Bản, sau đó đã đem y nguyên Dự án CMEF này viện trợ cho Malaysia. Nhờ đó, Malaysia đã chế tạo bán dẫn vi mạch được ngay từ thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI.

Lần “thất bại” thứ hai trầm trọng hơn, vì nó liên quan đến nhiều người, nhiều tập thể. Năm 2012, trong lúc Trung tâm ICDREC đang có một số thành tựu nhất định, thì TP.HCM, với sự tham gia trực tiếp của ICDREC và một số sở ban ngành của thành phố, đã đưa ra một Dự án Phát triển Công nghệ Vi mạch giai đoạn 2012-2020, trong đó có lồng một Nhà máy chế tạo vi mạch công nghệ dưới 300 nm, với dự kiến chi phí khoảng hơn 300 triệu USD.

Về sau, dự toán cho Nhà máy đã tăng lên 700 triệu USD. Dự án tới năm 2017 đã được nâng lên thành Dự án cấp Quốc Gia, giao cho TP.HCM phụ trách. Tuy nhiên, khi người chỉ đạo dự án đổi công tác, thì dự án “ngủ luôn” cho đến nay.

Thật ra, ý định có nhà máy đã có từ năm 2007, khi Tổng Công ty Công nghiệp Sài-Gòn (CNS) đưa ra dự án Nhà máy chế tạo vi mạch, với sự tư vấn của một Việt kiều Đức, một người có kinh nghiệm nhiều năm về chế tạo vi mạch. Lúc đầu, dự toán cho Nhà máy chỉ là 175 triệu USD. Dĩ nhiên là dự toán như vậy là quá “khiêm tốn”. Nhà máy không được thực hiện, một phần là vì CNS thay đổi cấp lãnh đạo: Lãnh đạo mới đã “hủy” kế hoạch đi!

phong thiet ke vi mach ban dan.jpg
Phòng Thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Lần “thất bại” thứ ba liên quan đến Công nghệ “Xưởng Cực Tiểu (Minimal Fab)”, một công nghệ hoàn toàn mới, mà nhà sáng chế người Nhật (TS Hara Shiro, thuộc Viện Nghiên cứu Tổng hợp Kỹ thuật Công nghiệp, tiếng Nhật: 産 業 技 術 総 合 研 究 所 , tiếng Anh: National Institute of Advanced Industrial Science and Technology (Viện Quốc gia Khoa học Công nghệ Công nghiệp) nói là “chỉ tốn tiền đầu tư bằng 1/1000 một nhà máy chế tạo Vi mạch lớn (Mega Fab) và chỉ chế tạo một số lượng rất ít vi mạch, thậm chí một con chip.

Ở Nhật Bản, Cơ quan Khai thác Vũ trụ Hàng không Nhật Bản (Japan Aerospace Exploration Agency 宇宙航空研究開発機構), viết tắt là JAXA, dùng Xưởng Cực Tiểu để chế tạo vi mạch số lượng rất ít dùng cho công tác khai thác vũ trụ, đồng thời cũng có một công ty ở Okinawa sử dụng Minimal Fab, nhận đặt hàng với số lượng nhỏ.

Tôi đã có bài giới thiệu chi tiết về công nghệ Xưởng Cực Tiểu này trên tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 2+3 năm 2014, từ trang 96 đến trang 100, tựa là: "Xưởng cực tiểu: Hướng đi mới cho ngành chế tạo vi mạch".

Sau nỗ lực thương lượng, phía Nhật Bản đồng ý chuyển giao công nghệ Xưởng Cực Tiểu cho Việt Nam bằng lễ ký kết Bản ghi nhớ diễn ra ngày 17/8/2016, giữa tổ chức Minimal Nhật Bản và Khu Công nghệ cao TP.HCM. Tiếc rằng bộ phận đảm nhiệm công tác tiếp nhận công nghệ Minimal Fab đó (Trung tâm Nghiên cứu Triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM) đã tự ý bỏ ngang không thực thi giao ước với Nhật Bản!

Nếu kể cả lần thất bại của Kế hoạch Z181 do Giáo sư Trần Đại Nghĩa chủ trì năm 1978, thì chúng ta đã có 4 lần "lỡ hẹn" với công nghiệp bán dẫn.

tit phu bd 3.jpg

- Theo giáo sư, chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ những lần "lỡ hẹn" kể trên?

- Với khí thế Hội nghị Diên Hồng, chúng ta trông đợi lần sắp tới sẽ thành công! Có câu “quá tam ba bận” nhưng đây là lần thứ 5. Để có thể thành công lần thứ 5 này, tôi có một kế sách nhỏ xin hiến ra đây.

Trong thời gian trên nửa thế kỷ gần đây, chúng ta đã chứng kiến 2 sự kiện thành công lớn. Cả 2 đều có chung một điều kiện cơ bản. Đó là phương thức “tập trung”, và phong cách “chuyên nghiệp!”

Sự kiện thứ nhất là Kế hoạch VL Project của Nhật Bản từ năm 1976 tới năm 1980, với mục tiêu phát triển công nghệ chế tạo “đại trà” chip vi mạch siêu quy mô (VLSI), nghĩa là những chip có độ tích hợp trên 1 triệu thành tố.

Để thực hiện Kế hoạch này, người ta đã lập ra cái gọi là Tổ hợp Nghiên cứu Công nghệ Mạch Tích Hợp Siêu Quy Mô (超 LSI 技術研究組合) gồm 6 thành phần: Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Công nghệ Điện tử thuộc Viện Kỹ thuật Công nghiệp, và 5 Công ty Công nghiệp Điện tử khổng lồ gồm Fujitsu, Hitachi, NEC, Mitsubishi và Toshiba.

5 công ty mỗi nơi đưa ra 20 nhà nghiên cứu, cộng với nhóm nghiên cứu Nhà nước của Viện Kỹ thuật Công nghiệp, tất cả đều tách rời ra khỏi nhiệm sở gốc, tập trung tại một địa điểm ở thành phố công nghiệp Kawasaki (cạnh thủ đô Tokyo), chỉ chuyên tâm hoạt động nghiên cứu cho VL Project trong suốt 5 năm. Đây chính là điểm nói là “tập trung” và “chuyên nghiệp”.

Trong thời gian 5 năm đó, Nhật Bản đã phát triển được công cụ gọi là E-beam Direct Writing System (Hệ trực tiếp kẻ đường bằng chùm tia điện tử) và tất cả quy trình chế biến chip vi mạch siêu quy mô. Nhờ thành quả này, Nhật Bản đã nghiễm nhiên trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng chip trong suốt hơn hai thập kỷ, từ năm 1980 cho đến năm 2002 mới nhường địa vị số một này cho Mỹ.

Sự kiện thứ hai là Kế hoạch Apollo của Mỹ, đưa người lên cung trăng rồi trở về an toàn.

Năm 1957, Liên Xô lần đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 lên quỹ đạo quanh Trái Đất, mở đầu cho thời đại khai thác vũ trụ của nhân loại. Mỹ cũng đã nỗ lực phát triển tên lửa với lực đẩy đủ lớn để có thể phóng vệ tinh nhân tạo, nhưng Mỹ liên tục thất bại, chưa có thành công nào để sánh với Liên Xô lúc ấy.

Phải chờ đến nhóm hơn 100 nhà khoa học tên lửa “chuyên nghiệp” của Đức Quốc xã do TS Werner Von Braun dẫn đầu, đã đào ngũ sang Mỹ vào cuối cuộc Thế chiến II, tập trung cải thiện dòng tên lửa Redstone, cũng do chính nhóm này phát triển ra, thành dòng tên lửa Jupiter C, thì ngày 31/1/1958, Mỹ mới phóng lên quỹ đạo được vệ tinh nhân tạo đầu tiên gọi là Explorer 1, nhỏ hơn Spunik 1.

trich dan bd 2 update.jpg

Rồi từ năm 1961, dưới thời tổng thống Kennedy, kế hoạch Apollo ra đời. Với nhóm nhà khoa học tên lửa “chuyên nghiệp” do Von Braun dẫn đầu “tập trung” phát triển dòng tên lửa Apollo, nên đến 20/7/1969, tên lửa Apollo 11 đã đưa 2 phi hành gia Mỹ, Neil Armstrong và Edwin (“Buzz”) Aldrin, Jr. tới cung trăng, hoàn thành sứ mạng trước khi kế hoạch Apollo kết thúc.

Từ kinh nghiệm của 2 kế hoạch có tính lịch sử như kể trên, tôi kỳ vọng: Lần thứ 5 này, chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta áp dụng đúng phương thức “tập trung” và “chuyên nghiệp” như 2 ví dụ lịch sử vừa kể!

Mới đây, Nhà nước đã quyết định đầu tư cho 18 đại học từ bắc tới nam mở Khoa đào tạo Thiết kế Vi mạch và Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Chế biến Bán dẫn. Rất đáng mừng! Rất mong đây không phải chỉ là một “phong trào”.

Chúng ta nên đầu tư “tập trung” cho vài trường “chuyên nghiệp” không phải chỉ một lần, mà nên là nhiều lần, làm sao cho mấy trường này thành công phát triển bằng được công nghệ bán dẫn trong điều kiện và khí hậu Việt Nam.

Ngay như Nhật Bản, với vị thế là nơi sở hữu nhiều công nghệ nguồn về chế tạo vi mạch từ vật liệu thô đến thành phẩm và thiết bị chế tạo, thì Nhật Bản cũng chỉ đầu tư tập trung cơ sở chế tạo vi mạch cho vài trường trong số 790 đại học: Đại học Tokyo, Đại học Tohoku, Đại học Toyohashi, Đại học Công nghiệp Kyushu.

- Xin cám ơn Giáo sư!

Giáo sư Đặng Lương Mô (sinh năm 1936) hiện là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đồng thời là cố vấn Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong sự nghiệp của mình, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển.

Giáo sư Đặng Lương Mô được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York, Hội viên thượng cấp Hội Kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ. Ông được trao tặng “Giải thưởng Vinh danh nước Việt” năm 2004 và có tên trong Danh sách những Người nổi tiếng Thế giới (Marquis Who’s Who In The World).