|
Thương chiến căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc đều ra sức tìm chiến thuật mới để công kích lẫn nhau (Ảnh: Getty) |
Chiến thuật của Trung Quốc khá đơn giản: Yêu cầu một tập đoàn lớn “tuân thủ” một số học thuyết của Bắc Kinh – như các tuyên bố chủ quyền nhạy cảm – hoặc phải đối mặt với khả năng bị tẩy chay, bị xem là vi phạm quy tắc hoặc không được phép tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc. Nếu không thực hiện được, Bắc Kinh dùng tới đòn đe dọa sẽ trình báo các công ty phương Tây này tới các lực lượng chức năng.
Tính đến nay, hoạt động hăm dọa này của Trung Quốc vẫn diễn ra mà không chịu sự trừng phạt nào. Năm ngoái, Bắc Kinh yêu cầu 38 hãng hàng không – bao gồm 3 hãng của Mỹ gồm Delta, United và American Airlines – phải hợp nhất Hong Kong, Macau, Đài Loan và Tây Tạng thành nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Nếu không tuân theo, các hãng này sẽ chịu sự truy cứu của Cơ quan Không gian mạng Trung Quốc. Tháng 1 năm nay, cơ quan này từng đóng cửa website của tập đoàn Marriot ở đại lục trong một tuần lễ.
Dù Nhà Trắng bác bỏ thông tin về điều này, nhưng chiến lược của Bắc Kinh dường như bắt chước công cụ vũ khí hóa quyền tiếp cận thị trường mà Bộ Tài chính Mỹ từng áp dụng. Trung Quốc hiện đang có tham vọng hạ bệ Mỹ khỏi ngôi vị số 1 xét về thị trường hàng không ngay trong đầu những năm 2020, từ đó biến quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc trở thành yếu tố chủ chốt đối với các hãng hàng không toàn cầu. Ngay cả khi các công ty này không hề muốn tuân thủ các chính sách của Trung Quốc, thực trạng kinh tế cũng buộc họ phải làm vậy, giống như việc hàng loạt công ty nước ngoài rút khỏi Iran để bảo vệ quyền tiếp cận các thị trường tài chính của Mỹ trước đây.
Trong quá khứ, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng phải hứng chịu sức ép từ chiến lược cấm vận không chính thức như vậy, chủ yếu đến từ Cơ quan Không gian mạng hay Cục Hàng không Dân sự Trung Quốc. Ví dụ, sau khi lắp đặt hệ thống THAAD của Mỹ trên lãnh thổ, Hàn Quốc phát hiện ra rằng các công ty của họ đang bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay, bị hạn chế quyền tiếp cận thị trường. Nhưng bằng cách hành động không chính thức, Trung Quốc vẫn né được khả năng bị kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một yếu tố quan trọng giúp chiến thuật này của Bắc Kinh thành công chính là cộng đồng cư dân mạng mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc.
Cộng đồng mạng này cũng được xem là nhóm người sẵn sàng hành động và lên tiếng. Điều này đã được chứng thực khi họ lên tiếng chống lại các làn sóng biểu tình ở Hong Kong.
Hãng hàng không Cathay-Pacific đã học được điều đó theo cách đau đớn nhất. Một số nhân viên của hãng hàng không có trụ sở tại Hong Kong này đã tham gia vào các cuộc biểu tình trong các tuần gần đây. Và để đáp trả, các công ty nhà nước Trung Quốc đã tẩy chay Cathay-Pacific, trong khi chính quyền đại lục đe dọa sẽ hạn chế không phận đối với hãng này. Cuối cùng, ban lãnh đạo của Cathay buộc phải nhượng bộ.
Tương tự, lực lượng “anh hùng bàn phím” của Trung Quốc hồi tuần trước lại chĩa mũi dùi vào 4 công ty kế toán lớn nhất thế giới – trong đó có công ty Deloitte có trụ sở tại New York, Mỹ - sau khi một số nhân viên của họ bị tố gây quỹ cho một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ người biểu tình Hong Kong, mà không bị trừng phạt.
Không giống như cuộc thương chiến, mà trong đó Mỹ có thể phản đòn Trung Quốc bằng các đòn thuế, rất khó để Washington có thể phản ứng trước chiến thuật hăm dọa công ty của Bắc Kinh. Các đòn trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc vận hành bằng cách vũ khí hóa một số yếu tố trong cấu trúc kinh tế toàn cầu. Ví dụ, Trung Quốc vũ khí hóa thị trường tiêu dùng rộng lớn của họ, trong khi Mỹ viện tới vai trò quan trọng của đồng USD trong các giao dịch và tài chính quốc tế. Cũng giống như tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với đà tăng trưởng tương lai của rất nhiều công ty nước ngoài, việc sử dụng đồng USD trong hoạt động tài chính là yếu tố quan trọng giúp các công ty tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giữ vững lòng tin của các nhà đầu tư và đối phó với các rủi ro trong tương lai.
Dù rất khó để Mỹ sử dụng các đòn trừng phạt nhằm làm suy giảm sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc, nhưng Washington có thể vạch ra một “lằn ranh đỏ” đối với từng cá nhân riêng biệt. Nếu thiếu bằng chứng chứng minh về hành động phá hoại hay bạo lực, các cá nhân này sẽ vẫn được tự do thực hiện đầy đủ quyền lợi của mình. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể đưa ra các biện pháp chống tẩy chay bằng cách tung ra nhiều lệnh cấm vận mạnh mẽ hơn.
Việc hạn chế xuất khẩu các trang thiết bị công nghệ quan trọng tới một số công ty nhất định của Trung Quốc – như Huawei hay ZTE – là một trong số những biện pháp đáp trả hiệu quả của Washington, dù nó gây rủi ro về đòn trả đũa từ phía Bắc Kinh hoặc tăng căng thẳng trong tương lai.
Theo National Interest