Chiến lược bành trướng của chủ mới Silicon Valley Bank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 'Deal' mua lại Silicon Valley Bank có thể giúp Fist Citizens trở thành ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ về quy mô tài sản, tiệm cận ngưỡng để được Fed đánh giá là có tầm quan trọng trong hệ thống.

Thương vụ SVB giúp First Citizens trở thành ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ (Ảnh: Market Insider)

Thương vụ SVB giúp First Citizens trở thành ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ (Ảnh: Market Insider)

Một tuần trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - viết tắt: SVB) được FDIC tiếp quản, Fist Citizens – nhà băng chuẩn bị kỷ niệm 125 hoạt động - đang trên hành trình từ một ngân hàng nhỏ ở vùng nông thôn North Carolina trong thế kỷ 19 trở thành một trong những định chế tài chính lớn nhất nước Mỹ.

Theo Financial Times, First Citizens - được điều hành bởi 3 thế hệ trong một gia đình - đã từng bước mở rộng bảng cân đối kế toán và giúp cho giới chủ thu về khối tài sản trị giá nhiều tỉ USD.

Với giả định sẽ 'hợp nhất' 110 tỉ USD tài sản của SVB, gồm 40 tỉ USD tiền mặt và 70 tỉ USD dư nợ cho vay khách hàng, bảng cân đối kế toán của First Citizens sẽ tăng gấp đôi, lên mức 219 tỉ USD. Điều này sẽ giúp nó trở thành ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ xét về quy mô tài sản, và tiến tới sát ngưỡng để được Fed đánh giá là có tầm quan trọng hệ thống.

Lịch sử của First Citizens gần giống với câu chuyện về ngân hàng nhỏ trong bộ phim kinh điển những năm 1940: “It’s a Wonderful Life” (Cuộc sống tươi đẹp).

Nó được thành lập với cái tên ban đầu là Bank of Smithfield vào năm 1898 với số vốn 10.000 USD và là ngân hàng duy nhất hoạt động ở Hạt Johnson, nơi mà phần lớn khách hàng là những người lao động làm việc cho các nông trại.

Ông Frank Holding - CEO đương nhiệm của First Citizens, đã từng bước đưa ngân hàng đi lên. Ông được thừa kế vị trí hiện tại từ người chú của mình, Lewis Holding, ngay trong khoảng thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Với giọng miền nam đặc sệt và rao giảng về hướng tiếp cận thẳng thắn về cho vay, Frank Holding cũng rất lọc lõi trong việc thương thảo khi từng theo học tại Đại học Wharton.

Ông đã tạo dựng nên tên tuổi của First Citizens trong hệ thống ngân hàng Mỹ bằng cách đặt cược vào các thương vụ mua lại đối thủ đang gặp vấn đề với mức giá phải chăng.

“Holding không bao giờ sợ hãi trước bất cứ thoả thuận nào,” Phil Timyan, một nhà đầu tư tư nhân từng nắm giữ cổ phần ở First Citizens trong gần 2 thập kỷ, nói. “Ông ta là một gã luôn nắm bắt từng cơ hội để xây dựng ngân hàng. Ông ta hiểu rõ về các loại tài sản, mua chúng với giá ưu đãi, và rồi chúng sinh sôi ngay lập tức.”

Timyan gọi thương vụ mua lại SVB là bước đi làm biến đổi First Citizens.

SVB là thương vụ sáp nhập mới nhất mà First Citizens thực hiện thành công (Ảnh: Market Insider)

SVB là thương vụ sáp nhập mới nhất mà First Citizens thực hiện thành công (Ảnh: Market Insider)

Những vụ sáp nhập đình đám

Holding, cùng với em gái của mình Hope Bryant, Phó Chủ tịch ngân hàng, và người họ hàng Peter Bristow, Chủ tịch, đã mua lại cả chục ngân hàng từ FDIC trong suốt 2 thập kỷ qua.

Họ cũng từng theo đuổi những thương vụ mua lại nhiều ngân hàng được niêm yết.

Gia đình Holding kiểm soát First Citizens, và các thành viên trong gia đình này sở hữu khoảng 2 tỉ USD cổ phần, theo ước tính của Financial Times. Giá cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng hơn 50% trong hôm đầu tuần này, sau thương vụ mua lại SVB, giúp cho gia đình Holding có thêm khoản tiền hơn 500 triệu USD.

Hai ngân hàng này trên thực tế vô cùng khác biệt. SVB là một ngân hàng chuyên phục vụ cho các startup ở thung lũng Silicon và các nhà đầu tư đứng sau họ.

Tệp khách hàng này gửi lượng tiền lớn vào các tài khoản của SVB và được ngân hàng này cung cấp nhiều sản phẩm cho vay, từ tín dụng cho tới vay thế chấp.

Một khách gửi điển hình của SVB thường có số tiền gửi cao hơn nhiều so với mức tiền gửi được bảo hiểm tối đa là 250.000 USD, trong khi chỉ có 3% lượng tiền gửi tại ngân hàng này được bảo hiểm.

Trong khi đó, First Citizens vận hành một mạng lưới gồm 550 chi nhánh, lớn hơn khoảng 30 lần nếu so với SVB. Ngân hàng này chủ yếu nhắm vào những khách hàng ở các thành phố nhỏ nằm dọc khu vực Đông-Nam nước Mỹ.

Gần 70% tiền gửi tại First Citizens được bảo hiểm, theo dữ liệu của FDIC, có nghĩa rằng họ không dễ bị tổn thương trước những đợt rút tiền hàng loạt (bank run), hiện tượng đã dẫn tới sự sụp đổ của SVB. First Citizens cũng không bị phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn từ doanh nghiệp (wholesale funding), vốn đang tăng mạnh theo đà tăng của lãi suất.

Năm 2020, ngân hàng này hoàn tất thương vụ mua lại lớn nhất của mình, thoả thuận mua lại ngân hàng CIT Group với giá 2 tỉ USD. Thoả thuận này cho thấy rõ lợi thế về vốn của họ.

“CIT làm ăn không có lợi nhuận như mong đợi bởi nó chủ yếu được rót vốn thông qua nguồn vốn ngắn hạn từ doanh nghiệp,” Timyan nói. Holding “chỉ đặt tài sản vào bản cân đối kế toán của ông ta với chi phí ký gửi thấp và làm tăng doanh thu,” ông nói.

Trong một cuộc hội thảo với các chuyên gia phân tích hôm đầu tuần này, Holding nói rằng chính hướng tiếp cận bảo thủ của First Citizens đã giúp họ giành chiến thắng tại một trong những cuộc đấu giá lớn nhất của FDIC. “Đó là lý do mà First Citizens đã hoàn thành giao dịch của FDIC nhiều hơn hầu hết các ngân hàng kể từ năm 2009,” ông nói.

First Citizens đang có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm, từng là mảng kinh doanh mà SVB thống trị.

Ông Holding nhận thấy một số sự trùng lặp giữa tệp khách hàng của SVB và của First Citizens ở Raleigh, North California, một đấu trường được gọi là “Tam giác Nghiên cứu” bởi nó là nhà của một số trường đại học và công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Ngoài việc săn lùng những thoả thuận mua lại ngân hàng đang gặp khó, ông Holding còn có nhiều mối kinh doanh khác.

Ví dụ, ông là giám đốc của Mount Olive Pickle, một doanh nghiệp địa phương chuyên về nông sản, đặt trụ sở tại khu vực mà First Citizens vận hành một chi nhánh./.

Theo Financial Times