Châu Âu 'cai nghiện' khí đốt Nga: Khi Hy Lạp cũng quay lại với than đá...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng xanh của Hy Lạp bỗng chốc bị đổ bể, do cơn khát năng lượng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, bắt nguồn từ chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động ở Ukraine.
Ngôi làng Akrini, nơi người dân không có điện để sử dụng (Ảnh: CNN)
Ngôi làng Akrini, nơi người dân không có điện để sử dụng (Ảnh: CNN)

Dimitris Mitsaris mở cửa nhà để xe, mùi nho lên men bốc lên khi ánh ban mai đầu tiên hắt ra từ hàng chục thùng thép.

Mitsaris và gia đình ông sống ở đây, Agios Panteleimonas, một ngôi làng nằm sát núi với chỉ khoảng 800 người dân sinh sống ở miền Bắc Hy Lạp, và đã biến ngôi nhà của họ thành một nhà máy rượu nhỏ. “Tôi không có chút điện nào ở đây,” Mitaris nói và cười.

Tháng 12 năm ngoái, người đàn ông 40 tuổi có tới 17 năm làm việc trong các mỏ than của Tập đoàn Năng lượng Công (PPC) vẫn còn làm việc để cung cấp điện năng cho các hộ gia đình. Cuối cùng ông từ bỏ ngành than chuyển sang ngành rượu, vì cho rằng nhiên liệu hóa thạch sắp bị khai trừ.

Mitsaris, cũng có cha làm trong ngành khai thác than, đã mua một khoảnh vườn nho rộng 44 mẫu Anh. Nhưng giờ ông tự hỏi không biết đó có phải lựa chọn đúng đắn hay không – bởi than đá vẫn được sử dụng rộng rãi.

“Tôi rất lo lắng về tương lai,” ông nói. “Tôi còn 2 cô con gái cần nuôi dưỡng.”

Dimitris Mitsaris bên trong gara của mình, giờ trở thành một xưởng rượu nhỏ (Ảnh: CNN)
Dimitris Mitsaris bên trong gara của mình, giờ trở thành một xưởng rượu nhỏ (Ảnh: CNN)

Than đá là là loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất và góp phần lớn nhất gây ra khủng hoảng khí hậu. Hy Lạp hiện đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhưng quốc gia này – cùng nhiều nước khác ở châu Âu – đang phải tạm hoãn các kế hoạch loại than đá do cạn kiệt nguồn cung, và giờ biến thành một cuộc khủng hoảng năng lượng, kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Chỉ cách đây 1 năm, Hy Lạp vẫn tự tin rằng họ có thể đóng cửa hết các nhà máy đốt than vào năm 2023. Họ lên kế hoạch xây dựng một nhà máy than cuối cùng trong năm nay ở khu vực nơi mà ông Mitsaris sinh sống, Tây Macedonia, để cung cấp năng lượng cho hơn một nửa nhu cầu điện năng của đất nước.

Nhà máy mới, Ptolemaida 5, đến năm 2025 sẽ chuyển sang chạy bằng khí đốt, cũng là một loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm khác, nhưng đỡ hơn so với than đá.

Nhưng toàn bộ kế hoạch này giờ bị trì trệ.

Thời hạn chót để ngừng sử dụng than đá ở tất cả các nhà máy hiện hữu của Hy Lạp giờ chuyển từ 2023 sang năm 2025, và Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis mới đây cho rằng nhà máy Ptolemaida mới thực chất cần phải đốt than cho đến ít nhất là năm 2028.

Hy Lạp đang có kế hoạch tăng sản lượng khai thác than lên 50% trong vòng 2 năm tới để bù đắp cho lượng khí đốt thiếu hụt, do Tổng thống Nga Vladimir Putin cắt giảm nguồn cung cho EU.

Sự thay đổi có thể nhận thấy rõ. Trong tháng 6/2021, than đá sản sinh ra lượng điện năng 253,9 gigawatt giờ (GWh). Nhưng trong tháng 6 năm nay, con số này tăng gần gấp đôi, lên 468,1 GWh.

Và điều này diễn ra ngay trong lúc Hy Lạp đang phải oằn mình đối phó với các trận cháy rừng khủng khiếp ở đất liền và các đảo của họ, do đợt nắng nóng kỷ lục, mà nguyên nhân là biến đổi khí hậu.

Cháy rừng đã thiêu rụi nhiều ngôi nhà, người dân phải chạy ra các bờ biển, trong khi các chủ doanh nghiệp nhỏ trên các hòn đảo như Lesbos đối mặt với một mùa du lịch thất thu.

Cha của Dimitris Matisaris, một công nhân của PPC đã nghỉ hưu, làm việc tại xưởng rượu của con trai mình (Ảnh: CNN)
Cha của Dimitris Matisaris, một công nhân của PPC đã nghỉ hưu, làm việc tại xưởng rượu của con trai mình (Ảnh: CNN)

Những lựa chọn lớn trong cuộc sống của người dân, như nơi sống và làm việc, giờ rất khó khăn khi chính phủ liên tục thay đổi kế hoạch. Đối với ông Mitsaris, rời khỏi ngôi làng nơi ông sinh ra và lớn lên giờ không phải một lựa chọn đúng đắn.

“Vợ tôi từng làm việc tại một nhà máy sữa, nó đã đóng cửa vài năm trước. Họ kiếm cho cô ấy một công việc khác ở Athens nhưng thời điểm đó lương của tôi không đủ để nuôi sống cả gia đình, vậy nên chúng tôi quyết định ở lại,” ông nói. “Tôi biết trước tình huống hiện nay, có lẽ tôi đã chuyển tới Athens rồi.”

Chính phủ Hy Lạp đang cố gắng thuyết phục người dân rằng sử dụng lại than đá chỉ là biện pháp tạm thời. Nhưng ngành công nghiệp này đang thu hút nhiều lao động ở Tây Macedonia.

Công ty năng lượng PPC hiện đang đề nghị những vị trí làm việc dài hạn và ổn định cho hàng nghìn người dân ở Tây Macedonia, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%.

Ở nơi này – mọi người đều coi than đá là “vận may lẫn vận rủi” – sự trở lại của nhiên liệu hóa thạch có thể tạo nên mọi sự khác biệt giữa ở lại và rời đi. Thế nhưng đã có rất nhiều người rời khỏi để lên những thành phố lớn, hoặc thậm chí di chuyển ra nước ngoài, để tìm cuộc sống mới.

Một ngôi làng đang mục ruỗng

Nói về chuyển đổi sang năng lượng xanh, Hy Lạp từng được xem là một câu chuyện thành công.

Trước khi Nga phát động chiến tranh ở Ukraine, Hy Lạp chỉ dựa rất ít vào than đá – khoảng 9% tổng nguồn cung năng lượng, giảm từ mức 25% so với trước đó 6 năm. Họ là nước đầu tiên trong Balkan, khu vực vốn dựa dẫm vào than đá, công bố mục tiêu ngắn hạn ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng việc chuyển đổi luôn luôn đầy thách thức – chủ yếu là ở chỗ, liệu chính quyền sẽ đưa ra được đề xuất gì cho những người công nhân làm việc tại các thị trấn vốn sống dựa vào khai thác than đá (?!).

Ở Tây Macedonia – khu vực cung cấp tới 80% tổng lượng than của Hy Lạp – PPC đã truất hữu hàng chục ngôi làng để họ có thể khai thác than đá, di chuyển toàn bộ cộng đồng dân cư ra khu vực ngoại vi mỏ than. Và họ là những người may mắn.

Toàn cảnh ngôi làng Akrini (Ảnh: CNN)

Toàn cảnh ngôi làng Akrini (Ảnh: CNN)

Trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn này – khi than đá vẫn đang được khai thác trong khi sắp bị ngừng – người dân tại ngôi làng Akrini nhận thấy rằng họ không thể di chuyển đi đâu, ngay cả khi mọi thứ xung quanh họ dần đổ nát.

Dân cư ở đây đã tranh chấp suốt hơn một thập kỷ với PPC, nói rằng họ cần có tiền đền bù để di dời khỏi ngôi làng của mình, nơi đã hứng chịu tình trạng than tro trầm trọng trong suốt nhiều năm do khai khoáng. Và giờ họ đã vận động thành công để có thể dời đi, theo như một điều luật được phê duyệt năm 2011.

PPC nói rằng họ không có trách nhiệm với người dân trong ngôi làng này, mặc dù theo luật năm 2011 họ phải hỗ trợ người dân di dời khỏi ngôi làng bị ô nhiễm nặng nề.

Charalambos Mouratidis, 26 tuổi, cho hay ông không biết phải làm gì tiếp theo.

Giống như Mitsaris, Mouratidis đã cố gắng tìm kiếm một cuộc sống mới sau khi bỏ việc ở một mỏ than của PPC, nơi mà cha ông từng làm việc.

Nhưng Mouratidis chưa từng có kiểu công việc bảo vệ giống như cha mình. Ông làm việc theo hợp đồng 8 tháng, dọn dẹp tro bụi dính trên máy móc bên trong hầm mỏ. Công việc không ổn định, lương thấp và môi trường làm việc độc hại đã khiến ông quyết định nghỉ việc.

Những cột khói từ nhà máy than gần trang trại của ông Mouratidis ở Akrini (Ảnh: CNN)
Những cột khói từ nhà máy than gần trang trại của ông Mouratidis ở Akrini (Ảnh: CNN)

Hiện tại, Mouratidis sở hữu một trang trại gia súc, nằm trên ngọn đồi nhìn ra Akrini, từ đằng xa có thể nhìn thấy rõ những cột khói và hơi nước bốc lên từ những ống khói, tháp làm lạnh của các nhà máy than.

Ngoài công việc chăn nuôi gia súc, ông còn làm thêm công việc phụ tại một công ty sản xuất tấm năng lượng mặt trời.

Làm việc tại một công ty năng lượng “xanh” giúp Mouratidis có thêm chút ít thu nhập. Nhưng sự mở rộng của ngành năng lượng mặt trời cũng ngày càng chiếm thêm nhiều diện tích đất đai, khiến cho các khu vực canh tác hay chăn nuôi bị thu hẹp, bởi vậy mà vùng trồng trọt ở Akrini gần như không thể mở rộng, ông nói.

Bên cạnh các trang trại điện mặt trời, tất cả các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Akrini đều bị hủy.

“Tôi bắt đầu làm trang trại với hy vọng sẽ có một tương lai ổn định, nhưng giờ mọi thứ đều có nguy cơ bị mất,” ông Mouratidis nói. “Mọi người đều đi đến đường cụt.”

Điều gì ở phía trước?

Chính phủ Hy Lạp đã đưa ra một kế hoạch trị giá 7,5 tỉ euro (7,9 tỉ USD) để giúp đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch sang một quốc gia đổi mới xanh. Kế hoạch Phát triển Chuyển dịch này, đã được biết đến ở khắp EU, đã nhận được nguồn vốn 1,63 tỉ euro từ EU.

Tây Macedonia là một khu vực được tập trung theo như kế hoạch này và đáng lẽ ra phải nhận được nguồn vốn lớn, để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của đất nước. Mặc dù kế hoạch này nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dân ở đây, nhưng phần còn lại vẫn tỏ ý hoài nghi rằng kế hoạch này khó có thể được hoàn thành trong 6 năm, trước khi nhà máy than cuối cùng đóng cửa.

Ông Mouratidis ngờ rằng số tiền khổng lồ đó sẽ chẳng giúp được gì cho ông.

Trang trại của ông Charalambos Mouratidis ở Akrini (Ảnh: CNN)
Trang trại của ông Charalambos Mouratidis ở Akrini (Ảnh: CNN)

“Tôi không chắc là phần lớn số tiền đó sẽ đến được tay những người dân như tôi. Một lượng tiền cuối cùng sẽ rơi vào tay những người công khai ủng hộ chính phủ hiện tại và phần lớn sẽ rơi vào tay những người quản lý số quỹ đó,” ông nói. “Điều này đã từng có trong quá khứ. Ngay cả giữa lúc đại dịch COVID-19, sự hỗ trợ cũng được trao cho các công ty, doanh nghiệp lớn nhiều hơn là thứ chúng tôi nhận được.”

Nhưng không phải hy vọng đã mất hết. Trong lúc nhiều công nhân rời ngành than để sang làm nông nghiệp, EU có sự hỗ trợ nhất định. Chỉ cách Akrini vài km, Nikos Koltsidas và Stathis Paschalidis đang cố gắng đưa ra những giải pháp bền vững cho những người bị mất việc trong quá trình chuyển đổi xanh.

Nikos Koltsidas và Stathis Paschalidis, những người sáng lập sáng kiến "Nông trại đáng tự hào" (Ảnh: CNN)
Nikos Koltsidas và Stathis Paschalidis, những người sáng lập sáng kiến "Nông trại đáng tự hào" (Ảnh: CNN)

Thông qua sáng kiến “Nông trại đáng tự hào”, họ đóng vai trò như “vườn ươm” đối với những người dân Hy Lạp muốn làm trang trại theo cách bền vững, trao cho người dân các khóa học và kiến thức về những công nghệ mới nhất.

“Chúng tôi muốn tạo nên một mạng lưới nông trại tự bền vững, bảo vệ môi trường và động vật, trong khi đòi hỏi những người nông dân mới đầu tư ít vốn,” ông Paschalidis nói./.

Theo CNN