Chân dung cựu Thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ trước tòa

VietTimes – Trong giai đoạn còn đương chức, công chúng không có nhiều thông tin về Phó Tổng Giám đốc kín tiếng của Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”). Do thế, tới phiên Tòa sơ thẩm... xử kín bị cáo Đinh Ngọc Hệ và 4 đồng phạm, công chúng mới có hình ảnh hiếm hoi về cựu Thượng tá quân đội này.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trước tòa. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trước tòa. Ảnh: TTXVN

Do ít có cơ quan báo chí được tham dự phiên xử này, TTXVN trở thành nguồn cung cấp thông tin chủ chốt về phiên xử. Theo ảnh do TTXVN chụp, bị cáo Đinh Ngọc Hệ ra tòa với tâm lý khá tốt. Ông Đinh Ngọc Hệ xuất hiện với cái đầu mới được cạo trọc, trang phục cẩn thận, và gương mặt nhẵn nhụi, bình thản. Đây là lần hiếm hoi hình ảnh về vị “Thượng tá” này rõ ràng và gần đến thế. 

Dưới đây là một số hình ảnh về phiên xử kín này do TTXVN cung cấp

Phiên sơ thẩm xử kín Út “trọc” và các đồng phạm trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra Tổng Công ty Thái Sơn tiến hành từ ngày 30/7, tại Trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô, Tòa quân sự Quân khu 7.

Các bị cáo ra tòa cùng Út “trọc” là gồm Trần Xuân Sơn (sinh năm 1986) - nguyên Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương của Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn, Trần Văn Lâm (sinh năm 1977) - nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư Thái Sơn, Bùi Văn Tiệp (sinh năm 1957) - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân, Phùng Danh Thắm (sinh năm 1965) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn. Ông Thắm bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

TTXVN dẫn nguồn cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm trong vụ án thực hiện các hành vi phạm tội tại Tổng công ty Thái Sơn.

Cụ thể, tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ - lúc đó là Phó trưởng phòng kinh doanh Tổng Công ty Thái Sơn - đã đề nghị Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn cho thành lập công ty cổ phần mới theo mô hình mô hình công ty mẹ-con của Tổng Công ty Thái Sơn. Đó chính là Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn.

Công ty này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Thái Sơn thực góp 51% cổ phần, tương đương 10,2 tỷ đồng, nhưng các cổ đông cá nhân (nắm 49%, tương đương 9,8 tỷ đồng) thì được ghi nợ vốn góp. Các cá nhân này đều liên quan về họ hàng tới Đinh Ngọc Hệ.  

Sau này, khi Tổng công ty Thái Sơn rút 31% vốn khỏi Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn,  Đinh Ngọc Hệ - lần lượt là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc – trực tiếp quản lý, điều hành trực tiếp doanh nghiệp này.

Cáo trạng cáo buộc ông Đinh Ngọc Hệ tiếp tục sử dụng danh nghĩa doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng cho các giao dịch, hoạt động khỏi Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn. Dù thời điểm đây chỉ còn là doanh nghiệp liên kết của Tổng Công ty Thái Sơn.

Cụ thể, trong các năm 2011 đến 2016, Đinh Ngọc Hệ lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia...

Trong đó, có việc chỉ huy cấp dưới ký tờ trình đề nghị xin mua xe bằng vốn tự có, đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A. Sau đó sử dụng trái pháp luật, gây thất thu tiền thuế trước bạ. Đồng thời chỉ đạo thế chấp số xe này, hoặc giao xe cho những người khác sử dụng trái quy định, hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.

Tại Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, khi bị Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện có hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo làm công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương, mạo nhận là “doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng” để xin không bị xử phạt.

Sau đó, bị cáo Hệ chỉ đạo bị cáo Trần Văn Lâm cùng Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng gửi, giữ xăng dầu và các tài liệu nhằm hợp thức số xăng trên là của Sư đoàn 367, không phải xăng bán ra thị trường. Qua đó tránh việc bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra quân sự còn làm rõ bị cáo Đinh Ngọc hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp đại học giả, sử dụng những văn bằng giả này nhiều lần kê khai hồ sơ đảng viên, để được nâng lương, chuyển nhóm lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm trái quy định.

Hành vi của bị cáo Đinh Ngọc Hệ vì các bị cáo Lâm, Tiệp, Sơn đã cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tất cả những sai phạm này của các bị cáo diễn ra tại Tổng công ty Thái Sơn, trong giai đoạn dưới quyền điều hành của bị cáo Phùng Danh Thắm. Do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, ông Thắm không phát hiện được các sai phạm này và bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Cáo trạng cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận các hành vi phạm tội bị cáo buộc.

Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả và đề nghị gia đình nộp cho Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tổng số tiền 1,280 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ nộp 500 triệu đồng; Trần Xuân Sơn nộp 500 triệu đồng; Bùi Văn Tiệp nộp 250 triệu đồng; Phùng Danh Thắm 20 triệu đồng và Trần Văn Lâm 10 triệu đồng.