Đằng sau thái độ ương ngang của một công trình “từng không phép“

VietTimes -- Thái độ ương ngang của Cái Mép trong dự án kho bia ở Tiền Giang – một công trình xây dựng không phép trên đất thuộc quản lý của một đơn vị quân đội – liệu có là một ví dụ cho thấy “thần thế” của nhân vật đứng sau, kiểu như Út “Bộ trưởng”?...
Kho bia "từng không phép" của Cái Mép tại khu đất của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Thanhnien)
Kho bia "từng không phép" của Cái Mép tại khu đất của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Thanhnien)
 Một thương vụ trao đổi BOT...

Xin trở lại một thương vụ, thực ra đã khá cũ.

Ngày 10/01/2010, Công ty Cổ phần Đầu tư Cái Mép (Cái Mép) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang có ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/2010/HĐHTKD về việc Đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê tại khu đất đường Lý Thường Kiệt, khu phố 10, phường 6, thành phố Mỹ Tho.

Đây là khu đất công do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang quản lý thuộc thửa số 51, tờ bản đồ số 10, đường Lý Thường Kiệt, được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00905, ngày 06/9/2012, diện tích 7.990,9 m2; hình thức sử dụng riêng: mục đích sử dụng: Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp Nhà nước.

Với đặc thù là một khu đất do đơn vị quốc phòng quản lý, dự án hợp tác này cần phải xin ý kiến của cơ quan quân sự cấp trên. Nó nhận được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 vào ngày 16/01/2010 – tức 6 ngày sau khi hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết.

Nhưng vấn đề là suốt nhiều năm sau, kế hoạch đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng cho thuê vẫn chỉ nằm trên… giấy. Còn Cái Mép đã có tính toán khác!

Kho bia ương ngang…

Tháng 02/2014, trên khu đất hợp tác, CTCP Đầu tư Cái Mép đã tiến hành thi công xây dựng công trình. Nhưng mà là xây nhà kho và các công trình phụ trợ (kho bia), chứ không phải là khách sạn và văn phòng cho thuê như Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cái Mép tiến hành thi công khi chưa có giấy phép xây dựng và vi phạm trật tự xây dựng. Công trình bị các cơ quan chức năng của Tiền Giang “tuýt còi”.

Ngày 29/4/2014, Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho ban hành Quyết định số 2780/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cái Mép về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, phạt tiền với mức phạt 40 triệu đồng, yêu cầu Công ty Cái Mép ngừng thi công xây dựng công trình, phải lập thủ tục xin giấy phép xây dựng theo quy định. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho cũng ban hành Quyết định số 2781/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cái Mép về hành vi xây dựng công trình (Cổng tường rào, công trình khác) trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, phạt tiền với mức phạt 5 triệu đồng. 

Vì sao Lào Cai xin dừng dự án BOT 2.518 tỷ đồng đi Sa Pa?

Mỹ Tho cũng buộc Cái Mép phải tháo dỡ bộ phận công trình xây dựng vi phạm lộ giới, cụ thể: Văn phòng làm việc 9,60m2, nhà bảo vệ 5,55m2, hàng rào vi phạm lộ giới đường Lý Thường Kiệt, chiều dài 73m, đường Trần Ngọc Giải, chiều dài 48m. Yêu cầu Công ty Cái Mép phải cam kết tự tháo dỡ và di dời 84,90m hàng rào giáp đường nội bộ khu dân cư kênh Xáng cụt khi Nhà nước thu hồi để thực hiện quy hoạch chi tiết phường 6 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 2962/QĐ-UBND ngày 26/7/2004.

Kế đó, ngày 08/5/2014, Ủy ban nhân dân phường 6 đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng do Công ty Cái Mép làm chủ đầu tư.

Sử dụng biện pháp mạnh hơn, ngày 09/5/2014, Điện lực Mỹ Tho và Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Tiền Giang đã tiến hành dừng việc cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm theo nội dung Quyết định số 89/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân phường 6.

Nhưng kệ các yêu cầu của chính quyền và bất chấp cả chuyện cắt nước, cắt điện, Cái Mép vẫn tiếp tục tổ chức xây dựng.

Cực chẳng đã, ngày 16/6/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 1503/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty Cái Mép, phạt tiền với mức phạt 1  tỷ đồng, đồng thời yêu cầu Cái Mép phải ngừng thi công xây dựng.

Lần này thì Cái Mép phản ứng.

Ngày 26/6/2014, công ty này gửi đơn khiếu nại Quyết định số 1503/QĐ-XPVPHC đến UBND tỉnh Tiền Giang.

Bà Vũ Thị Hoa – Tổng Giám đốc Cái Mép - cho rằng các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang lập biên bản vi phạm đối với Công ty CP Đầu tư Cái Mép là không đúng vì chủ đầu tư là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang, công ty chỉ góp vốn hợp tác.

Văn bản này còn nói rõ: “Theo quy định chung của Bộ Quốc phòng về việc sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để làm kinh tế, nếu xây dựng công trình tạm như công trình tại khu đất trên đường Lý Thường Kiệt, P.6, TP Mỹ Tho thì thủ tục pháp lý phê duyệt là của quân đội và chủ đầu tư chỉ thông báo cho địa phương là đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án rồi”. Với lý do này, Công ty CP Đầu tư Cái Mép yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang thu hồi quyết định xử phạt của UBND TP Mỹ Tho và không chịu ngừng thi công công trình.

Tuy nhiên, xem xét các văn bản giải trình của Cái Mép và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định Cái Mép mới là chủ đầu tư của công trình xây dựng.

Cũng theo theo xác minh của UBND tỉnh Tiền Giang, “quá trình khiếu nại, Công ty Cổ phần Đầu tư Cái Mép không cung cấp chứng từ mới theo nội dung yêu cầu” và “nhiều lần xin rút đơn khiếu nại” - nhưng hình thức các văn bản này lại chưa đảm bảo theo quy định.

Xét Báo cáo số 591/BC-TT ngày 19/9/2014 của Thanh tra tỉnh Tiền Giang, ngày 29/9/2014, UBND tỉnh này đã ra Quyết định số 2359/QĐ-UBND bác Đơn khiếu nại của CTCP Đầu tư Cái Mép; Giữ nguyên Quyết định số 1503/QĐ-XPVPHC ngày 16/6/2014 của UBND tỉnh Tiền Giang.

Khiếu nại bất thành, ngày 12/11/2014, Cái Mép có Văn bản số 160/CV-CM.2014 về việc xin xem xét giảm mức tiền xử phạt. Nhưng Tiền Giang tỏ ra khá cương quyết.

Tại Công văn số 5863/UBND-ĐTXD ngày 21/11/2014, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cái Mép thực hiện đầy đủ nội dung Quyết định số 1503/QĐ-XPVPHC. “Riêng hình thức phạt tiền có mức phạt 1 tỷ đồng đến hết ngày 30/11/2014 mà Công ty Cái Mép chưa xuất trình biên lai nộp phạt, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức cưỡng chế theo quy định”, tỉnh này khẳng định.

Có thể hiểu cho tinh thần cương quyết của Tiền Giang. “Tại cuộc họp báo vào giữa năm 2014, ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuyên bố: “Dứt khoát, kỷ cương phép nước phải được thực thi”” – tờ Thanh niên ghi nhận trong một bài viết ngày 10/11/2015.

Song: “Nói vậy nhưng rồi sau đó người ta thấy kho bia được xây dựng xong và đưa vào sử dụng” – cũng theo tờ Thanh niên.

Buổi lễ khai trương kho bia, như ghi nhận, được tổ chức vào ngày 15/10/2015. “Chính nhờ được “giải cứu” như vậy nên ngày 15.10 vừa qua, kho bia lậu nói trên đã tổ chức lễ khai trương hoành tráng với sự tham dự của nhiều quan chức địa phương. Có nghĩa là kho bia lậu đã có đường hết… lậu!”, trích bài viết với nhan đề Phù phép’ công trình xây trái phép.

Cái Mép của ai?

Một vấn đề có lẽ nên đặt ra, đó là “thần thế” nào giúp Cái Mép vững vàng đến vậy.

Doanh nghiệp này thực ra không quá nổi. Thông tin về nó trên thị trường cũng khá hạn chế.

Có chăng cái tên CTCP Đầu tư Cái Mép mới chỉ khiến người ta chú ý đến hơn sau khi nó bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP.

Theo đó, tháng 05/2016, Cái Mép nhận chuyển nhượng toàn bộ lượng cổ phần Cienco 1 mà CTCP Hạ tầng FECON (4,6 triệu cổ phần) và CTCP FECON (7 triệu cổ phần) nắm giữ, trở thành một trong 4 cổ đông chi phối tại tổng công ty này, bên cạnh CTCP An Hiền, CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh. Nhóm cổ đông này, như VietTimes từng đề cập, thực chất có quan hệ “dây mơ dễ má” khá gần gũi nhau.

CTCP Đầu tư Cái Mép thành lập ngày 29/12/2006, đăng ký trụ sở chính tại 147 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM. Công ty này có vốn điều lệ 900 tỷ đồng – theo số liệu cập nhật từ cuối tháng 9/2017 (trước đó là 600 tỷ đồng).

Một thời gian dài, Cái Mép được đại diện bởi bà Vũ Thị Hoa (SN 1984) – Tổng Giám đốc. Ngày 09/08/2017, vị trí này được chuyển sang cho ông Bùi Duy Nhân (SN 1970).

Đáng chú ý, ông Bùi Duy Nhân chính là người đã thay thế ông Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, sau khi ông Hệ bị khởi tố, bắt tạm giam vào cuối năm 2017.

Thứ nữa, nên biết, Chi nhánh Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P tại Tiền Giang cũng có địa chỉ tại Khu phố 10, phường 6, thành phố Mỹ Tho. Địa chỉ này khá tương đồng với địa chỉ khu đất mà Cái Mép đã hợp tác kinh doanh với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang. Vậy có khi nào chi nhánh này cũng nằm tại… kho bia (?!).

Tiếng nói của nhóm chủ Cái Mép tại Cienco 1 có lẽ không chỉ dừng lại ở phần cổ phần mà họ nắm giữ. Bởi, phu quân của bà Hoa – ông Đoàn Minh Toàn (SN 1982) – là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP An Hiền, cổ đông nắm giữ 24,5% cổ phần Cienco 1. Còn em gái bà Hoa – bà Vũ Thị Hoan (SN 1985) – là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, cổ đông chiến lược hiện nắm giữ 28,5% cổ phần Cienco 1.

Không chỉ gián tiếp tham gia các dự án BOT và hạ tầng giao thông thông qua Cienco 1, tại một số dự án, Cái Mép còn trực tiếp làm nhà đầu tư, thậm chí là đồng hành cùng Cienco 1. Chẳng hạn như tại dự án BOT cầu Bạch Đằng (có tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng), Cái Mép và Cienco 1 là hai trong số 8 cái tên liên danh nhà đầu tư, bên cạnh: Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi; Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc; Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành; Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành; Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trung Nam; Tập đoàn SE (Nhật Bản).

Cienco 1, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh là những pháp nhân được nhắc đến rất nhiều trong các bản tin về Út “trọc”, gần đây trên truyền thông. Sẽ là không bất ngờ nếu CTCP Đầu tư Cái Mép cũng có liên hệ ít nhiều tới hệ thống này.

Thái độ ương ngang của Cái Mép trong dự án kho bia ở Tiền Giang – một công trình xây dựng không phép trên đất thuộc quản lý của một đơn vị quân đội – liệu có là một ví dụ cho thấy “thần thế” của nhân vật đứng sau, kiểu như Út “Bộ trưởng”?.../.