Các nhà đầu tư kỹ thuật nhìn thấy nhiều chỉ dấu rời khỏi thị trường, khi mốc margin liên tục bị phá, lực cầu cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai yếu, rơi xuống các mức giá thấp kỷ lục.
Từng nắm giữ khá nhiều cổ phiếu của các công ty bầu Đức, anh Nguyễn Xuân Kim, Cầu Giấy, Hà Nội chỉ cười khi được hỏi về cảm nhận khi món đầu tư tích lũy nhiều năm theo giá chứng khoán gần như đã bốc hơi hết.
Vào khoảng năm 2011, khi thị trường bất động sản nhìn chung kém khởi sắc, việc không chịu cắt lỗ cổ phiếu HAG đã khiến anh thiệt hại không ít. Tuy nhiên, so với hiện tại, con số đó chưa thấm vào đâu.
“Khi HNG lên sàn, tôi bán bớt HAG để mua chính cổ phiếu này. Dù biết công ty mẹ - con, có ảnh hưởng thì cả 2 cổ phiếu đều sẽ thiệt hại, nhưng tôi tính toán sẽ nắm HNG khoảng 1 năm rồi bán. Sau khi mua xong, thời gian đầu, theo đúng phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này hầu như không có dấu hiệu xấu nào. Mọi chuyện chỉ vượt quá kiểm soát trong 2 tháng gần đây nhất. Thủng tất cả các mốc”, anh Kim nói.
Giống như nhiều nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật khác, anh Kim đã sớm nhận thấy giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục "thủng" các mốc hỗ trợ. Các mô hình áp dụng đều cho thấy những chỉ dấu cần phải rời khỏi thị trường. Mốc margin bị phá, không còn đòn bẩy khiến lực cầu yếu và giá cổ phiếu không thể bứt tốc.
Trong thời điểm khó khăn này, một số quỹ đầu tư lại điều chỉnh rổ cổ phiếu, thay đổi danh mục đầu tư và loại HAG khỏi danh sách. Từ đây, hiệu ứng dây chuyền khiến các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật rời thị trường, kéo theo cả những người đầu tư theo “sóng”. Bán tháo trở thành xu hướng chung, khiến cổ phiếu HAG và HNG trong những phiên giáp Tết Bính Thân luôn trong tình trạng không còn dư cầu, trong khi dư cung duy trì vài triệu đơn vị.
Lãnh đạo một quỹ đầu tư của Nhật Bản, vốn là cổ đông lâu năm của Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nếu nhận định đợt giảm giá và bán tháo cổ phiếu công ty bầu Đức là hệ quả từ việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể chờ đợi thị trường hồi phục, thì mới chỉ là “phần ngọn của vấn đề”.
Gốc rễ là thời gian qua giá các loại hàng hóa đều giảm sâu, trong đó có cả dầu khí, khoáng sản, và đặc biệt là các sản phẩm về nông nghiệp, trong đó có cao su. Đây là thực trạng chung của nền kinh tế thế giới, chứ không chỉ của riêng Việt Nam.
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, trong khi đây là nguồn cầu lớn về cao su thế giới, đặc biệt là với thị trường Việt Nam. Thời điểm HAG quyết định đầu tư, giá cao su là 6.000 – 7.000 USD một tấn, nhưng giờ chỉ còn xấp xỉ 1.000 USD một tấn.
“Trong khi đó, phần lớn tài sản, đặc biệt là nợ của HAG đều để đổ vào cao su. Tổng nợ phải trả của tập đoàn này là 30.722 tỷ đồng, tăng 47,8% so với con số 20.929 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, riêng nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng.
Cao su giờ bán giá quá thấp, lại không có thị trường nên xác suất lớn là bầu Đức sẽ không thể trả được các khoản nợ để vay trồng cao su. Đây là suy nghĩ chung của nhiều nhà đầu tư, và thực tế thì cũng không có nhiều sai khác, mặc dù còn thiếu những chi tiết cụ thể bổ sung cho lo ngại này”, vị này cho hay.
Ngoài ra, những ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất, kích thích những cuộc chiến tranh tiền tệ khiến các khoản đầu tư ở châu Á phải đối diện với thua lỗ cao. Các quỹ đầu tư nhanh chóng có động thái rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Những yếu tố này cộng hưởng vào nhau đã tác động lên các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia trong khu vực.
“Các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật sẽ rời khỏi thị trường sớm, sau đó tới các nhà đầu tư theo ‘phong trào’. Cung dồn dập trong khi cầu yếu là lý do khiến giá cổ phiếu của HAG liên tục xuống đáy. Thực ra, tài sản nằm ở đó có nhiều cách để thoát ra, chỉ là lựa chọn ra sao để không quá thiệt hại”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Theo Zing.vn